Cuộc sống ở Nam Phi qua góc nhìn của nữ sinh Việt xinh xắn

(Dân trí) - Nguyễn Quỳnh Nga miêu tả rằng Nam Phi là đất nước đa sắc tộc, có nền giáo dục tốt và văn hóa độc đáo đáng để khám phá.

Cuộc sống ở Nam Phi qua con mắt nữ sinh Việt

Nguyễn Quỳnh Nga sinh năm 1997, hiện đang học tại trường Crawford College Pretoria - Pretoria, Cộng hoà Nam Phi.

Nữ du học sinh Việt tại Nam Phi - Nguyễn Quỳnh Nga
Nữ du học sinh Việt tại Nam Phi - Nguyễn Quỳnh Nga

Là một cô gái Việt Nam, Quỳnh Nga lựa chọn học đại học ở Nam Phi vì nhiều lí do. Nữ sinh này đã chia sẻ: “Bố của mình là chuyên gia y tế ở Angola. Mình cùng cả nhà theo bố sang Nam Phi công tác từ năm 2012 và học trung học tại đây. Nam Phi là một đất nước khá xa lạ đối với người Việt Nam. Ở Nam Phi cũng không có nhiều người Việt như các nước Châu Âu hay Mỹ”.

Nga thấy rằng Nam Phi là một đất nước rất thanh bình và có khí hậu dễ chịu. Đất nước này có nắng quanh năm. Mùa đông dù có lúc nhiệt độ có thể xuống đến âm độ nhưng sẽ không có cảm giác rét buốt như khi gió mùa đông bắc về Hà Nội.

Ấn tượng đầu tiên khi cô bạn đến Nam Phi là sự yên tĩnh, khiến cô từng thấy rất lạ lẫm. Nhưng người dân Nam Phi thân thiện sẽ không cố để người nước ngoài thích nghi với Nam Phi theo cách “ngoại quốc” mà muốn chào đón người lạ theo cách thân thiết nhất.

Về văn hoá, Nam Phi có rất nhiều truyền thống dân dã từ cái chủng tộc khác nhau như Zulu, Africans, Sepedi… Mỗi chủng tộc có một nét văn hoá khác nhau. “Đất nước Nam Phi là một đất nước đa sắc tộc vậy nên mình có nhiều cơ hội giao lưu với mọi người từ nhiều nền văn hoá, phong tục khác nhau để mở rộng hiểu biết. Mình đang theo học một trường cấp ba quốc tế có nền tảng từ một trường Do Thái”.

Nam Phi nổi tiếng với món thịt khô - biltong. Lúc đầu ăn thì rất dai và không phải thứ ai cũng có thể ăn được. Nhưng món ăn này này rất dễ gây nghiện, loại thịt này có thể được làm từ thịt bò cừu (con vật đại diện cho Nam Phi).

Quỳnh Nga (ở giữa) bên những những người bạn tại Nam Phi
Quỳnh Nga (ở giữa) bên những những người bạn tại Nam Phi

“Điều khiến mình thấy thú vị nhất là hoạt động mang tên "67 minutes for Nelson Mandela". Truyền thống này đã có từ lâu, được tạo ra để thể hiện lòng cảm kích của người dân đối với vị Tổng thống vĩ đại Nelson Mandela bằng các hoạt động từ thiện.

Con số 67 được nhắc đến để nhắc nhở người dân về khoảng thời gian 67 năm cuộc đời mà Nelson Mandela dành ra để đấu tranh về quyền bình đẳng cho đất nước. Vào tháng 6, mọi người không ai bảo ai sẽ tự động dành ra ít nhất 67 phút để tham gia các hoạt động từ thiện. Sự kiện này đối với mình là một hoạt động mới mẻ, thú vị và mang đầy tính nhân văn”, Quỳnh Nga chia sẻ.

Nền giáo dục cho “công dân toàn cầu”

Về giáo dục, Nam Phi là một đất nước phát triển nên nền giáo dục cũng phát triển theo. Học sinh ở đây không bị áp lực quá nhiều về việc học.

