Sinh viên khóc ròng vì nhà trọ tăng giá, phòng "teo tóp"
Nhiều câu chuyện buồn vui xung quanh việc săn nhà trọ cùng những lời cảnh giác mà các sinh viên cần lưu tâm trước khi quyết định chọn một nơi ở phù hợp, hòng tránh những rủi ro vấp phải khi bước vào năm học mới.
Với số lượng trường đại học đứng đầu cả nước, TPHCM thu hút lượng lớn sinh viên ngoại tỉnh nhập cư trọ học. Nhu cầu tìm phòng trọ, căn hộ ở ghép, luôn trở nên quá tải mỗi khi các trường đại học bước vào năm học mới.
Khi ký túc xá của các trường trở nên chật chội, chỉ tiêu có hạn với những điều khoản nghiêm ngặt, thì thị trường nhà ở dành cho học sinh - sinh viên (HS-SV) thuê trọ tại thành phố này đang trở nên rất nhộn nhịp.
Không chỉ phụ huynh, tân sinh viên ráo riết nhờ người quen, các trung tâm tư vấn sinh viên săn lùng phòng trọ hợp ý, có cự ly di chuyển ngắn, gần trường, mà ngay cả các cựu sinh viên cũng liên tục thay đổi chỗ ở, tạo nhiều biến động nhất định ảnh hưởng trực tiếp đến giá phòng.
Biến động giá cả, chất lượng giảm
Trúng tuyển vào khoa Công nghệ Thông tin ngay từ năm dự thi đầu tiên, Vĩnh Hoà, tân sinh viên quê Quảng Ngãi theo bạn vào Sài Gòn sớm để mong tìm nhà trọ cho ưng ý. Chàng trai trẻ trọ tại con hẻm nhỏ ở Cống Quỳnh Q1 rồi lân la đi tìm phòng trọ.
Hoà cho biết, em ưu tiên chọn khu vực gần trường vì trước mắt em muốn đi bộ đến trường. Thế nhưng, khu vực xung quanh trường đều kín người thuê phòng, giá cả rất đắt. Và ngay cả ở ghép cũng tìm rất khó, trung bình 800 ngàn đồng/người. Đó là chưa tính chi phí điện, nước sinh hoạt.
Để có phòng trọ riêng biệt, SV phải bỏ ra 1,5 triệu đồng/tháng, luồn người lên cầu thang xoắn ốc chỉ đủ cho 1 người chui... mặt bằng phòng trọ, chỉ đủ để 1 chiếc xe.
Khảo sát của chúng tôi tại khu vực tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương Q.5 (nơi có hai trường đại học nằm liền kề nhau là ĐH Sư phạm và ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM) cho thấy nhu cầu thuê phòng trọ của sinh viên khá cao. Tại các con hẻm lớn nằm đối diện trường ĐH SP (đường An Dương Vương, Nguyễn Biểu, Nguyễn Trãi...), hẻm 235B Nguyễn Văn Cừ (đối diện cổng chính ĐH KHTN) những ngày đầu tháng 8/2014, luôn tấp nập xe sinh viên vào ra khảo sát, dò giá cả.
Mức phí thuê phòng, diện tích 8-12m2 hiện nay dao động từ 1,4-1,9 triệu đồng dành cho hai người. Nhà vệ sinh dùng chung với chủ nhà. Nhiều hộ dân tại hẻm 235B, 172A An Dương Vương còn khống chế số lượng người để hạn chế việc sinh viên rủ nhau "share" tiền phòng.
Một nữ sinh năm hai khoa Hoá, quê Cần Thơ, tâm sự: "Ở đây (hẻm 235B) được cái thuận tiện, chứ chi phí khá đắt. Em và đứa em trai vừa trúng tuyển thuê căn phòng nhỏ, giá 1,6 triệu nằm trên gác, có chỗ để xe chỉ đủ 2 chiếc xe đạp, cầu thang xoắn để tận dụng tối đa diện tích. Bếp thì nấu chung với chủ nhà, xe phải gởi riêng ở khoảng sân chung của cả con hẻm. Tổng chi phí hai đứa đã lên đến 2,4 triệu, chưa kể ăn ở đi lại".
Đây quả là con số khá cao dành cho các bạn SV gốc miền Trung vốn đã khó khăn. So với trước đây, nhiều bạn SV cho biết tuy giá tăng tầm 10-20%, nhưng chất lượng phòng trọ lại giảm, cũ kỹ và bẩn là nhận định chung của nhiều bạn khi chuẩn bị mùa nhập học này.
"Nhất cự ly"
Để tránh cháy nổ, nhiều chủ nhà nhất định không cho sinh viên có nhu cầu tự nấu ăn thuê mướn, cũng góp phần làm chi phí sinh hoạt hàng tháng của các em đội lên đáng kể.
Do vị trí thuận lợi, nên rất được bạn sinh viên đang theo học trường ĐHBK lựa chọn. Nắm được nhu cầu, nên gia chủ cũng làm khó hơn, giá cứ nhích lên mỗi năm. Một cựu sinh viên than vãn, nếu năm ngoái, giá phòng dao động 1,2-1,5 triệu/tháng (ở được 2-3 người) thì năm nay vài nhà trọ đã lạnh lùng hét giá 2,3 triệu/2 người không thương lượng, chưa tính điện nước. Trong khi điều kiện tắm rửa, sinh hoạt chung nên cũng khá bất tiện với các bạn nữ.
Chất lượng chỉ tương đối, nhưng diện tích thì bị thu hẹp lại do nhu cầu cho thuê quá lớn, gác xép của nhà ông H, năm trước còn ngăn làm 3 phòng cho sinh viên thuê trọ thì năm nay bỗng dưng biến thành...5 phòng. Ông H tranh thủ sửa chữa khi sinh viên về quê nghỉ hè, khiến khi trở lại trường, họ bị sốc do diện tích quá chật chội.
Vậy mà hỏi ông H, nhiều nam sinh còn bất ngờ hơn khi hay tin giá nhà tăng thêm 200.000 đồng/người dù diện tích bị gia chủ bóp lại đến ngột ngạt, cộng thêm giờ giấc bị lưu ý "về trước 22h". Điều đáng quan ngại nhất còn ở chỗ do không gian chật, nên điều kiện vệ sinh - an ninh cũng không đảm bảo. SV phải tự bảo vệ tài sản cá nhân, tạo không ít lo ngại cho các bạn tân SV.
Đó cũng chính là thực trạng chung dành cho các bạn sinh viên khi đi tìm nhà trọ học quanh khu vực gần các trường nằm ở khu trung tâm TP.HCM như: ĐH KHTN, ĐH Sư phạm, ĐH Y Dược, ĐH KHXH-NV...
Với mức chi phí tầm 1,2-2,5 triệu/phòng, thị trường xây nhà cho sinh viên thuê đang trở nên béo bở, theo kiểu "làm ra bao nhiêu, tụi nó (SV) phi đến đặt cọc hết vèo à", anh Lợi, một ông chủ trẻ có 5 căn phòng tại con hẻm cho thuê nổi tiếng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai quận 1, hoan hỉ cho biết.
Mức giá dành cho các sinh viên khá giả, có nhu cầu riêng tư, ở độc lập còn cao hơn. Dao động từ 2,5-3,5 triệu/phòng nhỏ hẹp, thường phải leo cầu thang hay các căn hộ xập xệ được gia chủ ngăn đôi, chia ba và tạo lối đi riêng khá nguy hiểm.
Hai anh em nam sinh tên Tân (quê Đà Nẵng) quyết định chọn căn hộ có cầu thang đi lên nhỏ xíu để ở cho biệt lập. Diện tích không đầy 10 mét vuông, được thêm cái ban công lấn ra làm chỗ nấu nướng, bạn bè đến thăm thoải mái nhưng phải gửi xe ở ngoài rồi luồn qua cầu thang nhỏ hẹp mới tới được phòng của họ.
Hiện nay, do nhu cầu nhà ở cho sinh viên cao, kéo theo nhiều gia chủ gây khó dễ cho sinh viên. Không chỉ đối mặt với diện tích ở nhỏ, chi phí điện nước cũng bị tính theo đơn giá tuỳ vào "tình thương mến thương" của gia chủ. Có nơi lấy theo hoá đơn nhà nước, cũng có nơi lấy rất rát mặt. Cụ thể: nước tính 15.000/khối, điện 2.000-2.500/số, tạo không ít khó khăn cho gia đình các bạn sinh viên.
Trong khi trung bình tiền hỗ trợ mà các bạn thường nhận được từ gia đình chỉ khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng, thì giá thuê chỗ trọ, tiền điện nước đã chiếm 1/2. Điều này trở thành bài toán "nan giải" mà các SV phải đối đầu để hạn chế những ngày "viêm túi" và cũng tạo áp lực lên chính phụ huynh, khi mà niềm vui có con đỗ đại học vừa kịp đến lại phải đối mặt chuyện cơm áo gạo tiền muôn thuở.
Theo Đinh Quý Anh
Vietnamnet