Đi lên từ bóng tối

(Dân trí) - Nhiều người đã biết về Kiên, về những bức tranh trong hành trình hơn 10 năm sống chung với HIV/AIDS của anh. Nhưng gặp Kiên, có gì đó cứ thôi thúc tôi phải viết, viết về những cố gắng, khát vọng sống, khát vọng được sẻ chia của anh...

Nguyễn Trọng Kiên sinh năm 1977, trong một gia đình “nhà nòi” về hội hoạ ở Hà Nội. Cuộc đời Kiên có lẽ sẽ suôn sẻ nếu như không thiếu thốn tình cảm của người mẹ. Khi bố mẹ ly thân, Kiên sống với bố và bắt đầu những cuộc chơi “tới bờ tới bến”. Rồi định mệnh xui khiến anh gặp một cô gái làm ở khách sạn. Ở tuổi 18, anh bị nhiễm HIV. Mất thăng bằng và hận người yêu, Kiên lao vào ma tuý như con thiêu thân.

 

Sau cái chết của cô bạn gái cũng là lúc Kiên nhận được giấy buộc thôi học của Trường ĐH Mỹ thuật khi phát hiện anh sử dụng ma tuý. Biết anh có HIV, bạn bè đều xa lánh, không ai dám quan hệ với anh nữa, anh phải sống trong cô độc.

 

Bế tắc, cô đơn, muốn thoát khỏi cuộc sống hiện tại, Kiên “lánh nạn” ở một làng chài nghèo xứ Thanh và sống trong ngôi nhà nhỏ sát biển. Thế rồi, tình thương yêu của một cô gái vùng chài đã làm Kiên xao lòng. Nhưng anh không đủ bản lĩnh để nói với cô gái là mình có HIV.

 

Anh chạy trốn tình yêu, chạy trốn chính mình. Nhưng lần này, Kiên đã “thức tỉnh”, anh quyết từ bỏ ma tuý, nghĩ phải làm một cái gì đó không phụ tình yêu của người con gái đó. Anh lao vào vẽ, vẽ điên cuồng, vẽ để lấy lại những năm tháng đã trôi qua vô nghĩa, vẽ những bức tranh để nói chuyện, để giải tỏa nỗi lòng.

 

Kiên vừa vẽ vừa tham gia sinh hoạt vào các nhóm đồng đẳng. Hiện anh làm trưởng nhóm Bình Minh gồm những thành viên mở rộng, không cứ là người có HIV. Anh còn hợp tác với Viện nghiên cứu xã hội trong việc vẽ tranh áp phích tuyên truyền và nghiên cứu tâm lý của người có HIV.

 

Dịp vừa qua, Kiên lại đến với các em nhỏ có HIV ở Trung tâm Bảo trợ xã hội II, dạy cho các em những nét vẽ đầu tiên. “Khi nghe bọn trẻ gọi tôi là “bố”, thực sự tôi thấy xúc động. Khi biết mình sống vẫn còn có nghĩa với bao người thì thời gian đã chẳng còn nhiều. Tôi phải chạy đua với thời gian để sống phần đời còn lại ý nghĩa hơn”, Kiên tâm sự.

 

Tranh của Kiên giống như một thước phim kể lại quãng đời mà anh đã trải qua. Nếu so sánh những bức tranh được Kiên vẽ từ năm 1995-1996 với một loạt tranh mới vẽ gần đây, hẳn ai cũng nhận thấy quá trình vươn lên của anh.

 

Đi lên từ bóng tối - 1


 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Với tôi, bệnh tật không đáng sợ bằng sự xa lánh và kỳ thị của mọi người” .

Những bức tranh trong thời kỳ đầu của Kiên như những đoạn phim ghê rợn về “bản án” tử thần đang chờ mình phía trước, đó là: Máy chém, Luân hồi, Con thiêu thân... Ngược lại loạt tranh mà Kiên vẽ gần đây lại có màu sắc tươi hơn, nó không còn thể hiện sự cam chịu, tuyệt vọng như trước đây. Kiên lý giải việc mình đem tranh đi triển lãm: “Với tôi, bệnh tật không đáng sợ bằng sự xa lánh và kỳ thị của mọi người. Tôi không muốn giấu mình nữa. Tôi muốn những bức tranh của mình có nhiều người đồng cảm...”

 

Trong cuộc triển lãm “Bạn và tôi - Đã bao giờ ta hiểu nhau chưa?”, 42 bức tranh của anh hầu hết hướng về đề tài phụ nữ và trẻ em. Các mảng màu và hình ảnh trong tranh của anh có chút gì lãng đãng của ký ức tuổi thơ, niềm hoài nhớ về giấc mơ con trẻ, những đôi mắt thơ ngây hướng về mái ấm gia đình, thể hiện một niềm khát khao tình cảm... nhưng cũng có lúc thể hiện sự nuối tiếc của tác giả trước số phận hữu hạn của cuộc đời. Đó là những bức vẽ: Trung thu cho em, Thời gian ơi hãy ngừng trôi, Một ngày bình yên, Hoa cửa Phật, Trăng khát vọng...

 

Kiên lại đang vẽ, vẽ liên tục để kịp cho triển lãm tranh sắp tới. Anh tiết lộ, trong năm nay, ngoài triển lãm tranh vào tháng 12, anh sẽ vẽ tranh về những đứa trẻ lang thang, trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam, vẽ về những cảnh đời vẫn khổ đau... Kiên muốn “gánh” bớt nỗi đau cho họ.

 

Hồng Hải