Đội xe ôm chắp cánh ước mơ

(Dân trí) - “Cháu ơi cho bác hỏi đường về Đại học Luật”, “Chị ơi, em muốn về Học viện báo chí thì đi đường nào?”… những âm thanh hỏi đáp rộn rã từ một góc nhỏ tại khu vực mặt tiền của bến xe Gia Lâm cứ kéo dài không ngớt…

Nối dài ước mơ

 

Những ngày đầu tháng 6, để chuẩn bị cho hoạt động “Tiếp sức mùa thi 2007”, 17 đoàn viên của Quận đoàn Long Biên được “biên chế” vào đội ngũ xe ôm mùa thi “Đội tình nguyện chở những ước mơ” nhưng chỉ có 5 chiếc xe để thay phiên nhau hoạt động.

 

Nguyên tắc hoạt động của đội là không lấy tiền trong vòng 5-7km, nếu đi xa hơn thì chỉ lấy đủ tiền xăng. Ngoài làm xe ôm nghiệp dư, các bạn đoàn viên này còn kiêm luôn cả vai trò giới thiệu phòng trọ cho sỹ tử.

 

Có mặt tại bến xe Gia Lâm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi mới 8 giờ sáng mà cuốn sổ ghi danh sách thí sinh tìm đến với đội tình nguyện “Tình nguyện chở những ước mơ” đã lên tới con số 25. Dưới cái nắng oi ả, khuôn mặt những thành viên của nhóm thanh niên tình nguyện đã lấm tấm mồ hôi. Không khí bến xe mỗi phút lại càng trở nên ngột ngạt. Những tờ bướm, những tờ bản đồ Hà Nội vô tình trở thành quạt trong tay những thành niên tình nguyện. Tuy nhiên, những khuôn mặt mệt mỏi đó thoắt trở nên hoạt bát khi có bóng dáng những thí sinh tìm đến hỏi về đường đi, điểm trọ…

 

Đội trưởng đội xe ôm tình nguyện Nguyễn Hoài Thương lại là người mảnh khảnh nhất trong nhóm, liên tục chạy đi chạy lại hết góc nọ đến góc khác của bến xe để tìm thí sinh. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn ngắt quãng công việc của “đội trưởng xe ôm” này chừng 5, 10 phút nhưng cũng nhận được cái lắc đầu rất… dịu dàng: “Nhiều em thí sinh còn rất bỡ ngỡ nên công việc của bọn em lại càng vất vả anh à, ước chi bây giờ có “ba đầu sáu tay” để tìm cho hết được. Anh thông cảm giúp em, tầm này đông thí sinh lắm. Có gì, anh cứ hỏi các em thành viên trong đội, nhé?”.

 

Câu chuyện giữa chúng tôi với Phạm Mạnh Cường, thành viên có thâm niên 3 năm tình nguyện là “xe ôm” cho các thí sinh cũng thường xuyên bị đứt quãng bởi những câu hỏi “anh chị cho em hỏi…”, “cháu ơi, cho bác hỏi…” từ những thí sinh và người nhà tìm đến. “Mọi năm cao điểm là trước ngày thi chừng 1,2 ngày. Những ngày đó, bọn em phải làm thông trưa vẫn không hết việc. Mệt nhưng không ai than khổ, vui ghê gớm. Mỗi lần chở thí sinh đến nơi trọ an toàn, nghe được lời cảm ơn là bao mệt mỏi tan biến hết. Nhiều trường hợp họ đưa tiền nhưng chúng em nhất quyết không nhận”, Cường chia sẻ.

 

Ký ức về những ngày làm xe ôm tình nguyện của chàng thanh niên này cũng thật dễ thương. Những ngày đầu mới vào “nghề”, Cường đã có lần rong dắt thí sinh mất hơn 2 tiếng đồng hồ vì… lạc đường. Người tình nguyện chở không công chưa dám than mệt nhưng thí sinh ngồi sau xe đã la bai bải rồi. Nhưng đến nay chuyện lạc đường đối với Cường đã không còn.

