“Đóa hướng dương” mang tên Lê Thanh Thúy

Suốt 3 năm qua, dù bị căn bệnh ung thư xương quái ác cướp đi từng phần thân thể, nhưng Lê Thanh Thúy, học sinh lớp 11A3 Trường trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TPHCM) lúc nào cũng lạc quan, tự tin và yêu đời.

“Từ đáy vực sâu chứa đầy nước mắt đau khổ tôi đứng dậy thề rằng dù còn được sống bao lâu nữa, dù gặp phải bao gian khó tôi cũng quyết không bị đánh gục, không chấp nhận đầu hàng. Tôi phải là một mặt trời nhỏ để cuộc đời mình được tỏa ánh sáng ấm áp...”, Thúy tâm sự. Em cho biết đã tìm thấy mình trong quyển sách “Hoa hướng dương không cần mặt trời của Trần Tử Khâm.

Ngày Thúy vào lớp 10 cũng là ngày em bắt đầu đối diện với căn bệnh hiểm nghèo. Năm học 2003-2004, thay vì được tung tăng đến trường, Thúy phải nhập viện cắt khối u ở khớp gối chân phải. Vết thương không lành nên phải cắt bỏ luôn 2/3 chân.

Năm học sau, Thúy gắn chân giả tập tễnh đến trường. Học xong học kỳ I lớp 11 bệnh lại tái phát, việc học tạm ngưng để phẫu thuật tháo bỏ khớp háng. Chỉ còn lại một chân, Thúy vẫn không bỏ cuộc.

Năm học 2006-2007, hằng ngày Thúy vẫn chống nạng đến trường học lại lớp 11. Thúy trở thành học sinh đặc biệt: đến trường sớm nhất và ra về trễ nhất vì phải khó nhọc đánh vật với những bậc thang. Nhưng năm học chỉ mới bắt đầu chưa được hai tháng thì Thúy phải nhập viện lần nữa.

Gặp Thúy sau ca phẫu thuật sinh tử cắt bỏ xương chậu bên phải. Vẫn chưa thể ngồi dậy được, Thúy nói chuyện về bệnh, về những đau đớn đã trải qua một cách hóm hỉnh và hồn nhiên đến lạ kỳ.

“Ráng ít bữa bước xuống giường được sẽ lại đến trường”, Thúy nói, dù chưa biết sẽ ngồi bằng cách nào khi chỉ còn lại một bên xương chậu và còn phải trải qua sáu đợt xạ trị hóa chất trong sáu tháng tới.

“Hồi xưa, em là người luôn đặt ra kế hoạch đường dài, nhưng bây giờ phải tính từng đoạn ngắn. Chưa biết sẽ mất bao lâu để học xong lớp 12, nhưng em quyết tâm phải có tấm bằng tốt nghiệp THPT và còn thi ĐH nữa. Em sẽ thi vào ngành tâm lý của ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn. Trước mặt em đang là một bức tường và em phải phá vỡ nó để vượt qua”, Thúy lên kế hoạch cho riêng mình.

Thúy không thể nhớ nổi mình đã có thêm bao nhiêu bạn và thầy cô mới. Một bức thư ngỏ “Hãy hành động vì Thúy” của tập thể lớp 11A3 được gửi đi và ngay lập tức nhận được hiệu ứng của cả trường. Hàng ngày, có mặt bên giường bệnh của Thúy là những thầy cô em chưa được học một tiết nào, là những bạn cùng trường em chưa một lần được nói chuyện.

“Thúy ơi! Cố lên đừng bỏ cuộc”, hàng trăm bức thư động viên được gửi đến Thúy.

Thúy biết tất cả về sự nguy hiểm của căn bệnh nhưng vẫn tự tin chiến đấu vì xung quanh có bố mẹ, thầy cô, bạn bè và bác sĩ tận tình chăm sóc. Thúy biết bố rất nhạy cảm nên không bao giờ khóc hoặc buồn để bố càng thêm sa sút. Nhưng đêm đến, nước mắt ướt đẫm gối.

Theo Tố Oanh
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm