Cứu giúp người trẻ mắc chứng tự ngược đãi chỉ bằng một cái ôm
(Dân trí) - Phần lớn những người mắc hội chứng tự ngược đãi đều tìm đến những cách giải tỏa áp lực không lành mạnh. Họ cảm thấy thoải mái khi tự làm đau chính mình, không còn nhận thức về những nỗi đau thể xác.
Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu tâm lý học Anh Quốc (TCTLHAQ), cứ trong một lớp học có 20 học sinh thì có đến 4 học sinh có dấu hiệu của hội chứng tự ngược đãi bản thân.
Còn theo Liên minh Tâm lý học Hoa Kỳ, số lượng người trẻ mắc hội chứng tự ngược đãi đang có dấu hiệu tăng mạnh trên toàn thế giới. Những biểu hiện dễ gặp phải nhất có thể kể đến như dùng vật dụng sắc nhọn như dao, kéo tự rạch mình; hoặc tự thiêu, tự cắt tóc, tự làm đau bản thân có chủ đích. Bên cạnh đó họ không hề mong muốn làm lành vết thương.
Theo thống kê của TCTLHAQ, các hành vi tự ngược đãi phổ biến nhất là cắt, rạch chiếm đến 50%. Từ năm 1990 đến 2015, có đến 17% trẻ từ độ tuổi 12-18 có xu hướng tự làm thương chính mình ít nhất một bộ phận trên cơ thể của họ.
Dựa trên nghiên cứu, con gái sẽ có xu hướng tự làm hại nhiều hơn con trai. Trung bình độ tuổi mắc hội chứng này là từ 13 tuổi. Người trẻ thường ngược đãi bản thân bằng một hoặc hai cách cố định, phần lớn trong số đó "trung thành" với việc cắt chính mình.
Một báo cáo vào năm 2015 cho thấy, số lượng người trưởng thành có dấu hiệu tự làm tổn thương ít nhất một lần trong đời chiếm 12,1%.
Từ năm 2009 đến năm 2015, tỷ lệ nữ giới mắc hội chứng tâm lý này tăng đến 50% so với trước đây.
Việc nhanh chóng tìm ra nguyên nhân của hội chứng tự ngược đãi đang là một vấn đề bức thiết và trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc dạy học sinh cách vượt qua áp lực.
Những người nhạy cảm nhất với hội chứng tự ngược đãi
Chứng bệnh tâm lý này có nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như những bế tắc trong cuộc sống hàng ngày hoặc có những xích mích với bạn bè, bị trêu chọc, do áp lực học tập hay sử dụng chất kích thích...
Theo MFP, cộng đồng LGBT và người mắc chứng rối loạn lo âu là đối tượng dễ mắc chứng bệnh tâm lý này.
Theo Norbert Hansli, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ, tác giả của nhiều cuốn sách về chứng tự làm tổn thương, ông cho rằng rất khó để phân biệt giữa chứng rối loạn lo âu và chứng tự ngược đãi bản thân.
Đối với rối loạn lo âu, biểu hiện chỉ dừng ở việc cắn móng tay, giật tóc hoặc cào nhẹ vào da thịt không chủ đích. Nhưng khi đã thực hiện có mục đích và gây ra những vết thương trên cơ thể, sẽ rơi vào trường hợp thứ hai.
Theo Hansli, 30 năm trước, căn bệnh tâm lý tự ngược đãi không thực sự phổ biến như hiện tại. Do đó những trung tâm tư vấn cũng rất ít, nhưng hiện nay, ông cho biết số người mắc hội chứng này cao hơn nhiều so với trước.
Phần lớn những người mắc hội chứng tự ngược đãi đều tìm đến những cách giải tỏa áp lực không lành mạnh. Họ cảm thấy thoải mái khi tự làm đau chính mình, không còn nhận thức về những nỗi đau thể xác. Nếu không được chữa trị kịp thời, chứng bệnh tự ngược đãi bản thân sẽ dần đà trở nên phổ biến, trở thành thói quen trong giới trẻ, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vấn đề xã hội.
Chữa lành chỉ bằng một cái ôm
Theo khảo sát của Hansli cùng đồng nghiệp là Tanja Roma, nhà tâm lý học làm việc tại trường công lập Thụy Sĩ cho biết, những người mắc hội chứng tự làm đau bản thân thường dễ tiếp cận, họ sẵn sàng trò chuyện, làm quen với người khác.
Tuy nhiên khi trò chuyện, việc đầu tiên theo nhà tâm lý học là cần phải chuẩn bị tâm lý vững vàng và lựa chọn thời điểm thích hợp. Nhất là trên cương vị bạn bè, nhiều người sẽ có xu hướng đưa ra lời khuyên hay những phương pháp chữa trị mang tính chủ quan cho bạn của mình. Nhưng ông khuyên tốt nhất là nên đưa họ đến các bác sĩ tâm lý và những cách chữa trị chuyên sâu, bài bản.
Một học sinh cho hay, mặc dù cô đã khá cởi mở trong việc nói ra những bất ổn về tâm lý của mình nhưng nhận lại chỉ là lời nói suông giải thích về tác hại, hậu quả của chứng bệnh này. Cô cho rằng những lời nói đó thật vô bổ, thậm chí còn làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Thay vì vậy, những người mắc hội chứng thích được trò chuyện và hỏi thăm về cuộc sống thường nhật hơn là đề cập đến những vấn đề tâm lý mà chúng đang gặp phải bằng cái nhìn thương hại. Ngược lại, việc thương hại còn phản tác dụng, mang lại kết quả xấu, sẽ làm gợi nhắc chúng về chứng bệnh của mình. Từ đó, sẽ có xu hướng làm đau bản thân nhiều hơn. Đôi khi, chỉ cần một cái ôm để có thể xoa dịu và chúng sẽ luôn sẵn sàng lắng nghe lời khuyên, miễn là đối phương thật tâm muốn giao tiếp và kết nối với chúng.
Trách nhiệm của nhà trường trong việc giáo dục tâm lý cho học sinh
Một nữ sinh 16 tuổi cho rằng, cô thật sự lo lắng về những phản ứng thái quá và có phần tiêu cực của một bộ phận phụ huynh về những vấn đề xoay quanh chứng bệnh tự ngược đãi ở giới trẻ, việc này thậm chí còn làm gia tăng những mong muốn tự ngược đãi của con em họ.
Theo chuyên gia, tầm quan trọng của giáo dục trong việc đưa ra những kiến thức giúp trẻ vị thành niên nhận thức về căn bệnh từ đó biết cách chữa trị cho bản thân càng sớm sẽ càng có lợi. Chính vì vậy, các trường học tại Thụy Sỹ đã tạo ra những buổi tập huấn cho giáo viên của họ nhằm giáo dục học sinh cách vượt qua áp lực và học cách kiểm soát tâm lý bản thân khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tuy nhiên, kết quả mang lại không đạt được như kì vọng ban đầu, qua một bài khảo sát trên mạng xã hội Instagram, chỉ có 13 trong tổng số 70 học sinh được hỏi được học về cách kiểm soát lo âu. Nhưng chất lượng của những tiết học đó cũng không đem lại nhiều giá trị cho chúng.
Phần lớn những học sinh tham gia khảo sát đều đến từ những cơ sở tư thục hoặc từ những trường học nơi Hansli đã liên kết và áp dụng chương trình giáo dục tâm lý cho học sinh. Nhiều trường trong số đó mới chỉ bước đầu đưa ra những chương trình học vài năm gần đây, nên số lượng lớn học sinh trong độ tuổi 16-17 khi được hỏi về kiến thức liên quan đến cách kiểm soát áp lực đều không có thông tin.
Từ những con số đáng báo động trên cho thấy, hiện nay, số lượng trẻ vị thành niên cần được chữa trị về những vấn đề về tâm lý đang tăng mạnh. Chính vì vậy, theo ông, ngành giáo dục cần đẩy mạnh vai trò của mình để giúp giới trẻ giải quyết những căn bệnh tâm lý tiêu cực.