Đôi chân nắn nót ước mơ

Lần đầu tiên đến trường xin học, Đào Viết Anh bị từ chối... Nhưng cậu bé tật nguyền ấy đã không chịu thua số phận. Té ngã - bò dậy tiếp tục tập đi, chuột rút đến cứng đờ chân - vẫn tập viết... tất cả chỉ để được đi học...

Hai lần xin học

Ngay từ khi mới chào đời, Viết Anh đã phải chữa bệnh. Tình trạng sức khỏe của đứa con trai đầu tiên trong gia đình đã làm đôi vợ chồng trẻ Đào Viết Vệ và Nguyễn Thị Thanh chỉ biết khóc thầm: liệt chân phải, chân trái rất yếu, ngay cả hai tay cũng cong queo, không cử động được. Kết luận của các bác sĩ: “Cháu bị ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam (dioxin) từ cha”.

Ông bà Vệ vẫn cứ nuôi ý định “chạy chữa cho con có thể sống được như người thường”. Tiền bạc, đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Gần bảy tháng trời ròng rã nằm ở Bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh, khi con xuất viện cũng là lúc cả gia đình không còn chỗ nương thân bởi đất, nhà đã bán sạch. Qua một người quen gợi ý, ông bà Vệ đưa các con vào Eakar, Đắc Lắc lập nghiệp.

...Quanh quẩn ở nhà, Viết Anh thấy đám bạn cùng lứa với mình cứ sáng sáng tung tăng cắp sách đến trường, cười nói huyên thuyên “vui quá là vui. Mình ước mong cũng được như thế. Và mình đòi bố mẹ đưa ra trường xin học...”. Nhưng ước nguyện ấy đã bị từ chối bởi “hai bàn tay cháu đều không cầm được bút... Vả lại, cháu yếu quá, lỡ có chuyện gì...”.

“Mình buồn lắm nhưng trong đầu nung nấu một quyết tâm mãnh liệt: phải đi học, bằng đôi chân của chính mình - Việt Anh rủ rỉ kể - Thế là lên 6 tuổi mình chập chững tập đi. Cứ đi được vài bước lại ngã. Hai tay không đủ mạnh như người ta để chống đỡ nên ngã dúi dụi, đau lắm!”.

Viết Anh hiểu hai tay của mình có tập cách mấy cũng không thể cầm bút. Thế là người học trò ấy lượm những cục than củi dưới bếp, thử đưa vào kẽ chân phải. “Ban đầu mình tập viết chữ của người Hoa in trên những gói bột ngọt mẹ mua ở chợ về. Chữ Hoa phức tạp, nhiều nét và ngoằn ngoèo như bài tập để các ngón chân xoay chuyển tốt...”. Hàng xóm bảo trên nền đất của ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong thôn Quảng Cư 1A, xã Cư Ni những năm ấy đầy những nét chữ viết bằng than...

8 tuổi, Đào Viết Anh được bố mẹ đưa đến trường xin học một lần nữa. Nhưng niềm hân hoan trở thành HS lớp 1 Trường tiểu học Bế Văn Đàn (Eakar, Đắc Lắc) chưa được bao lâu đã vấp phải một trở ngại: HS phải sử dụng bút chì. Cây bút vừa nhỏ vừa cứng, người viết phải dùng lực nhiều hơn khi viết bằng than. Mấy ngày đầu các ngón chân của Viết Anh cứ đờ ra, không giữ được cây bút cho chặt nữa...

Cô giáo đầu đời

“Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cậu HS khuyết tật, người nhỏ xíu, gầy còm, hai tay co quắp thập thò ngoài cửa lớp trong ngày đầu tiên đến trường.

Thời gian đầu chân còn run nên em viết nguệch ngoạc, nhòe nhoẹt, có khi còn rách cả vở nữa. Tôi động viên: “Viết sai, ta gạch đi viết lại. Vở rách trang này ta sang trang khác”.

