"Đỏ mặt" với thời trang "thừa da, thiếu vải"...
Ai đó có thể viện cớ “đấu tranh cho dân chủ”, “bình đẳng giới” hay “khẳng định cái tôi”… để biện hộ cho lối ăn mặc “thừa da thiếu vải”, “tức mắt” của một bộ phận các thiếu nữ Việt hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn như Hà nội, TP HCM. <br><a href='http://dantri.com.vn/nhip-song-tre/nguoi-yeu-thich-dien-do-ho-henh-khoe-co-the-945123.htm'><b> >> Người yêu thích diện đồ hớ hênh, khoe cơ thể</b></a>
Tuy nhiên, cũng thật khó để không phiền lòng khi câu chuyện ăn mặc phản cảm ấy lại trở thành đề tài được mang ra bàn luận, phê phán rất “hót” trên một trang tin của nước ngoài.
“Đắng lòng” thời trang phản cảm của thiếu nữ Việt
Xin bắt đầu câu chuyện về “văn hóa” ăn mặc phản cảm của một bộ phận phụ nữ Việt những năm gần đây bằng một câu chuyện “đỏ mặt” mà người viết từng “trải nghiệm”. Bên bàn nhậu của đám bạn hữu gồm phần nhiều là các đấng mày râu, một anh bạn đã hào phóng “thết đãi” anh em bằng hữu một câu chuyện vui: "Một đứa trẻ bị lạc mẹ, trong khi cố gắng tìm mẹ cho đứa trẻ, người ta đổ xô vào than phiền cậu bé là tại sao lại không chịu bám chặt vào mẹ?".
Khi câu trả lời được đưa ra “Vì cháu không với tới… gấu váy của mẹ cháu”, cả đám đàn ông trên bàn nhậu cười nghiêng ngả, còn mấy chị em phụ nữ chúng tôi, dù lúc ấy ăn mặc “kín cổng cao tưởng” lắm, vẫn đỏ bừng mặt.
Câu chuyện ăn mặc hở hang, phản cảm, tức mắt của nhiều bạn trẻ Việt không chỉ “sống động” trên mọi ngả đường, những không gian công cộng ở các thành phố lớn mà còn “rầm rộ” trên khắp các mặt báo.
Mặc kệ những phê phán, chỉ trích trên các phương tiện truyền thông trong nước; mặc kệ những cái cười “bí hiểm”, những cái nhìn “hau háu” của đàn ông hay những cái lắc đầu ngao ngán, những tiếng thở dài phiền lòng, những tiếng giận dữ của các bậc phụ huynh, một số thiếu nữ Việt vẫn không ngừng “sáng tạo” bất tận với những bộ cánh mà độ “tức mắt” cứ không ngừng tăng lên, tăng mãi.
Cứ như thể, cuộc đua “thời trang khoe thân” ấy sẽ không bao giờ có điểm dừng, ngôi vị “quán quân” ấy sẽ liên tục cần phải được các thiếu nữ tự nhận là “hiện đại”, “phóng khoáng” kia lật nhào và thay thế.
Thôi thì đủ kiểu, từ quần soóc ngắn cũn cỡn, những chiếc áo khoét cổ thật sâu, xẻ lưng, hở ngực đến trong suốt như không mặc gì… Đến cả một bộ bikini người ta chỉ mặc ở bãi biển nhưng bạn nữ Việt vẫn sẵn sàng diện đi dạo phố trên xe máy thì đủ biết, thiếu nữ Việt ngày nay “chịu chơi không ai bằng”.
Báo chí, dư luận chỉ trích nhiều, phê phán lắm nhưng dư luận càng “kêu ca”, các nàng như càng được thể hả hê trêu tức. Thế là câu chuyện về văn hóa ăn mặc của người trẻ trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” trên các phương tiện truyền thông trong nước.
Tuy nhiên, khi câu chuyện ấy không còn dừng lại ở chuyện người Việt “đóng cửa bảo nhau” nữa mà “được” một trang báo của nước ngoài phê phán, chỉ trích thì … “đắng lòng” cho thiếu nữ Việt biết bao? Giữa tháng 8/2014, trang tin trực tuyến ASTV của Thái Lan đã đăng tải một bài viết có chủ đề "Thời trang đường phố phản cảm của thiếu nữ Việt", trong đó gồm khá nhiều hình ảnh ăn mặc sexy, hở hang quá đà của các cô gái Việt cũng như những đánh giá phê phán trào lưu ngày càng phổ biến trong giới trẻ này.
Đến mức để cho một nước vốn được coi là “cởi mở” như Thái Lan phải lên tiếng than phiền về “thời trang đường phố phản cảm của thiếu nữ Việt” thì rất đáng để tất cả những người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ thích khoe thân kia phải tủi hổ.
Không tủi hổ được sao khi để người nước ngoài gọi văn hóa ăn mặc của một bộ phận người trẻ trong một đất nước mang nặng truyền thống Á Đông vốn ưa sự nền nã, kín đáo, thanh lịch là “trào lưu xấu”?
