Đồ án kiến trúc độc đáo của nữ sinh đoạt giải nhất Loa Thành
(Dân trí) - Đạt giải nhất Loa Thành với đồ án tốt nghiệp "Thập Tam Trại", phác họa chân dung của các làng nghề truyền thống ở Hà Nội, Vị Thị Nguyệt khẳng định bản thân trên con đường mình đã chọn.
Vi Thị Nguyệt (1998, Hà Nội) đã tốt nghiệp khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Hoạt động trong nghề kiến trúc với sở trường là vẽ tay và khả năng cảm nhận màu sắc, Nguyệt đã giành được nhiều giải thưởng.
Đam mê từ nhỏ
Ngay khi còn là cô học sinh tiểu học, Nguyệt đã có đam mê với bút giấy và màu sắc. Lên lớp 5, cô đã vẽ màu nước và vẽ trên khổ giấy A0. Tuy nhiên, do gia đình định hướng học Y nên Nguyệt đành phải gác lại niềm đam mê nghệ thuật của bản thân để tập trung ôn thi cho đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học.
Vào năm lớp 11, đi tham gia buổi triển lãm tranh ở địa phương, niềm đam mê nghệ thuật trong cô như được đánh thức trở lại. Đang học khối B, Nguyệt đã lấy hết can đảm để xin bố mẹ chuyển sang khối V.
"Mặc dù nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ nhưng nhiều người thân khác vẫn hết sức ngăn cản mình. Mình nghĩ rằng cuộc sống này phải do chính mình định hướng và quyết định, mình biết bản thân muốn gì và cần làm gì. Vì vậy, mặc cho những lời can ngăn của mọi người, mình vẫn lựa chọn kiến trúc", cô bày tỏ.
Xuất phát điểm muộn hơn so với các bạn học cùng khối, Nguyệt lấy đó làm động lực để thúc đẩy bản thân cố gắng hơn. Cô vừa tham gia học vẽ vừa đồng sáng lập Câu lạc bộ mỹ thuật với mong muốn tìm kiếm nhiều gương mặt có cùng đam mê.
Cô chia sẻ: "Nếu lần đó mình không quyết liệt đến với kiến trúc thì bây giờ có lẽ mình sẽ không học được nhiều kỹ năng và kiến thức như này. Môi trường cộng đồng sinh viên kiến trúc ở Việt Nam và quốc tế gắn bó mật thiết, năng động và sáng tạo. Được làm việc và trải nghiệm trong môi trường như vậy bản thân sẽ hội nhập và phát triển toàn diện hơn".
Tư duy kiến trúc mới lạ
Xuyên suốt quãng thời gian đại học, Nguyệt đã tích lũy cho bản thân nhiều kỹ năng. Với cô, ham học hỏi và chủ động là chìa khóa quan trọng nhất. "Mình thường tìm ý tưởng từ những lúc bất chợt từ mạng xã hội, web sáng tạo… Mình cũng thường hay lui tới các thư viện kiến trúc trong thành phố để tìm các nguồn tư liệu quý…", 9x bật mí.
Thành quả cô đạt được hôm nay là kết quả cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, Vi Thị Nguyệt đã bổ sung vào bảng thành tích bản thân nhiều giải thưởng, gồm: giải nhất Giải thưởng Loa Thành 2021, tham gia hai kỳ Festival sinh viên kiến trúc toàn quốc tại Sài Gòn và Đà Nẵng, giải nhì cuộc thi Ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Làm việc trong ngành mỹ thuật, thường xuyên tiếp xúc với cái đẹp và cảm hứng sáng tạo là điều cốt lõi, cô nói: "Mình được tiếp xúc với nghề thủ công từ bé nên máu nghệ sỹ cũng thấm sâu vào bản thân. Nếu bạn là một kiến trúc sư và có hứng thú với loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh… Những bộ môn này đều giúp cảm hứng sáng tạo của bạn đi lên rất nhiều.
Thời gian thảnh thơi sau những giờ ngồi tỉ mẩn với các bản vẽ sẽ giúp bạn hồi phục cả tâm trí và thân thể. Với mình, chỉ cần nghĩ tới việc mua được món đồ thời trang ưng ý nào đó cũng đủ làm mình vui cả ngày rồi…".
Đồ án kiến trúc "Thập Tam Trại"
Giải thưởng Loa Thành dành cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên các chuyên ngành đào tạo về xây dựng và kiến trúc, do Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức, nhằm động viên, khuyến khích sinh viên học tập và say mê nghề nghiệp, khích lệ tìm tòi sáng tạo, qua đó phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng.
Đó là một quá trình dài từ khi nhận đề tài cho tới khi bắt tay vào thể hiện. Nguyệt dành nhiều thời gian phân tích, nghiên cứu, đánh giá đề tài để tìm cảm hứng sáng tạo rồi mới bắt tay vào làm. Với Nguyệt, cô luôn muốn tập trung hoàn toàn tâm trí và công lực cho công việc, đặc biệt với ngành kiến trúc đòi hỏi sự tập trung cao độ trong thiết kế bản vẽ.
Chia sẻ về đồ án tốt nghiệp, cô cho hay: "Lấy cảm hứng từ Thập Tam Trại trong quá khứ và thực trạng các làng nghề hiện nay, mình đề xuất phương án thiết kế một Thập Tam Trại - không gian trải nghiệm, bảo tồn và phát triển các làng nghề thủ công ở Hà Nội. Không gian trải nghiệm làng nghề là hình thức tiếp cận mới, vừa mang giá trị văn hóa lịch sử, vừa mang lại giá trị kinh tế đồng thời quảng bá những nét đẹp văn hóa với bạn bè quốc tế.
Không gian trải nghiệm gồm mười ba nhóm làng nghề truyền thống Hà Nội sẽ trở thành khu vực cầu nối giúp nhiều người quan tâm và yêu thích những sản phẩm thủ công truyền thống. Sống lại văn hóa cổ khi giới trẻ quan tâm và đánh thức những giá trị truyền thống trong đời sống đương đại. Việc đưa những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc vào các sản phẩm đang được định hình như một xu hướng".
Hiện tại cô đã có dự định du học trong năm tới. Việc du học sẽ giúp cô mở mang tư duy và tầm nhìn trong nghề. Sau đó Nguyệt mong muốn sẽ được trải nghiệm làm việc tại một số nước nhưng với cô, Việt Nam vẫn là "nhà", nơi có tất cả những gì thuộc về bản thân và gia đình.
Ngắm một số chi tiết đặc sắc trong thiết kế Thập Tam Trại của Vi Thị Nguyệt:
Ảnh: NVCC