“Độ vênh” của người trẻ Việt so với quốc tế qua góc nhìn cựu thủ lĩnh AIESEC

(Dân trí) - Qua 6 năm làm việc với các bạn trẻ đến từ Việt Nam và khắp thế giới, Nguyễn Thùy Dương (SN 1990, cựu quản lý phát triển đối tác toàn cầu của AIESEC quốc tế) đã có những góc nhìn thú vị và thực tế về sự khác biệt người trẻ Việt và nước ngoài.

Dương chia sẻ: “Những điều Dương chia sẻ dưới đây không nhằm ý đánh giá, so bì giới trẻ Việt Nam với nước ngoài.

Đây đơn thuần là những điều mình quan sát được và hi vọng với thông tin này các bạn có thể tự tin vào khả năng và triển vọng của bản thân hơn. Và bắt đầu hành động để giải phóng tiềm năng của mình, để có cuộc sống hạnh phúc và tạo sự thay đổi tích cực trong cộng đồng.


Thùy Dương từng là quản lý phát triển đối tác toàn cầu của AIESEC quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thùy Dương từng là quản lý phát triển đối tác toàn cầu của AIESEC quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tiếng Anh còn hạn chế, làm yếu đi khả năng hội nhập

Yếu tố đầu tiên, theo Dương, là về ngoại ngữ. Mặt bằng chung của giới trẻ Việt Nam thường thấp, yếu hơn các bạn nước ngoài, do đó có nhiều thiệt thòi. Tiếng Anh là chìa khóa để mở ra kho tàng tri thức của nhân loại. Những kiến thức mới, tinh túy nhất trên thế giới thường được thể hiện bằng ngôn ngữ Anh.

Do đó, có tiếng Anh là chúng ta tiếp cận được rất nhiều thứ trên Internet mà nhiều hàng sách ở Việt Nam không bán. Và chỉ có kiến thức mới thay đổi được con người.

Bên cạnh đó, khi ngoại ngữ tốt, chúng ta còn có nhiều cơ hội giao lưu quốc tế. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời, vì những chuyến đi, con người mới ở nền văn hóa khác đều như mở ra lăng kính, góc nhìn mới và mang lại các giá trị tuyệt vời.

Hơn nữa, thời đại này là thế giới phẳng, con người không bị cách trở bởi khoảng cách địa lý hay lằn ranh biên giới, chúng ta đã và đang hội nhập. Vì vậy, ngoại ngữ còn là chìa khóa cho thành công của bạn, để nắm bắt được những cơ hội việc làm tốt ở trong nước hoặc ngoài nước.

Cần thêm sự tự tin

Khác với người nước ngoài tự tin, đặc biệt phương Tây, thì phần đông bạn trẻ Việt còn thiếu điều đó, một phần vì nước mình bé nhỏ, và do bản thân tự nhìn xuống mình, chứ không phải do áp lực từ người khác. Bên cạnh đó, xã hội mình đánh giá nhiều.

Ở nhiều nước châu Á, bố mẹ thường đánh giá con cái, người này đánh giá người kia… nên áp lực xã hội lớn. Vì tự tạo trở ngại tâm lý, con người không dám bày tỏ, biểu đạt ý kiến, suy nghĩ.

Người Việt Nam mình thông minh, sáng tạo, điều này chứng minh trong chiến tranh, trong quá trình mình làm việc với người nước ngoài. Có một bộ phận người Việt hưởng thụ nhưng đa phần các bạn trẻ lại có điểm sáng là chăm chỉ, cần cù, chịu khó – chịu khổ được.

“Độ vênh” của người trẻ Việt so với quốc tế qua góc nhìn cựu thủ lĩnh AIESEC - 2

Suy nghĩ trong hộp

Người trẻ Việt Nam đang bị suy nghĩ trong hộp, bị bó buộc bởi nhiều rào cản, chưa dám cho phép mình suy nghĩ độc lập, phản biện và sáng tạo. Ai sinh ra cũng đều có 3 tư duy này. Nhưng do trong quá trình lớn lên, ở trong điều kiện nuôi nấng của gia đình, giáo dục của trường học, tác động của xã hội – vẫn còn đóng, nhiều hạn chế, thì các yếu tố ấy bị phủ lên, dần dần chìm xuống.