Không “đắng lòng” được sao khi nhiều thiếu nữ Việt “phóng khoáng”, “hiện đại” tới mức khiến người nước ngoài cũng phải “tức mắt” mà nhảy vào dăn dạy: Bắt người khác nhìn những thứ họ không muốn cũng là một hình thức vi phạm quyền tự do.
Đừng để ý thích cá nhân của mình ảnh hưởng đến những người xung quanh? Việc ăn mặc hở hang quá đà không giúp người mặc đẹp lên, cũng không thể dựa vào đấy để đánh giá đẳng cấp, cách sống thoáng hay suy nghĩ hiện đại của bạn trẻ, mà đó chỉ là “hành động gây chú ý của những người có nhận thức chưa chính chắn”...
Ngao ngán thời trang phản cảm tấn công học đường
Phải “tức mắt” nhìn những thứ không muốn nhìn vì thời trang phản cảm trên đường phố đã đành, gần đây, dư luận càng được phen ngao ngán hơn khi liên tục được chứng kiến “thời trang phản cảm” ồ ạt tấn công vào chốn học đường vốn dành cho những giá trị của chân-thiện-mĩ, của những chuẩn mực, đạo đức xã hội bền chặt.
Đầu tiền là sự xuất hiện liên tục của các bộ ảnh "mát mẻ" chụp cách ăn mặc "hở hang" của nhiều học sinh cấp phổ thông được phát tán trên Internet... Xôn xao nhất là vụ một nữ sinh chơi bài cởi áo bị tung lên mạng. Tại buổi học ngoại khóa, nữ sinh này mặc…quần soóc, áo sơ mi trắng.
Do được nghỉ hai tiết cuối nên nữ sinh này ở lại chơi bài với các bạn theo lời thách đố "thua thì phải cởi". Sau ba lần thua liên tiếp, cô nữ sinh bị các bạn khác giới bắt "cởi hết". Hình ảnh này đã lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt, khiến nữ sinh này xấu hổ và nhiều ngày không dám đến trường.
Không chỉ ở các lớp học thêm mà ngay trong lớp học chính khóa, nhiều bạn trẻ cũng mạnh bạo khoác lên mình những bộ cánh thời thượng quá “lạ lẫm” với bối cảnh học đường và quá “đụng độ” với cái vẻ trong sáng tuổi ô mai của các em.
Gần đây, tại nhiều trường đại học, tình trạng sinh viên có gu thời trang "khác lạ" rất phổ biến. Lối ăn mặc đầy “thách thức” không chỉ được các bạn sinh viên các trường nghệ thuật chọn mặc mà sinh viên các trường vốn được xem là "ít cởi mở" như các trường sư phạm hay các trường kỹ thuật cũng không chịu "kém cạnh".
Vậy là ngay cả các bạn sinh viên vốn “học hành hơn người” vẫn cứ chứng tỏ sự thiếu nền tảng thẩm mỹ, chạy theo thị hiếu đám đông, chạy theo “trào lưu xấu”.
Chuyện buồn từ… 3 chiếc quần soóc
Câu chuyện có thật từ một người bạn khiến người viết muốn chia sẻ ra đây, những mong sẽ gợi đôi điều suy nghĩ cho những ai đó còn đang “hả hê” với đủ trò “khoe thân” bằng thời trang thiếu vải.
Người bạn vốn là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp và đương nhiên rất hiện đại và tự tin. Trong bộ sưu tập thời trang của cô, đương nhiên không thể thiếu những bộ đồ “mát mẻ”, dù biết chồng cô “bằng mặt mà không bằng lòng”.
Một lần cô mua ba chiếc quần sooc siêu ngắn rồi mặc và “trình diễn” trước anh chồng “cổ hủ”. Chồng cô hẳn là “gai mắt” lắm nhưng chỉ dám nhẹ nhàng góp ý rằng quần đẹp nhưng “hơi ngắn em ạ”. Cô bạn chẳng những không thèm để tâm đến lời góp ý của chồng mà còn cố tình “trêu tức” bằng cách mang đến thợ may yêu cầu… cắt ngắn thêm.
Sau vụ “3 cái quần sooc” không lâu, hai vợ chồng cô dắt nhau ra tòa li dị. Trong vô vàn những lí do mà họ dẫn ra trước tòa, tôi biết có một lí do trong đó liên quan đến “3 chiếc quần sooc” siêu ngắn, dù anh chồng quyết dấu nhẹm.
Thiết nghĩ, thời trang không chỉ là công cụ giúp con người làm đẹp mà còn là cách giúp người mặc thể hiện giá trị của bản thân, thể hiện văn hóa, trình độ thẩm mĩ.
Nhưng những giá trị này chỉ được thừa nhận khi người ta biết lựa chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh và với thuần phong mĩ tục, với môi trường văn hóa mà mình đang sống.
Theo Hoàng Hương
Tuổi trẻ thủ đô