Những bữa nhìn em ngồi đến cong cả lưng để gò chữ, trán lấm tấm mồ hôi, tôi tin em là người có nghị lực lớn.

Chín năm đã trôi qua, cho dù không dạy Viết Anh nữa nhưng em vẫn thường ghé thăm tôi. Mỗi lần là một tin vui: khi đạt danh hiệu HS giỏi, khi được nhận học bổng khuyến học, gần đây nhất là kết quả tốt nghiệp THCS loại khá...

28 năm đứng lớp tôi cũng đã từng gặp nhiều học trò khuyết tật nhưng Đào Viết Anh đã để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong cuộc đời làm thầy giáo của tôi. Và tôi cũng dạy con mình bằng tấm gương Viết Anh...”.

Cô Vũ Thị Gái (GV Trường tiểu học Bế Văn Đàn, huyện Eakar, Đắc Lắc)

“May mắn lớn nhất của cuộc đời mình có lẽ là được học cô Vũ Thị Gái. Cô thương mình lắm. Mọi sinh hoạt ở trường như đi vệ sinh, khoác cặp, khoác áo mưa... cô giúp mình hết. Cô ơi, em sẽ nhớ mãi hình ảnh cô cần mẫn và kiên trì nắm các ngón chân cho em tập viết - gần gũi và tình cảm biết bao nhiêu. Hồi đó, em cứ bị chuột rút miết, đau và mỏi rã rời.

Mỗi lần như thế cô lại nắn chân, lại động viên: “Cố lên! Tương lai đang chờ em ở phía trước”. Cô kể cho em chuyện thầy Nguyễn Ngọc Ký không có hai tay vẫn làm được thầy giáo - thầy giáo viết bằng chân. Lắm lúc gò mãi em vẫn không viết được rõ chữ, thấy cô buồn buồn - em thấy thương cô lạ! Nhất định em sẽ không bỏ cuộc!”.

Cuối học kỳ 1 năm lớp 1 ấy, Đào Viết Anh đạt danh hiệu HS giỏi. Cầm tờ giấy khen của đứa con trai - tưởng chừng như không bao giờ biết chữ - ông bà Vệ bật khóc...

Một ước mơ leo dốc

Về thôn Quảng Cư 1A mới biết bà con ở đây thường lấy Viết Anh ra nêu gương cho con cháu: chân tay như thế vẫn nửa ngày đi học, nửa ngày đi chăn bò. Mùa hè còn đi mót hạt điều lấy tiền mua sách vở. Viết bằng chân mà chín năm liền đạt danh hiệu HS khá, giỏi...

“Mình đi học bố mẹ vất vả nhiều, cứ phải thay nhau đưa đón, nhất là bốn năm THCS. Đường từ nhà đến Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm dài hơn 5km nhưng có đến bốn con dốc cao nghệu. Đường đất trời nắng bụi mịt mù, trời mưa thì trơn trượt, đất dính bết vào bánh xe, đi vài bước phải ngừng gạt đất.

Những ngày tháng giêng, tháng hai gió lốc vùng cao nguyên thổi xô cả người đi trên đồng vắng, mẹ phải gò lưng dắt bộ. Những ngày tháng mười, tháng mười một trời vừa mưa vừa rét. Đường đến trường có bữa nước ngập trên đầu gối. Bố dong xe mà lưng áo ướt đẫm mồ hôi...

...Sang năm mình vào lớp 10. Trường THPT cách nhà đến hơn 10km. Để lo cho con, mình biết mẹ đã đi mượn mấy chục giạ lúa. Bố mẹ ơi, con nhớ mãi hình ảnh còm cõi của bố mẹ giữa trưa nắng chang chang cặm cụi cuốc cỏ thuê ngoài rẫy để nuôi anh em con ăn học. Con sẽ cố gắng... Cố gắng với ước mơ trở thành kỹ sư phần mềm mà con giữ trong lòng lâu nay, trở thành một người có ích mà bố mẹ thường dặn dò...”.

Theo Hoàng Hương
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm