Đi Pháp làm tình nguyện viên

Thông thường, các bạn trẻ Việt Nam sang Pháp để du học hoặc đi làm, du lịch. Nhưng Phạm Thanh Mai (24 tuổi) lại chọn cách khác, cô sang Pháp làm tình nguyện viên. 9 tháng làm công tác tình nguyện tại nước Pháp là một trải nghiệm làm thay đổi mãi mãi cuộc đời cô gái trẻ này.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học tại trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Mai theo chương trình Master 2 Tâm lý phát triển trẻ em lứa tuổi thiếu nhi và thiếu niên do trường Đại học Toulouse Jean – Jaures, Pháp triển khai tại trường trường Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Kết thúc chương trình Master, được một người bạn Pháp giới thiệu, Mai đệ đơn tham gia chương trình Trao đổi tình nguyên viên quốc tế của tổ chức FRANCE VOLONTAIRES/ EV Vietnam – Laos và được chấp nhận.

2018 là năm đáng nhớ trong cuộc đời của Thanh Mai khi cô trải qua 9 tháng công tác tình nguyện tại Pháp. Cô làm việc hàng ngày tại Arche d'Aigrefoin ở ngoại thành Paris, Pháp. Đây là một nhánh của tổ chức L'Arche International, L'Arche có rất nhiều cộng đồng trên toàn thế giới, chuyên chăm sóc người thiểu năng trí tuệ.

Tại sao Mai lại chọn một công việc khá phức tạp, không lương tại nước Pháp xa xôi? Theo cô, đó chính là cách học từ thực tế hiệu quả nhất, tại một nơi chuyên nghiệp nhất, đúng với chuyên ngành cô được học.

Tuy nhiên, khi thực tế vào việc, Mai không chỉ phải vượt qua những khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp, khác biệt văn hóa và những kỹ năng chăm sóc người thiểu năng trí tuệ, mà cô còn phải vượt qua áp lực tâm lý của chính mình để hoàn thành 9 tháng làm việc tình nguyện hóa ra dài hơn cô tưởng.


Phạm Thanh Mai

Phạm Thanh Mai

Mai chia sẻ, khi học tiếng Pháp ở Việt Nam, cô chỉ học tập trung vào các từ chuyên ngành tâm lý. Nhưng khi tới làm việc trực tiếp hàng ngày tại cộng đồng Arche d'Aigrefoin, thì cô mới ngỡ ra, vốn tiếng Pháp của mình không hề đủ cho cuộc sống thực tế. Thậm chí những đồ dùng trong nhà bếp cô còn không biết gọi tên là gì. Đặc biệt là khi giao tiếp với người Pháp trong công việc, cô bó tay bởi không cảm được cảm xúc mà người đối diện đặt vào ngôn từ.

Trong giao tiếp với người bản xứ cũng vậy, Mai khá choáng trước những câu hỏi đại loại như “Việt Nam nước cô nghèo lắm phải không?”.

Những câu hỏi ấy không chỉ khiến cô gái trẻ tổn thương, mà còn làm cô day dứt “Chẳng lẽ nước Pháp văn minh, và các nước lớn ở phương Tây nói chung, thì họ đơn giản chỉ phân chia thế giới trên tiêu chí giàu – nghèo, phát triển và chưa phát triển?”, và “Dựa trên tiêu chí gì để cho rằng Việt Nam nghèo?”, “Và nếu tôi trả lời là nước tôi nghèo, thì điều đó có ảnh hưởng gì tới quan hệ công việc của chúng ta?”

Nhưng Mai đã vượt qua những cảm xúc ấy để làm việc. Hơn thế, cô tìm cách thay đổi tình huống. Cô tổ chức một buổi chia sẻ với những người Pháp cùng làm việc trong cộng đồng về Việt Nam. Buổi chia sẻ của Mai, không chỉ giúp bạn Pháp có nhiều thông tin thực tế về Việt Nam hơn, hiểu văn hóa Việt Nam để có phương pháp làm việc tốt hơn với Mai và những người Việt Nam khác.

