Cứu nam sinh viên khỏi những cơn “quấy rối”!

Nữ sinh lên phố trọ học đại học được mẹ trang bị dày dặn kiến thức “giữ mình”, “phòng thân”... Với nam sinh viên, những bài học như thế hiếm có hơn, nhưng không có nghĩa cuộc sống tình cảm của họ ít phức tạp hơn.

Quấy rối qua điện thoại

Quốc Phong (khoa Kiểm toán, ĐH Kinh Tế TPHCM) hài hước: Gì chứ tin nhắn rác thì tôi và bè bạn gặp hoài. Gửi ảnh sex có, “mời chào” cũng có. Mặt trái của tiện lợi di động mà".

Nhưng khi gặp những tin nhắn kiểu: “Anh đẹp trai, kín đáo, đang… thèm em chết đi được”, ”Đến với anh đêm nay, em sẽ không bao giờ nuối tiếc”… từ số điện thoại 098921… thì mọi chuyện không đơn giản. 

Thoạt đầu, tưởng bạn bè đứa nào trêu dai, Phong cũng… à ơi trêu lại. Về sau, không nhắn lại thì bị nháy máy liên tù tì. Những tin nhắn khiêu khích như thế gửi tới máy cậu suốt một tuần, không cách nào đề nghị người kia dừng lại. Và cuối cùng điều kiện được đặt ra: “Gặp anh tại quán Gr., Hồ Con Rùa, anh sẽ không quậy nữa.

Phần vì tò mò, phần vì muốn thẳng thắn với “siêu quậy” kia nên Phong đồng ý gặp. “Trông dáng vẻ vạm vỡ, cậu ta còn bảo “anh không nói quá về mình, em thấy không? Em về nhà anh chơi nhé?”.

Phong choáng khi nhân vật nọ ngồi xáp lại, đặt tay lên đùi mình và… tỉ tê: “Anh để ý em từ lúc em học năm hai kia”.

Tối đó về, anh chàng phải tháo ngay sim, dù biết có rất nhiều phiền toái khi thay số điện thoại. Cậu chỉ biết cầu trời không phải tháo sim vì lí do như thế thêm một lần nữa. Phong bảo, từ giờ có… cho kẹo cũng không bao giờ dám trả lời tin nhắn lạ nữa.

Với Trần Ngọc Phương thì “oan hơn… Thị Mầu” là cách nói của cậu. Một lần làm quen với một người bạn trên mạng, cũng hẹn hò cà phê (chỉ cho vui) với nick thỏ con - vì nghĩ đó là con gái. 

Gặp nhau. Hoá ra hai thằng đực rựa. Nói dăm ba câu, Phương hậm hực ra về. Kể từ đó, anh chàng thường xuyên nhận được tin nhắn của “thỏ con” nhưng không còn nhẹ nhàng, dịu dàng như trước đó mà đổi hoàn toàn một “style” mới: “Tôi không ngờ anh là thằng đểu”, “anh là đồ mất dạy”, “Tôi … kết cậu từ cái nhìn đầu tiên”.  Đáp lại sự những tin nhắn kiếm nhã ấy, Phương chỉ im lặng. 

Nhưng bà mẹ thì tá hoả khi tình cờ đọc tin nhắn trong máy quý tử. Nghe chuyện, bà chọn cách êm thấm nhất là… vừa xoa vừa đấm: vừa xin lỗi vì trò đùa của cậu con mình và đề nghị “thỏ con” không nhắn tin như thế nữa, nếu không sẽ nhờ sự can thiệp của… tổng đài.

Trường hợp như Phương, dù rối nhưng vẫn… còn may. Nếu chủ nhân số điện thoại đó không dùng thuê bao mà dùng card, chắc hẳn cách “cảnh cáo ấy” không… xinê gì, vì tổng đài không quản lý được các thuê bao trả trước.

Quấy rối… tại trận

Hoàng Minh (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐQG TPHCM) kể chuyện hi hữu cậu gặp trong thư viện. Ngồi ngay cạnh cậu là một người đàn bà “xêm xêm” tuổi mẹ nhưng ăn mặc thì rất mát mẻ và tươi tắn như tuổi đôi mươi. 

Buổi đầu, tình cờ nói chuyện hợp “rơ”, những ngày sau bà luôn tranh thủ ngồi gần. Một lần, bà nhờ Minh chở về nhà bên quận 5. Cậu nhiệt tình giúp. Về đến nhà, bà lấy cớ cảm ơn mời cậu vào nhà uống nước. Trong lúc Minh ngồi nhìn loanh quanh, bà vào toilet, thay đồ ngủ nhìn rõ cả nội y và cố tình không mặc… áo trong.

