“Đi bộ, đạp xe, bắt bus vì xăng tăng giá”

(Dân trí) - Sáng 21/7, khi biết tin mỗi lít xăng A92 tăng thêm 4.500 đồng lên 19.000 đồng/lít, các “xì tin” tưởng chừng chỉ biết “học, ăn, chơi và ngủ” tỏ ra rất quan tâm đến sự kiện này và đồng loạt hưởng ứng lời kêu gọi “đi bộ, đạp xe, bắt bus” của bạn bè.

Xe máy bị “ghét”?

Sau kỳ thi đại học, M.Chi (1990, G.V) được bố mẹ hứa sẽ mua cho một chiếc xe tay ga nếu đỗ. Thế nhưng món quà đắt tiền này đang dần xa khỏi tầm tay của cô bạn. “Xăng tăng cao thế này chắc mình sẽ không chọn mua xe nữa. Thực ra chiếc xe là một phương tiện đi lại. Mua xe rồi lại thêm gánh nặng cho bố mẹ một khoản tiền xăng hàng tháng. Nhà mình bình thường, chưa giàu có đến mức tiêu xài không cần lo nghĩ”.
 
“Bố mình từ tối qua về đã nhắc nhở khéo từ nay mình “lượn” ít thôi, mà có khi còn bán xe máy, bố đi làm bằng xe bus. Tưởng bố dọa chơi, nhưng xăng tăng cao thế này dễ là bố mình làm thật lắm”, Đ.Hải (18 tuổi, Trung Hòa, Nhân Chính) tỏ ra lo lắng về quyết định của bố mình.
 
“Đi bộ, đạp xe, bắt bus vì xăng tăng giá” - 1
Những chiếc xe ga đẹp, thời trang nhưng lại "ngốn" xăng kinh khủng

Xe cũng là bố mẹ mua cho, tiền xăng cũng là “ngửa tay xin bố mẹ hết chứ mình đã kiếm được tiền đâu. Trung bình cứ 2 tuần mình đổ 3 lần, mỗi lần 30 ngàn. Bây giờ giá mới, tính lại mình sẽ phải mất gần 400 trăm nghìn cho tiền đi lại mỗi tháng. Không chừng bố mẹ khóa xe bắt mình đi bộ hay đạp xe ấy chứ”, T.Tú (sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế) vừa vét nốt số tiền trong ví để mua xăng.

Không quá lo lắng về chuyện xăng tăng giá, các bạn trẻ lại nhìn tích cực, lạc quan hơn về vấn đề này. Bạn Liên Hương (1989, T.P) lại tỏ ra “thích thú” khi thấy bạn bè đồng loạt gửi tin nhắn trên mạng hoặc bắt gặp nhiều dòng status rất “xì tin”: “Khóa xe, cất mũ, đi bộ đi anh em ơi”, “Nào mình cùng lên xe bus, nào mình cùng bye xe máy”…
 
“Đi bộ, đạp xe, bắt bus vì xăng tăng giá” - 2
 
"Xếp hàng dài chờ mua xăng thế này, đi xe bus thôi"

Ủng hộ với ý tưởng này, Phương Thảo nói: “Hiện tại tớ vẫn đi xe bus đi học chứ chưa được bố mẹ mua xe máy. Chiếc xe nó cũng chỉ là một phương tiện đi lại nên mình nghĩ các bạn hãy chọn cái gì là phù hợp với mình và gia đình. Có một chiếc xe máy để tiện đi lại cũng thích chứ, nhưng phải luôn để ý mang theo mũ bảo hiểm, bố mẹ tớ cũng suốt ngày lo lắng chuyện giá xăng tăng sẽ kéo theo ti tỉ thứ khác tăng theo. Thế nên tớ “ghét” xe máy rồi, chỉ thích đi xe bus thôi”.

Chắt bóp mọi khoản chi tiêu

Với những bạn trẻ không quan trọng phương tiện đi lại, “cốt được việc của mình là chính” thì đi bằng gì, xăng tăng giá bao nhiêu cũng ít phần ảnh hưởng. Nhưng với Q.Thắng (21 tuổi, Phố Huế), cậu bạn có thói quen “sáng đi rong, chiều đi lượn, tối đi hóng mát” thì giá xăng lại là một chuyện làm “điên đảo cả đầu”. Gia đình Thắng không phải giàu có, nhiều tiền để tiêu xài hoang phí nhưng “thành thói quen rồi, chỉ là bạn bè gọi đi cà phê chơi chơi, hoặc tối đi lượn hóng mát phố phường. Chứ cứ phải ngồi ru rú ở nhà, cắt hết cả đi chơi hội họp thì chán lắm”.

Nhiều bạn trẻ tâm sự rất lo lắng cho gia đình sẽ phải xoay xở, vật lộn chi tiêu ra sao trong thời gian tới. Hai chị em T.Lan, Q.Mai (M.D.C, TPHCM) tâm sự: “Giá xăng mắc quá mà lương bá má mình đâu có tăng theo, tiền tiêu vặt của 2 chị em mỗi tháng được khoảng 500 ngàn, chắc tụi mình chuyển đạp xe thôi. Nhà mình còn cậu em út mới lên 4, ba má còn phải thuê một chú xe ôm đưa đón đi nhà trẻ, thể nào tháng này cũng phải trả thêm cho người ta…”
 
“Đi bộ, đạp xe, bắt bus vì xăng tăng giá” - 3
Bố mẹ sẽ phải lo thêm biết bao khoản chi tiêu trong thời gian tới...

Biết lo lắng, quan tâm đến việc chi tiêu trong cuộc sống của gia đình, nhiều bạn trẻ mới nhận ra rằng “bố mẹ mình kiếm được đồng tiền không phải dễ. Mỗi ngày thấy mẹ tất bật lo đi làm, về phải cơm nước giặt giũ, bố mồ hôi nhễ nhại dắt chiếc xe máy lên cầu thang, mình thương bố mẹ lắm. Mình sẽ cố gắng chắt bóp mọi khoản chi tiêu, tiền xăng xe đi lại để đỡ gánh nặng cho gia đình”, bạn B.Hường (1989, Cầu Giấy) nói về kế hoạch chi tiêu của mình.

Chuyện giá xăng hay các mặt hàng tăng giá ảnh hưởng đến chi tiêu trong mỗi gia đình thường được cho là chuyện của người lớn. Nhưng nếu các “xì tin” hiểu được nỗi khổ của bố mẹ, học cách tiết kiệm thì chắc chắc sẽ giúp gia đình các bạn vượt qua thời kỳ “bão giá” khó khăn này.

Bài: Ly Vũ
Ảnh: Phương Thảo