Đặc biệt quán trà chanh dùng điện thoại...ghi món
Do tất cả thành viên đều khiếm thính nên cách tiếp đón khách đến uống nước ở đây cũng đặc biệt: những tờ giấy và mục tin nhắn điện thoại của các bạn luôn được mở và chuyền đi để khách ghi món mình yêu cầu.
Nằm nép mình trong một góc nhỏ ở ngã tư đường Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn, Q.Đống Đa, quán trà chanh này do các bạn trẻ ở CLB Khiếm thính Hà Nội tự mở ra để mưu sinh đã được gần nửa năm. Người góp tiền, kẻ góp công, mua bàn ghế, ly chén, rồi vẽ bảng hiệu... Quán trà nhỏ bé này rồi cũng ra đời với số vốn khiêm tốn chỉ 2 triệu đồng.
Mỗi tối, cứ đúng 20g, khi cửa hàng ở số 6 Phạm Ngọc Thạch vừa đóng, các bạn lại í ới gọi nhau bằng thủ ngữ để khiêng bàn ghế, ly tách ra bày trước hiên nhà, rồi phân chia nhau dọn bàn, pha chế...
Do tất cả thành viên đều khiếm thính nên cách tiếp đón khách đến uống nước ở đây cũng đặc biệt: những tờ giấy và mục tin nhắn điện thoại của các bạn luôn được mở và chuyền đi để khách ghi món mình yêu cầu.
Ban đầu khách nào cũng có vẻ bất ngờ, nhưng khi hiểu ra thì ai nấy đều rất vui vẻ, ghi nắn nót vào tờ giấy hoặc nhắn tin trao lại cho các bạn.
Trần Thanh Hà (sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Lúc đầu tôi không biết đây là quán trà chanh do các bạn khiếm thính mở ra, cứ vào uống bình thường. Nhưng biết rồi thì thấy rất thích, trân trọng cách buôn bán, hòa nhập vào xã hội đơn giản và rất trẻ trung, rất Hà Nội này của các bạn!”.
Tuy nhiên, việc buôn bán không phải lúc nào cũng thuận lợi, có nhiều khó khăn mà các bạn phải đương đầu. “Do quán bán tới 22g30 nên thỉnh thoảng có vài thanh niên đến mua rồi quỵt luôn, không trả tiền.
Mà tụi mình cũng không biết làm sao để cãi hoặc giữ họ lại, rồi nhiều khách đến cùng một lúc thì tụi mình cũng hơi hoảng”, Nguyễn Hồng Hải, một thành viên của quán, cho biết qua thủ ngữ. Chính vì thế, phụ huynh của các bạn đã trở thành những hỗ trợ viên rất tích cực tại quán, cũng bưng bê, phục vụ cùng em, cùng cháu mỗi tối.
Chị Ngọ Thanh Phương (bí thư chi đoàn B4 - cụm 1, P.Kim Liên, Q.Đống Đa, có em trong nhóm) cho biết thêm: “Lúc đầu tôi cũng rất lo vì buôn bán là phải lanh lợi lắm, mỗi lần thấy các em nhá máy là tôi lại giật mình thon thót không biết có chuyện gì ở quán không. May mắn là các em có được sự hỗ trợ của người dân xung quanh, công an phường nên mọi việc đã ổn dần. Giờ thì cả nhóm tự tin, dạn dĩ lên nhiều”.
Bên cạnh việc mở quán để kiếm tiền, quán trà chanh này cũng trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu với nhau của các bạn khiếm thính.
Nếu ở bàn bên này, những cuộc nói chuyện lên bổng xuống trầm với đủ thứ âm thanh thì bàn bên kia, cuộc nói chuyện bằng thủ ngữ cũng sôi nổi và “nóng” lên không kém với hàng chục đôi tay chuyển động liên tục, mắt sáng long lanh và những nụ cười tươi tắn, thân tình mà họ dành riêng cho nhau với đủ thứ đề tài “trên trời dưới đất”.
Bạn Ngọ Thị Huệ, một thành viên trong nhóm, chia sẻ trong sổ: “Có chỗ làm việc, lại gặp gỡ được nhiều người mới mỗi ngày, em và các bạn thấy rất vui, đây là gia đình, nơi đi về rất ấm áp, thân thiết của em. Hi vọng quán trà chanh này sẽ bán đắt mãi, để tụi em luôn được ở bên cạnh và làm việc với nhau”.
Theo Đoàn Bảo Châu
Tuổi trẻ