Nên việc mình phải làm là phủi lớp bụi ấy cho 3 tư duy đó được giải phóng. Mình nên học cách đối mặt với những điều khiến cho bản thân bị giảm khả năng tư duy. Đó là các nỗi sợ sự đánh giá của người khác của chính mình, những cái mình chưa chắc chắn…

Nỗi sợ ấy lại có một tầng giải thích sâu hơn – mình chỉ sợ bị người khác đánh giá mình khi bản thân đang đánh giá chính mình. Mình có ý kiến trong đầu nhưng không dám nói ra vì sợ sai, sợ không hay...

Sự đánh giá bản thân tồn tại vì mỗi người đang thiếu yêu thương, trân trọng – tôn trọng và chấp nhận chính mình, và góc nhìn về việc phát triển đang bị lệch lạc.

Nhiều người không hiểu rằng, để phát triển tâm – thân – trí, cần phải thử thật nhiều, không sợ sai, từ đó, mới có thể học hỏi, hoàn thiện bản thân hơn. Theo Dương, mỗi người cần chấp nhận, tự tha thứ cho bản thân, thì mới có thể tư duy độc lập được. Và khi tư duy độc lập, bạn mới có thể tư duy khác người khác – sáng tạo, khác biệt.

Các bạn trẻ châu Âu, Mỹ mình từng tiếp xúc thì được tôn trọng về “tính cá nhân” của mỗi người từ bé. Họ được lựa chọn nhiều thứ, trong khi Việt Nam là bố mẹ thường có phần áp đặt. Trong một cuộc họp, các bạn nước ngoài thường mạnh dạn nói ra ý tưởng của mình, mặc dù không phải là hay nhất.

Như mình trong một khoảng thời gian, đã giữ lại rất nhiều ý tưởng của bản thân, trong khi có thành viên khác nói ra cái giống như mình. Vì các tư duy của những bạn trẻ thế giới phát triển, nên họ dám làm những việc khác với đám đông, trải nghiệm nhiều điều mới lạ, thú vị.

Để tìm được tiếng nói bên trong và yêu thương bản thân hơn, đồng thời phát triển các tư duy, mỗi người cần tham gia nhiều hoạt động, nhằm phát hiện ra các vấn đề mình còn tồn tại và sửa chữa. Ngoài ra, mình cũng có thể quan sát các bạn tự tin, giỏi biểu đạt trong tổ chức để học hỏi, thay đổi bản thân.

Ngoài tư duy, người trẻ Việt còn khác biệt với người nước ngoài ở khả năng nhận thức. Mình có nhận thức thế nào về chính mình, thế giới, về việc mình sinh ra và tồn tại để có vai trò, đóng góp trong xã hội? Mình có nhận thức được điều đúng – sai, cuộc sống xung quanh ảnh hưởng đến mình như thế nào, và mình tác động ra sao tới thế giới?...

Theo Dương, nhận thức có các tầng nhận thức khác nhau phản ánh những điều quan trọng: Tầng dưới cùng liên quan đến cơm ăn áo mặc, lên tầng nữa thì liên quan đến mối quan hệ, tầng cao hơn liên quan đến lòng tự trọng. Lên tầng nữa là sự chuyển hóa phát triển cá nhân. Tầng tiếp theo là tìm ra và bắt đầu đi theo đam mê và mục đích sống. Tiếp đó là tạo nên sự khác biệt tích cực. Tầng trên cùng là toàn tâm cống hiến.

Nhìn chung mỗi xã hội nằm ở những tầng khác nhau. Nhận thức xã hội có ảnh hưởng tới nhận thức của những người sinh ra trong xã hội đó. Và ngược lại, nhận thức cá nhân cùng nhau làm nên nhận thức xã hội.

Đất nước mình nhiều chiến tranh và kết thúc cách đây không lâu, vẫn đang phát triển, vẫn còn đói nghèo nên đại đa số vẫn ở tầng thấp hơn. Nhưng mỗi một đất nước đều có quá trình phát triển khác nhau, đất nước kia phải mất 50 năm mới từ tầng 1 lên tầng 3, thì không có nghĩa xã hội mình cũng mất chừng ấy mới được như thế.

Dương nghĩ, tất cả là do chúng ta chọn. Nhận thức của mỗi chúng ta bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, nhưng cần nỗ lực nâng cao nhận thức của chính mình, và những người có nhận thức cao nên chia sẻ để xã hội cùng phát triển và tạo nên sự lan toả để thế giới tốt đẹp hơn…”.

Hoài Thư (ghi)