Đi thuê nhà, gặp lừa đảo

Cứ vào dịp khởi động năm học mới là nhiều bạn sinh viên lại phải đối phó với nỗi lo muôn thủa: Nhà trọ. Dẫu không còn “sốt” như trong mùa thi nhưng hành trình tìm “chốn nương thân” của nhiều tân sinh viên chẳng hề dễ dàng.

Lạc giữa ma trận

 

Vừa nhận được giấy thông báo nhập học của trường ĐH Giao thông Vận tải, Hoàng Cao Cường (xã Hiệp An, Kinh Môn, Hải Dương) vội hoàn tất giấy tờ, thu xếp tư trang, lên Hà Nội nhập học.

 

Ban đầu, Cường định sẽ nhờ các anh chị sinh viên tại các bến xe hỗ trợ, như lúc cậu lên thi. Nhưng khi lên đến nơi, cậu mới biết các “bốt thông tin tình nguyện” chỉ hoạt động vào mùa thi, còn bây giờ, tiếp đón cậu nhiệt tình nhất chỉ có… xe ôm.

 

Biết được Cường đang tìm nhà trọ, một bác xe ôm xởi lởi hỏi han và hứa hẹn sẽ tìm cho cậu một chỗ trọ “trong mơ”, với mức giá hợp lý nhất, nếu cậu chịu chi một khoản tiền “cò”. Đang lúc chưa biết đi đâu về đâu, Cường bèn gật đầu đồng ý lên xe cùng bác xe ôm, bắt đầu hành trình tìm chốn nương thân cho chặng đường dài sắp tới.

 

Rong ruổi gần một ngày, được đưa vào rất nhiều địa chỉ nhưng Cường vẫn không thể chọn được một nơi tá túc. Chỗ thì quá xa trường học, chỗ thì nhà vệ sinh không có, chỗ tạm được thì giá lại “trên trời”…

 

Lấy lý do đang có việc gấp, bác xe ôm “gửi gắm” Cường cho “người họ hàng” của mình dẫn Cường đi tìm nhà và hối Cường trả tiền “môi giới” và… tiền xe ôm. Tự dưng mất toi gần 500.000 đồng, Cường vẫn hy vọng “người họ hàng” của bác xe ôm kia sẽ giúp mình tìm được nhà.

 

Cậu không thể ngờ rằng, khi bác xe ôm vừa đi khỏi, “người họ hàng” lại đòi Cường “đặt cọc” 200.000 đồng mới dẫn cậu đi tìm nhà. Biết mình bị lừa thêm lần nữa, Cường nói không đủ tiền và vội vã gọi điện cho người thân nhờ ứng cứu.

 

Không chỉ Cường, rất nhiều tân sinh viên tỉnh lẻ chân ướt chân ráo lên Hà Nội một mình đã trở thành “mồi ngon” cho các tay “cò” nhà đất. Thậm chí, có nhiều trung tâm môi giới còn liên kết với chủ nhà “giăng bẫy” bằng cách cho sinh viên vào thuê nhà để lấy tiền môi giới, rồi một vài ngày, họ sẽ kạo đủ cớ để các bạn phải “khăn gói lên đường”.

 

Hành trình tìm nhà trọ của nhiều tân sinh viên chẳng hề dễ dàng. Ảnh minh họa.
Hành trình tìm nhà trọ của nhiều tân sinh viên chẳng hề dễ dàng. Ảnh minh họa.

 

“Lừa đảo” từ chuyện ở ghép

 

Tìm được phòng trọ như ý nhưng giá hơi “chát” nên Thu Phương (trường ĐH Sư phạm Hà Nội) liền nghĩ ra cách rủ thêm bạn về ở ghép. Vừa đăng tải thông tin lên mạng, Phương đã nhận được điện thoại muốn ở cùng của một người bạn tên Giang.

 

Sau khi xem xét nhà cửa, Giang quyết định chuyển qua ở luôn. Ngay chiều hôm đó, Giang mang theo một thùng đồ, dọn đến ở cùng Phương. Tuy nhiên, khoảng vài giờ đồng hồ sau đó, lợi dụng lúc Phương đang tắm, Giang đã cuỗm chiếc laptop Sony Vaio và 2,7 triệu đồng, cùng một số giấy tờ tùy thân của Phương rồi biến mất.

 

Biết mình bị lừa, hôm sau, Phương dùng tên khác, đăng tin tìm người ở ghép với những lời “quảng cáo” tương tự, tại một địa chỉ khác. Thật bất ngờ, Giang – vẫn với vẻ bề ngoài sành điệu và thùng đồ ngụy trang, liên hệ đến địa chỉ mà Phương đăng tin tìm người ở ghép và bị bắt tại trận. Tại cơ quan công an, Giang khai đã thực hiện trót lọt 4 vụ “ở ghép” như thế.

 

Xuân Trình (trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng bị bạn chung phòng khoắng mất chiếc laptop mới mua và chiếc iPhone 5S trong đêm, khi đang ngủ. Thậm chí, người bạn này còn khóa cả cửa ngoài, khiến Trình phải gọi hàng xóm sang giải cứu…

 

Chính những trường hợp đáng tiếc như của Phương, của Trình… đã khiến Đức Bá (ĐHQG Hà Nội) rút ra bài học: “Khi có người đến ở cùng, mình báo ngay cho chủ nhà trọ để làm thủ tục đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương, theo đúng quy định của pháp luật”, Đức Bá chia sẻ.

 

Làm gì để “vượt ải”  nhà trọ?

 

Kết nối thông tin: Các anh, chị sinh viên chính là “thổ địa” ở những khu vực mà họ thuê trọ. Bạn có thể nhờ giới thiệu những địa chỉ đáng tin cậy để thuê trọ.Một số trang như Chotot, Enbac… hoặc “người nhà bác Phây” như Nhatro…, CLB Sinh viên giúp sinh viên tìm nhà… là những kênh thông tin hữu ích nhưng tất nhiên, bạn vẫn phải đề cao cảnh giác.

 

Rủ nhiều người cùng thuê nhà: Thuê cả ngôi nhà bao giờ cũng rẻ hơn thuê từng phòng lẻ, lại có thể không phải chịu sự quản lý của chủ nhà (nếu họ không ở cùng) và các chi phí như điện, nước được tính như với một hộ gia đình thông thường. Điều kiện là bạn phải rủ được người ở cùng đáng tin cậy.

 

Luôn ký hợp đồng với các điều khoản rõ ràng: Bởi đây chính là “lá chắn” bảo vệ bạn khi có tranh chấp.

 

Theo Xuân Tiến

Sinh viên Việt Nam