“Điều khiến mình hài lòng nhất là bài kiểm tra hướng nghiệp. Học sinh từ lớp 10 có thể xác định được nghành nghề phù hợp với bản thân và quan trọng hơn là có niềm đam mê đối với ngành nghề ấy. Cũng từ bài kiểm tra ấy mà mình đã xác định được nghành nghề mà mình sẽ theo đuổi trong tương lai một cách chắc chắn.

Bài kiểm tra - tư vấn này, mình nghĩ nên được áp dụng để tránh trường hợp học sinh hầu hết đi theo lựa chọn số đông như ngành kinh tế, y tế... mà không hề biết nó có thực sự hợp với mình không”, Nga nói.

Nga theo đuổi đam mê vẽ và được học vẽ chuyên nghiệp như sinh viên từ khi học trung học. Cô bạn muốn trở thành nhà thiết kế
Nga theo đuổi đam mê vẽ và được học vẽ chuyên nghiệp như sinh viên từ khi học trung học. Cô bạn muốn trở thành nhà thiết kế

Tất cả các trường học sẽ kết thúc muộn nhất 14h30 để dành thời gian cho học sinh tham gia các câu lạc bộ ngoại khoá thể thao, hay đơn giản là thời gian cho bản thân. Hệ thống giáo dục ở đây cho phép học sinh rèn luyện thế mạnh của bản thân từ rất sớm, chứ không gò bó học sinh vào một lối học tập dập khuôn, kiểu cách.

Từ khi sang Nam Phi, Nga được thoả sức vẽ vời, sáng tạo và được luyện vẽ như sinh viên đại học. Trường cũng tạo điều kiện cũng như thúc đẩy học sinh tham gia các hoạt động ngoại khoá, như vậy em đã có cơ hội "ôm" về kha khá các giải vẽ về cho mình.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3 ở Nam Phi, Quỳnh Nga sẽ sang Mỹ học đại học chuyên ngành thiết kế thời trang.

Nay đã trở thành “công dân toàn cầu”, dễ dàng đi tới bất cứ đâu nhưng Nga rất nhớ Việt Nam: “Ở Nam Phi nhiều lúc mình thèm phở mà chỉ biết ăn thịt khô. Bên này phương tiện công cộng không có tiện như Việt Nam, đi đâu cũng phải đi xe nhà. Người Việt hầu hết là các gia đình sứ quán nên có những ai mình biết hết. Cộng đồng Việt ở Nam Phi thường giao lưu vào những dịp lễ hội”.

Cô bạn rất muốn trở về Việt Nam sinh sống. “Mình từng đi du lịch nhiều đất nước trên thế giới, mỗi nơi đều có nét đẹp và đặc biệt mà không đâu có, nhưng ở những đất nước ấy lúc nào cũng thiếu cái gì đấy với mình. Ở đó không có người Việt, đồ ăn Việt, Tết hay xe máy… Nói cách khác không có hương vị Việt. Mình chắc chắn sẽ về nước sau khi kết thúc chương trình đại học ở Mỹ”.

Quỳnh Nga (ở giữa) cùng các bạn trong một họt động ngoại khóa
Quỳnh Nga (ở giữa) cùng các bạn trong một họt động ngoại khóa

Đi tới đâu, Nga cũng kể cho bạn bè nghe về Việt Nam. Vì người dân Nam Phi cũng không biết nhiều về Việt Nam. Nga từng có một lớp học tiếng Việt nho nhỏ dành cho những người bạn thân vào mỗi giờ nghỉ trưa. Trong đợt nghỉ tới, Nga sẽ dẫn theo bạn về Việt Nam chơi. Cô bạn đang rất háo hức đợi kì nghỉ này.

Về cá nhân, Nga ước mơ rằng sẽ thành công trong ngành thời trang và “muốn ở một nơi thật cao, vì cảm giác ngắm nhìn mọi thứ từ trên cao lúc nào cũng có cảm giác rất khác biệt”.

Mai Châm

(Email: maibichcham@dantri.com.vn)

Ảnh: NVCC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm