Văn học Việt Nam 2006:

Cuối đường mòn không có hoa dại nở

(Dân trí) - Đời sống và tác phẩm, đó là hiện thực của nhà văn. 365 ngày qua đi, sự kiện văn học có, nhưng nhìn lại văn chương chẳng được mấy cuộc "vuông tròn"?

Đầu năm, dự định Ngày thơ Việt Nam sẽ được tổ chức tại 61 tỉnh thành phố, cuối cùng lác đác tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh làm. Ngày thơ Việt Nam 12/2 (tức ngày 15/1 âm lịch), tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngày thơ cũng là ngày lễ kết nạp các hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Ngày thơ được chuẩn bị công phu. Thơ được chia làm hai sân, sân thơ già và sân thơ trẻ. Sân thơ già, các nhà thơ Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo... lên đọc thơ và giao lưu cùng với những người yêu thơ, bên cạnh đó những bài hát được phổ nhạc từ thơ được hát lên. Thơ có nhạc khiến sân thơ ngân vang. Sân thơ trẻ là cuộc trình diễn sắp đặt. Thơ được viết trên nhiều chất liệu khác nhau, buộc vào dây treo lên cây bay phấp phới trong gió xuân khiến người đến thưởng ngoạn thơ có cảm giác nhẹ nhàng, bay bổng.

Mùa xuân, mùa của cây lá đâm chồi nẩy lộc, các nhà thơ cũng căn cứ tiết trời mà làm cây thơ cho riêng mình. Phan Huyền Thư có cây tương tư, Dạ Thảo Phương có cây mù, Ngân Hằng có cây địa, Trần Hoàng Thiên Kim có cây chữ...

Sự cố đối với nhà thơ Dạ Thảo Phương là chị viết “cây” mù“câi” mù khiến nhiều người... khó chịu. Giải thích về điều này, Dạ Thảo Phương cho biết nhập gia tuỳ tục. Ví dụ nôm na, khách vào nhà, chủ yêu cầu khách để dép bên ngoài thì khách phải để. “Câi” mù là không gian của Dạ Thảo Phương. Bước chân vào không gian đó cần bỏ những mường tượng trong đầu về chính tả. Có như vậy mới tham gia trọn vẹn không gian của... thơ.

Cuộc vui qua nhanh, xuân qua hạ tới. Mùa hè nóng nực khiến Hội nghị những người Viết văn trẻ lần VII phải lên tầu vào Hội An. Hội nghị lần này không “bầu đoàn thê tử” như những lần trước. Chọn lọc cẩn thận, ngoài danh sách 50 đại biểu do Hội nhà văn lựa chọn, mỗi tỉnh chỉ được cử 1 đại biểu đi dự.

Đặc điểm nổi bật trong hội nghị lần này, các cây bút trẻ thông minh, nhạy cảm, tiếp cận cái mới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong các sáng tác của họ cần bàn bạc. Đó là dồn nén ẩn ức cá nhân trong tác phẩm, vấn đề tình dục, hoang mang đọc sáng tác của 8X... Văn chương là những ném mình trên giấy.

Hội nghị nào cũng có điều được, điều hay và những tiếc nuối. Tuy vậy, một số bài báo lại không đề cập đến văn chương mà chỉ săm soi bên ngoài hội nghị. Lúc nào cũng nhìn người viết bằng cái nhìn khó chịu cung cấp cho độc giả chuyện đi tắm, không đọc thơ, tranh luận không đúng... Hội nghị như đèn lồng Hội An không sáng bằng ánh trăng rằm.

Tiểu thuyết Vết sẹo và cái đầu hói gây xôn xao dư luận không phải về văn, về thi pháp tiểu thuyết mà về “bếp núc” nhà văn. Những cư xử của nhà văn với nhà văn đem đến cho độc giả cái nhìn tò mò. Dư luận cuốn tiểu thuyết qua đi chóng vánh như tiếng thơ dài người viết. “Vết sẹo” đã xấu lại thêm “cái đầu hói” nữa khiến chân dung người dị biệt. Chỉ cần một cuốn như vậy thôi cũng đủ rồi. Vâng, xin nói lời chia tay những dư luận ì xèo.

Ngày 4/10, khí trời đã chuyển sang đông mát mẻ, vậy mà Hội nghị Lý luận phê bình (LLPB) văn học vẫn đưa nhau ra biển. 230 đại biểu từ 61 tỉnh thành phố về Đồ Sơn 2 ngày để đọc tham luận. Sóng và gió từ biển thổi vào, tham luận của các đại biểu vút lên. Các đại biểu lý luận về cái được gọi là lý luận. Câu hỏi đặt ra, LLPB văn học còn không khi mà độc giả không thích đọc LLPB nữa? Không có câu trả lời.

Giải thưởng văn học đánh giá thành tựu sáng tác hàng năm của Hội. Công bố giải thưởng, có những ý kiến khác nhau khiến nhà thơ Ly Hoàng Ly từ chối tặng thưởng dành cho tập thơ Lô Lô. Từ sự từ chối này, hội đồng bầu chọn giải đã lên tiếng, ý kiến của nhà thơ Chim Trắng, Thanh Thảo... ngược với ý kiến nhà văn Nguyễn Trí Huân. Ngày trao giải là ngày buồn nhất của văn chương trong năm. “Cây đổ về nơi không có vết rìu”, nhà thơ Hữu Thỉnh không như cây, ông từ chối giải thưởng dành cho tập thơ Thương lượng với thời gian!

Năm qua đi, con đường mòn hiu quạnh không có bông hoa dại nở. Không có tác giả mới xuất hiện, cuộc sắp đặt thiếu ý tưởng, hững hờ. Phía cuối con đường là con đường mới, hy vọng văn chương sẽ bừng nở nhiều hoa.

Ng. Ninh