Dấn thân để đổi thay
Hoàng Minh Hồng, nữ thanh niên Việt Nam đầu tiên 2 lần đến Nam Cực, nói nếu sẵn sàng dấn thân, người trẻ sẽ có thay đổi lớn trong nhận thức và hành động.
Minh Hồng nói: “Nam Cực đẹp và lạ, nơi không có màu nào khác ngoài màu trắng mênh mông, lúc nào cũng có mặt trời, không có đêm. Mình hầu như không ngủ bởi vì ánh sáng mặt trời.
Tuy nhiên, hầu hết bạn trẻ vẫn nghĩ chuyện băng trôi ở tận Nam Cực không liên quan đến Việt Nam?
Vì nhiều người nghĩ thế nên mới đáng lo. Chúng ta đang sống trong thế giới mà một tảng băng tan ở Nam Cực có thể làm ngập Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều người trẻ vẫn điếc không sợ súng.
Theo bạn, làm sao để thế hệ trẻ có thói quen bảo vệ môi trường?
Mối đe dọa lớn nhất của con người hiện nay là ai cũng nghĩ: Sẽ có ai đó đứng ra bảo vệ môi trường, không phải mình. Ở nước ngoài, bạn trẻ hình thành thói quen bảo vệ môi trường từ nhỏ.
Muốn có thói quen thì phải rèn luyện ví như việc ra khỏi phòng phải nhớ tắt điện, không vứt bừa bãi kẹo cao su...Chúng ta hãy bảo vệ môi trường bằng ý thức trách nhiệm, không chỉ trong tháng hành động, hay chỉ là các dự án như ở Việt Nam. Trên thế giới, bảo vệ môi trường là chuyện nghiễm nhiên, là lối sống, là việc hằng ngày như đánh răng rửa mặt.
Trở về Nam Cực, bạn làm gì để bảo vệ môi trường?
Mình muốn thay đổi cách nghĩ của mỗi người qua những hành động thiết thực. Điều quan trọng là phải có những chiến dịch truyền thông để thay đổi ý thức người dân về môi trường. Mình hy vọng nhiều nhất ở giới trẻ vì họ được tiếp cận với cuộc sống hiện đại. Mình rất mong sẽ có nhiều người như mình trong tương lai.
Nhưng giới trẻ thì không phải ai cũng được đi Nam Cực để thay đổi nhận thức và nếu muốn đi cần điều kiện gì?
Không cần phải đi Nam Cực mới thay đổi được nhận thức về môi trường. Còn nếu đi Nam Cực không khó lắm. Tiêu chuẩn để sang Nam Cực bao gồm tiếng Anh thành thạo, quan tâm đến môi trường, sức khỏe tốt. Các tiêu chuẩn đó là “muỗi” với nhiều bạn trẻ, nhưng phải nhớ khi đi Nam Cực rồi, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi.
Như mình đây, hồi mới đi Nam Cực về, cứ lải nhải bảo vệ môi trường, mọi người nhìn mình như người hành tinh khác. Bạn bè rủ đi ăn thịt thú rừng, mình phản đối, họ nhìn mình lạ lắm. Ra đường nhặt cọng rác, hay khi vào nhà hàng bảo nhân viên tăng nhiệt độ máy lạnh lên cho tiết kiệm điện… đều bị la là hâm.
Cảm xúc đón Tết ở Nam Cực thế nào?
Mình đã cắm cờ Tổ quốc ở Nam Cực. Màu cờ đỏ sao vàng trên nền trắng mênh mông của Nam Cực làm lòng mình ấm áp và xúc động lạ lùng. Thời gian đó Việt Nam sắp đến Tết cổ truyền, mình mang cả bánh chưng, đến khi bỏ ra thì bánh đã cứng nhưng không bị hỏng nhờ lạnh.
Theo Song Tử Đông
Tiền phong