Cuộc “vượt thoát” của một tình nguyện viên
Vượt lên hoàn cảnh, Lê Thái Bình (SN 1988, tại xóm Thượng Thuận, Kỳ Tân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trở thành tấm gương trong công tác tình nguyện.
Bình bị tàn tật từ nhỏ do ảnh hưởng chất độc da cam. Năm 12 tuổi, nhìn bạn bè cùng trang lứa đến trường, Bình khóc cạn nước mắt.
“Tôi đến lớp để biết chữ thôi chứ tay không viết được, đọc cũng chẳng ra tiếng. Mỗi hành động của tôi lúc đó trở thành trò cười của mọi người”, Bình tâm sự.
Vượt lên tất cả ngày đêm Bình chong đèn mò mẫm từng con chữ để mỗi lần đến lớp, các bạn phải nhìn mình với ánh mắt khác. Khi các bạn trong lớp bắt đầu yêu mến Bình cũng là lúc Bình phải xa lớp. “Đang học lớp 7, chân không nhấc lên được. Từ đó, cuộc sống của tôi xem bệnh viện là nhà, tiền lần lượt đội nón ra đi", Bình nói.
Thế rồi một tia sáng lại lóe lên. Anh được giới thiệu đến Trung tâm dạy nghề người khuyết tật Hà Tĩnh. Đó chính là bước ngoặt của cuộc đời anh. Vào môi trường mới, sau nhiều lần suy nghĩ và được sự tư vấn của mọi người, Bình chọn nghề tin học. Năm 2008, hoàn thành khóa học ở trung tâm, anh quyết định về quê lập nghiệp. “Tôi đến gõ cửa từng quán kinh doanh dịch vụ internet để xin được trông coi”, Bình nói.
Nhiều nơi thấy bề ngoài không bình thường của Bình nên từ chối. Thế rồi Bình được một người nhận vào trông coi quán. Bình vừa hoàn thành tốt công việc trông coi quán, những lúc quán vắng khách, anh lại tìm kiếm trên mạng cách khắc phục những lỗi cơ bản mà khách hàng thường gặp. Sau đó, anh quyết tâm mở quán “nét” cho riêng mình.
Sau nhiều lần trên mạng đọc được những tâm sự của nhiều sinh viên tình nguyện giúp người dân nghèo khó ở vùng sâu, vùng xa, trong anh trỗi dậy suy nghĩ dù mình khuyết tật cũng phải sống có ích cho xã hội. Năm 2011, Bình đăng ký tham gia Câu lạc bộ tình nguyện Hà Tĩnh, đi đến các huyện nghèo như Hương Khê, Vũ Quang để trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Tháng 6/2013, Bình khởi xướng phong trào tình nguyện đầu tiên tại huyện Kỳ Anh, lập ra nhóm “Đội tình nguyện hướng về Kỳ Anh”, kêu gọi các bạn trẻ tham gia. Nhiều bạn trẻ, nhóm tình nguyện hưởng ứng và tham gia nhiệt tình. Đội đã có nhiều hoạt động từ thiện.
Tháng 11/2013, Bình được Huyện Đoàn Kỳ Anh tặng giấy khen vì những nỗ lực vượt qua số phận trở thành tình nguyện viên tích cực. Bình cũng được Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Hà Tĩnh tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong việc bảo trợ người khuyết tật và được đi dự hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội năm 2013.
Người tiếp thêm sức mạnh cho anh là Nguyễn Thị Vân (21 tuổi, quê xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Vân bị khuyết tật từ nhỏ. Tuổi thiếu nữ nhưng Vân chỉ cao chưa đầy 1,2m và nặng 28 kg. Năm 2007, Vân xin vào trung tâm dành cho trẻ khuyết tật học nghề mây tre đan và tình yêu chớm nở khi gặp Bình. |
Theo Minh Thùy - Cẩm Kỳ
Tiền phong