Sau khi hỏi chuyện, biết Minh ở trọ, bà đã nói thẳng: “Nếu cậu muốn, cậu dọn qua đây ở luôn, ở trọ chi cho cực. Tôi cũng muốn có thêm bạn cho vui”.

Bà cũng có ý cho biết bà có thể giúp Minh tất tật các việc, chỉ có điều cậu phải giúp bà “vui” hàng ngày. Kèm với lời nói là… hành động vuốt ve (!?). “May tôi là con trai, tìm cách cao chạy xa bay được, con gái gặp cảnh ấy chắc nguy!”

Minh còn kể, những lần lên thư viện sau đó, lại thấy “bà trẻ trung” ngồi tỉ tê với một cậu khác “trông cũng… nhà quê như tớ”.

Hoàng Anh (khoa Sinh - ĐH Khoa học Tự nhiên) thì thấm thía bởi bài học ở chung với người lạ. Tấp tểnh lên thành phố trọ họ, không người quen thân, cậu phải tự tìm nhà. Do chưa có bạn (mới vào năm nhất), gặp một anh bạn trò chuyện ngoài quán cơm: “Anh cùng khoa với chú, thôi cứ về ở chung, tiền nong chia đôi cũng đỡ”.

Về được tới hôm thứ ba thì cậu tá hoả phát hiện ra anh bạn có sở thích… sờ mó khắp người cậu khi ngủ. Đêm đầu tiên trở mình dậy, cứ tưởng mơ, tưởng bị cảm giác đánh lừa. Đêm thứ hai cũng thế. Tới đêm thứ ba quyết tâm giả vờ ngủ, thức… canh thì thấy mình bị thật chứ không phải cảm giác. 

Hoàng Anh hoảng quá tuyên bố cắt đứt ý định ở chung. Anh bạn năn nỉ, quỳ lạy, hứa sẽ không làm như vậy. Nhưng rồi… đâu lại vào đấy. Cậu chỉ còn cách âm thầm ra đi.

Kiến thức giới tính chưa đủ “liều”

Những trường hợp như trên nhìn chung còn có thể “rút kinh nghiệm” và có những bài học thấm thía để đời. Có những trường hợp hậu quả để lại không chỉ là bài học, còn là hậu quả. Có khi do không làm chủ được, người “bị động” lại hoàn toàn không còn giữ được mình, thậm chí biến thành khác hẳn.

Hầu hết các bạn nam khi được hỏi đều cho biết rất mơ hồ: “Kiến thức giới tính? Lớn lên rồi biết”. Sách báo nói về những rình rập, hiểm nguy xung quanh việc giới tính không ít nhưng không nhiều các bạn nam chú ý đến điều đó. Xung quanh câu chuyện của họ, có chăng cũng chỉ bàn tán chung chung, kiểu như: “Làm sao cưa em này, em kia. Làm sao để tiến tới…”.

Trường hợp của Đ.V. Đoàn (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) khiến bạn bè cùng khoá mỗi lúc nhắc lại vẫn e dè và khó thông cảm được với cậu. 

Đoàn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở khu Đề Thám kiếm thêm thu nhập trang trải học hành. Chỉ nửa năm sau, nói chuyện với Đoàn phải nhắc tới bar, càphê, quán nhậu hạng sang của Sài Gòn mới… hợp chuyện. Quần áo, giày dép phải là hàng hiệu, nước hoa đắt tiền và đầu xịt keo láng cóng là chân dung khác hẳn của cậu sinh viên "hai lúa".

Đoàn bảo không thể sống khác cuộc sống đó nếu đã ở Sài Gòn. Cậu không giấu diếm thu nhập của mình… còn lâu mới đủ mua trang phục, chứ chưa nói gì chuyện nuôi ăn. “Bồ” của cậu – một anh tây ba lô thỉnh thoảng vẫn đến cổng trường đón đi shopping.

Dù có điểm thi đại học đáng nể - cao nhất nhì lớp, Đoàn lại là một trong những người không lấy được bằng tốt nghiệp khoá học đó.

Nguyễn Thị Linh An (khoa tâm lý - ĐHSP TPHCM) cho biết: “Hầu hết nam sinh viên khi gặp những trường hợp bị quấy rối đều né tránh và ngượng ngùng không dám nói rõ, và cũng không mạnh dạn lên án những hành vi quấy rối.

Nhưng phải nghĩ dũng cảm là, so với con gái, các bạn có lợi thế là con trai, không sợ bị bắt nạt. Nhưng để không bị sa vào những cái bẫy, những phiền phức như thế, các bạn không chỉ cần có kiến thức mà  cần có bản lĩnh để chống lại những sai trái đội lốt tình cảm”.

Theo Thu Hương
Vietnamnet