“Thực ra, tôi cũng như những bạn Việt Nam khác gặp tình huống tương tự cũng không nên trách người Pháp nói riêng và phương Tây nói chung, bởi họ thiếu thông tin về Việt Nam hiện tại, về Việt Nam đang phát triển.

Khi ở Pháp, tôi muốn đặt mua qua Amazone một số phim, sách về Việt Nam để tặng cho bạn Pháp, nhưng những thứ đó chỉ có nội dung về chiến tranh Việt Nam mà thôi. Do đó, dễ hiểu tại sao thế giới lại vẫn nhìn Việt Nam bây giờ với hình ảnhcủa thời 1945 – 1954 vậy. Chúng ta chưa quảng bá đủ cho thế giới biết về Việt Nam những năm hai ngàn mười mấy này”, Mai nói thêm.


Mai và những người bạn Pháp

Mai và những người bạn Pháp

Nhóm của Mai có 5 người, gồm tình nguyện viên và quản lý, đảm đương việc chăm sóc 8 người khuyết tật trí tuệ. Nơi Mai làm việc là khu nhà nội trú để ở, khu xưởng và vườn là nơi làm việc của người khuyết tật. Hàng ngày, cô làm việc từ 8 giờ sáng tới 9 giờ tối, làm việc cả 7 ngày trong tuần (trừ ngày nghỉ).

Điều mà Mai thấy khác ở đây, đó là người khuyết tật được thiết kế riêng một thế giới dành cho họ sống và làm việc thuận tiện, do đó, không có nhiều khó khăn và họ có vẻ ít khuyết tật hơn những người cùng cảnh ngộ ở Việt Nam.

Thậm chí, họ còn có thể làm ra kinh tế rất khá. Mỗi năm, khu vườn của người khuyết tật nơi đây với 20 nhân công khuyết tật làm việc hàng ngày, có thể thu về gần 100 ngàn đô la tiền bán sản phẩm rau, củ, quả…

Mai khâm phục cách làm việc chuyên nghiệp và đầy nhân văn của tổ chức này đối với những người khuyết tật. Họ đã thiết kế ra một môi trường tuyệt vời để người khuyết tật được sống thoải mái, được sử dụng khả năng của mình làm ra sản phẩm có ích, và do đó, tâm lý của họ cũng trở nên tốt hơn.

Trong khi đó, ở Việt Nam chúng ta, những người có khuyết tật trí tuệ chưa được sống trong môi trường thiết kế riêng cho họ, nên họ gặp khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày, những khó khăn đó khiến họ ức chế tâm lý thường xuyên, và làm những khuyết tật càng trở nên trầm trọng.

“Tôi đã ở trong vườn, giúp người khuyết tật gieo hạt. Họ có sẵn những ô đất để bỏ hạt vào, tuy nhiên có người khuyết tật không thể định vị chính xác trong không gian, nên tôi phải đánh dấu bằng những vòng tròn để họ thả hạt xuống chính xác vào các lỗ đất”, Mai chia sẻ cụ thể hơn về công việc của mình, và cách mà cộng đồng này xử lý để người khuyết tật có thể làm việc thuận tiện và hiệu quả.

Trở về Việt Nam, Mai đã thay đổi hoàn toàn cách sống và tư duy. Quan trọng hơn, là cô đã tìm ra con đường ý nghĩa mà mình cần đi. Cô đã cùng đồng nghiệp của mình xây dựng dự án về một ngôi trường dành cho trẻ em thiểu năng trí tuệ ở Hà Nội. Xa hơn nữa là khu trung tâm việc làm và chăm sóc người thiểu năng trí tuệ một cách chuyên nghiệp nhất. 9 tháng trải nghiệm thực tế tại Pháp đã đem lại cho cô một động lực mạnh mẽ.

Theo Kiều Hậu

Giáo dục & Thời đại