Doanh nghiệp tuyển dụng chỉ đánh giá bằng cấp chiếm 25%

Bằng cấp của ứng viên chỉ được doanh nghiệp đánh giá 25%, 75% còn lại doanh nghiệp (DN) sẽ xem xét trình độ, kỹ năng thực hành, nhất là việc ứng dụng những kỹ năng đó vào công việc, cho nên việc sinh viên được thực hành, cọ sát ở các DN là cực kỳ quan trọng - Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, chia sẻ.

Lý giải cho tình trạng cử nhân, kỹ sư, học viên học nghề thất nghiệp, các nhà chuyên môn phân tích, các nhà tuyển dụng ngoài đòi hỏi về chuyên môn, tay nghề còn muốn tìm kiếm những ứng viên có trình độ về ngoại ngữ và có một số các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình... Mà những tiêu chí đó nếu không có điều kiện được cọ sát, được rèn luyện trong thực tế thì học viên rất khó có được.

Để cho học viên, sinh viên của mình có điều kiện làm quen với môi trường làm việc, kỹ năng, rất nhiều trường phối hợp với doanh nghiệp để gửi học sinh đến học tập, thực hành. Bà Nguyễn Thị Hằng – Hiệu trưởng trường CĐ Kỹ nghệ II (TPHCM) cho rằng, dù trường có trang bị hiện đại, giảng viên có giỏi đến đâu vẫn rất khó theo kịp được với sự thay đổi của công nghệ tại DN. “Chúng tôi coi DN như một chủ thể thứ hai không thể thiếu trong được trong công tác đào tạo của nhà trường” – Bà Hằng nói.

Về phía DN, hiện nay cũng có nhiều DN chủ động phối hợp với các trường, cơ quan quản lý nhà nước để tạo cơ hội cho học viên, sinh viên được học tập, rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp. Đơn cử, để chuẩn bị cho cuộc thi tay nghề thế giới lần thứ 44, có 4 nghề dự thi được các DN tài trợ toàn bộ chi phí đào tạo gồm: Cty TNHH Denso Việt Nam của Nhật Bản tài trợ nghề Phay CNC và nghề Điều khiển công nghiệp, trong đó thí sinh, chuyên gia và phiên dịch nghề Phay CNC được đào tạo 1 tháng tại Đức; Cty TNHH Samsung Electronics Việt Nam của Hàn Quốc tài trợ nghề Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin và nghề Kỹ thuật cơ khí CAD: Thí sinh của 2 nghề này được huấn luyện tại Hàn Quốc từ năm 2016 và được lựa chọn từ Kỳ thi tay nghề quốc gia năm đó.

Trần Nguyễn Bá Phước được tập huấn tại Trung tâm Đào tạo kỹ năng Olympic Samsung.
Trần Nguyễn Bá Phước được tập huấn tại Trung tâm Đào tạo kỹ năng Olympic Samsung.

Là đơn vị tham gia đạo tạo thí sinh cho cuộc thi tay nghề thế giới 2 năm liên tiếp, phía Cty TNHH Samsung Electronics Việt Nam cho hay, với mục tiêu phát triển lâu dài ở Việt Nam, Samsung luôn quan tâm đến việc phát triển đội ngũ tri thức trẻ nhằm nâng cao tay nghề. Với mục tiêu đó, Samsung luôn nỗ lực tạo ra các cơ hội cũng như hoạt động để có thể hỗ trợ tốt nhất các trường dạy nghề trong việc mang tới những cơ hội đào tạo bài bản cũng như tiếp cận với những chương trình mang tính quốc tế mà World Skill Contest là một trong những chương trình mà Samsung đặt mục tiêu trọng tâm. Tại Cuộc thi tay nghề năm 2015, Samsung có tiếp nhận đào tạo 2 thí sinh trong đó thí sinh Nguyễn Duy Thanh đạt huy chương đồng và là thí sinh Việt Nam đầu tiên nhận được huy chương tại cuộc thi tay nghề quốc tế. Thí sinh còn lại được trao Chứng nhận xuất sắc. Hiện tại, cả 2 thí sinh này đang làm việc tại nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV, Bắc Ninh) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển phần mềm di động Samsung Việt Nam (SVMC, Hà Nội) của Samsung Việt Nam. Năm nay, Phía Samsung cũng nhận huấn luyện hai thí sinh Nguyễn Văn Tuấn tham dự thi nghề Thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD và thí sinh Trần Nguyễn Bá Phước thì nghề Giải pháp phần mềm CNTT. Thời gian đào tạo 15 tháng tại Trung tâm Đào tạo kỹ năng Olympic Samsung ở Hàn Quốc. Không chỉ huấn luyện cho thí sinh dự thi tay nghề thế giới, phía Samsung cho biết, luôn tạo điều kiện để các bạn sinh viên có cơ hội được thực tập và làm việc tại các nhà máy và cơ sở của Samsung tại Việt Nam.

Hai thí sinh tham gia khóa huấn luyện của Samsung thể hiện sự quyết tâm khi đến với cuộc thi
Hai thí sinh tham gia khóa huấn luyện của Samsung thể hiện sự quyết tâm khi đến với cuộc thi

Trước ngày lên đường dự thi tay nghề, bạn Trần Nguyễn Bá Phước một trong hai thí sinh tham gia khóa huấn luyện của Samsung tại Hàn Quốc bộc bạch: “15 tháng ở Trung tâm Đào tạo kỹ năng Olympic Samsung đã giúp em tự tin lên rất nhiều. Em sẽ quyết tâm làm tốt nhất bài thi”.

Ông Trần Anh Tuấn đánh giá, hiện nay, chỉ 63% sinh viên ra trường đáp ứng nhu cầu tuyển dụng những tiêu chí cơ bản nhất của DN, 70% trong số được tuyển dụng DN phải đào tạo lại. Nếu các trường phối hợp tốt với các DN thì sẽ xây dựng được một lực lượng lao động có chuyên môn, trình độ đáp ứng được thị trường lao động. Trường nâng cao chất lượng đào tạo, còn DN thì không phải tốn thời gian và tiền bạc để đào tạo lại.

PV