Đắng lòng vì lũ
(Dân trí) - Đã hơn 2 ngày nay, con không liên lạc được với gia đình mình, nước càng lên thì “bão” trong lòng con càng dâng. Đọc mỗi thông tin về bão lũ trên báo là lòng con lại dấy lên một nỗi lo sợ, con chỉ biết khóc và cầu xin lũ ơi…
Giờ này, ngồi ở Gia Lai - vùng đất đại ngàn cao nhất cả nước, con chỉ biết cả ngày ngồi bên chiếc máy tính theo dõi từng dòng tin về lũ, mà lòng con lại càng thêm bất lực, đứng ngồi không yên, lòng như lửa đốt. Vì mảnh đất miền Trung - nơi con sinh ra, nơi bố mẹ, người thân… của con đang phải gánh chịu những nỗi đau do cơn đại họa của thiên nhiên giáng xuống, mà con lại không được ở bên mọi người để chiến đấu với nó.
Ước gì con có đủ sức mạnh để xô đổ, để bốc những ngọn núi cao chọc trời ở đất Tây Nguyên này, mang xuống san vào mảnh đất miền Trung để nó được cao hơn, để mỗi khi có mưa lũ, nhà cửa không bị ngập, người người không bị đói…
Mỗi một thông tin về người bị chết, nước mắt con chua xót, giàn giụa chảy, lòng lại không yên. Con muốn gào thét thật to “Tại sao vậy? Ông trời ơi tại sao vậy? Người dân miền Trung quê tôi hiền lành lắm, lam lũ lắm. Nắng cũng là “chảo lửa” của cả nước, lũ cũng là “cơn đại hồng thủy” của cả nước. Cuộc sống vất vả, khổ cực là vậy, sao ông không thương? Mà còn nỡ lòng nào giáng họa xuống cho dân tôi. Ông dừng lại đi, đủ rồi, dân tôi đã đủ khổ rồi. Đã hai ngày nay, tôi gọi điện về nhà mà không được, ông có nghe thấy không?”.
Cổ họng con đã đắng nghẹn lên rồi, làm sao con có thể nâng bát cơm lên miệng khi người dân quê mình đang phải chịu đói, chịu khát, khi con không biết người sinh và nuôi dưỡng con bây giờ ra sao. Một cục mì tôm sống, có lúc con còn cho vào sọt rác, vậy mà hàng chục nghìn người bây giờ vẫn không có nó mà ăn. Con hận mình quá!
Phải làm sao đây? Con phải làm sao đây khi mà mỗi lần con bấm điện thoại gọi về hỏi xem tình hình gia đình ta, người thân và làng xóm của con, bây giờ ra răng rồi? Nhưng không được! Không phải máy bận, cũng không phải chuông đổ dài, mà là “tạm thời không liên lạc được”, hàng chục, hàng trăm câu nói đó… con càng nghe càng ghét, nhưng vẫn phải nghe cho dù mỗi câu nói là mỗi lần nỗi lo, nỗi sợ lại đâm thêm vào lòng con, nó cứ tăng dần làm con sợ, sợ lắm đi thôi…
Con lại an ủi và ước, đó chỉ là do bão lũ gây ra, nên điện thoại bị ngập nước, mới không liên lạc được. Chứ không con đã gọi được rồi, con đã nghe thấy giọng nói của nhà ta rồi, giọng nói kiên quyết của bố “Nhà ta và làng xóm không bị răng cả đâu, con cứ yên tâm mà công tác cho tốt…”.
Nhìn những ngôi nhà mái ngói, mái tranh nhấp nhô trong biển nước, con lại tự hỏi, những ngôi nhà của làng mình và mái nhà ngói ba gian của nhà mình bị ngập đến đâu rồi? Nếu vậy, bố mẹ và các anh chị, các cháu đang trú ở đâu?
Nhìn trên báo, bàn tay của người phụ nữ dở mái ngói ra, vẫy đoàn người đi cứu trợ để được thoát đói. Con lại không biết, đã mấy ngày nay nhà ta đã có cái chi cho vào bụng chưa? Nước to, nhà ngập, lũ chảy xiết, vậy các đoàn cứu trợ đã đến kịp nơi có gia đình ta chưa? Làng ta không có núi, không có đồi, một vùng đồng bằng thấp trũng lắm mà…
Đúng rồi, thằng cu con anh hai mới 8 tháng tuổi, mới biết ăn cháo, bão lũ như thế này liệu mọi người có kịp lấy thêm áo để dự trữ cho cháu mặc không vậy? Không có lửa, không có gạo, không có chỗ để nấu cháo, mẹ lại ít sữa… cháu ráng chịu đựng cháu nhé. Rồi cũng sẽ qua thôi, có khổ cháu mới biết trân trọng cuộc sống này, mới biết thương người hơn.
Thiên Thư