 

“Một kỷ niệm rất đặc biệt với em là trong mùa thi Đại học 2006, em có chở một cô bé về Đầm Trấu nghỉ nhà người quen. Khi xong việc cả gia đình ân cần mời lại ăn cơm, mặc dù lúc đó em cũng đã thấm mệt, lại đúng giờ… ăn trưa, nhưng nghĩ tới cảnh còn nhiều thí sinh khác cần đến mình, em xin phép về. Gia đình họ đưa số tiền cảm ơn gấp nhiều lần số tiền xe ôm nhưng em nhất quyết không nhận. Hy vọng cô bé đó hiện giờ đã là một sinh viên chững chạc rồi”.

 

Tình nguyện bất kể nắng, mưa

 

Đội xe ôm chắp cánh ước mơ - 1

Tư vấn đường đi, chỗ trọ cho thí sinh.

Càng về trưa, bầu trời càng trở nên xầm xì, báo hiệu một cơn mưa rào mùa hạ sẵn sàng đổ xuống bất cứ lúc nào. Tôi và một vài thành viên tình nguyện vội đứng nép vào phía trong mái hiên bên ngoài nhà chờ bến xe Gia Lâm. Nguyễn Văn Minh, một thành viên của “Đội tình nguyện chở những ước mơ” cho biết: “Ban quản lý bến xe Gia Lâm đã sắp xếp cho nhóm một vị trí phía trong nhà chờ phòng khi trời mưa nhưng vẫn phải có người đứng đây, nhỡ đâu có thí sinh bỡ ngỡ mà không gặp được người thì tội họ lắm”.

 

Đúng lúc đó, một người đàn ông trung niên tay xách nách mang tiến đến phía họ. Có tiếng một đội viên: “Bác và em về Học viện hậu cần. Minh ơi, Vân ơi, lên đường thôi”. Vậy là những vòng xe tình nguyện lại cắt mưa mà đi.

 

Tôi bám theo hai tài xế “xe ôm” đưa một thí sinh và phụ huynh về hướng Học viện hậu cần. Vừa bước xuống xe, ông Lam (Quảng Ninh) thở phào nói: “Trước khi đưa con về Hà Nội thi, gia đình tôi đã lường trước rất nhiều khó khăn vì đây là lần đầu về Hà Nội, lại không có người thân thích. Vậy mà mọi chuyện vẫn diễn ra rất thuận lợi, suôn sẻ. Đó chính là nhờ vào sự tận tình của các em áo xanh tình nguyện”.

 

“Xe ôm” Nguyễn Cẩm Vân, học viên trung cấp kế toán vừa lấy tay quệt những giọt mưa chảy tràn trên mặt vừa hổ hởi nói: “Đúng là hơi vất vả nhưng vui lắm anh ạ. Năm sau em sẽ đi tình nguyện tiếp”.

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Đức Cường, Phó bí thư Quận đoàn Long biên bày tỏ hy vọng: “Đội xe ôm tình nguyện ra đời đã nhận được rất nhiều sự đồng tình từ phía lực lượng Công an, CSGT. BCH Quận đoàn đã đặt vấn đề với Công an phường Gia Thụy, cùng với các đồng chí Công an đến đặt vấn đề với đội ngũ xe ôm ở Bến xe Gia Lâm để họ ủng hộ.

 

Những người chạy xe ôm ở đây cũng hiểu nên họ cũng không làm khó dễ cho các bạn đoàn viên tình nguyện. Hy vọng trong thời gian tới, nếu hoạt động của Đội tình nguyện chở những ước mơ” kết hợp với các quận đoàn khác, tại các bến xe khác trong thành phố thì hiệu quả chắc chắn sẽ còn cao hơn”.  

Phúc Hưng