Cử nhân Đại học bỏ ngang việc để về quê trồng nấm

(Dân trí) - Tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, nhưng với niềm đam mê lĩnh vực nông nghiệp, Trần Quang Hưng (SN 1990, ở phường 5, TP Đông Hà) đã quyết định bỏ ngang công việc đang làm để về quê đầu tư trồng nấm.

Sau hai năm ứng dụng kỹ thuật vào trồng thử nghiệm, lẫn học hỏi rồi tự sản xuất, sản phẩm nấm của Hưng đã có mặt trên thị trường Quảng Trị. Tuy nhiên, nguyện vọng của chủ cơ sở trồng nấm 9X không chỉ dừng ở việc phân phối trong tỉnh, mà Hưng luôn muốn đưa nấm của mình ra thị trường khu vực.


Đam mê nông nghiệp từ nhỏ

Tiếp xúc với Hưng, người viết đặc biệt ấn tượng bởi ngoài sự năng động, tháo vát, nhanh nhẹn, là việc làm khá táo bạo, bởi không phải cử nhân nào cũng dám thực hiện.
 
Trong khi có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng không có cơ hội làm việc, bản thân Hưng đang làm việc ở một Công ty tại TP Hồ Chí Minh, nhưng với niềm đam mê từ nhỏ đã trở về quê hương, tự tạo ra công việc và thu nhập cho cá nhân và gia đình.

Sinh ra trên vùng quê “gió Lào, cát trắng”, quanh năm chịu sự tàn phá của thiên tai, nên khi còn theo học phổ thông, Trần Quang Hưng đã “bén duyên” với cây cối. Hưng luôn mơ ước sau này mình sẽ là chủ của những cánh rừng xanh bạt ngàn. Tuy nhiên, khi kết thúc lớp 12, Hưng lại nộp hồ sơ và thi đỗ vào ngành Địa chất – Môi trường, khoa Kỹ thuật – Địa chất – Dầu khí, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh.

Hưng chia sẻ: “Ban đầu theo học ngành này, em nghĩ nó không có liên quan gì về nông nghiệp. Nhưng khi vào học em mới nhận ra có nhiều kiến thức rất hữu ích, có thể phục vụ tốt cho công việc và hoàn thiện mơ ước của mình như: các kiến thức về môi trường, đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu…”

Những bịch mạt cưa chuẩn bị được xử lý trước khi đưa vào cấy giống
Những bịch mạt cưa chuẩn bị được xử lý trước khi đưa vào cấy giống

Sau lần đi thực tế ở Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, Hưng gặp được một người thầy rất am hiểu kỹ thuật trồng nấm. Được thầy chỉ dẫn tận tình, kết hợp với các kiến thức đã tích lũy, Hưng nhận thấy khí hậu ở Quảng Trị phù hợp để trồng loại này. Hơn nữa, các yếu tố về nguyên liệu, nhân lực cũng có sẵn.

Dù đang là sinh viên năm thứ 2, Hưng bắt tay vào tìm hiểu về kỹ thuật trồng nấm và luôn khao khát ứng dụng nó ở ngay trên quê hương mình. Vào những kỳ nghỉ hè, Hưng đi xe từ TP Hồ Chí Minh lên Lâm Đồng để xin làm ở cơ sở trồng nấm, vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế.

Khi ra trường, Hưng cũng nộp hồ sơ xin việc ở một Công ty ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nguồn thu nhập lúc đó không đủ trang trải cho cuộc sống thường ngày. Sau nhiều đắn đo, Hưng quyết định bỏ công việc đang làm để về quê và bắt tay vào trồng nấm.

Ban đầu, do không có vốn trong tay nên Hưng phải vay mượn từ gia đình, bạn bè và ngân hàng với tổng số tiền gần 400 triệu đồng để đầu tư vào “dự án” trồng nấm. Sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ, Hưng bắt đầu trồng thử nghiệm và thấy rất phù hợp.
 
Chính động lực đó đã giúp cho “ngọn lửa” ước mơ ngày nào của chàng sinh viên ngày càng “bùng cháy” mạnh mẽ hơn về việc xây dựng một thương hiệu về nấm ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Mỗi tháng, cơ sở trồng nấm của Hưng cũng tạo doanh thu hàng chục triệu đồng
Mỗi tháng, cơ sở trồng nấm của Hưng cũng tạo doanh thu hàng chục triệu đồng

Bắt tay vào công việc, Hưng nghĩ đã thực hiện thì không cho phép thất bại, bởi mình còn đang nắm trong tay niềm tin và tương lai của cả gia đình. Hơn nữa, đây không những khởi nghiệp mà còn là kết quả chứng minh quá trình bao năm miệt mài, học tập nghiên cứu.

“Hưng nấm” và khát vọng đưa sản phẩm ra thị trường khu vực

Hiện tại, Hưng sử dụng kỹ thuật trồng nấm từ mạt cưa trong diện tích khuôn viên gần 1.000 m2. Nghị lực của chàng trai trẻ đã khiến nhiều người dân nơi đây phải thán phục.
 
Hình ảnh một chàng trai đen lẻm, nhỏ nhắn nhưng lúc nào cũng chở trên xe 2- 3 bao tải mạt cưa thu mua từ các xưởng gỗ trên địa bàn thành phố đề về ủ nấm trong con phố nhỏ hàng ngày đã không còn xa lạ với bà con nơi đây.
 
Hưng cho hay: “Việc tận dụng mạt cưa, mụn gỗ để trồng nấm vừa giải quyết môi trường, cung cấp phân hữu cơ sau đợt thu hoạch nấm, cải thiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, để có được mô hình hiệu quả, khả thi cần phải tuân thủ một số điều kiện kỹ thuật về nhiệt độ, độ ẩm, nguyên liệu.
 
Đặc biệt, cần phân biệt mụn gỗ - không phải là mùn gỗ, vì nếu thành mùn thì không thể làm nấm được và mỗi loại nấm cần nguyên liệu có một tỷ lệ thích hợp. Việc trồng nấm với phương pháp này ở nước ta không có gì quá xa lạ, lại cho năng suất cao hơn so với cách trồng nấm bằng rơm truyền thống nếu thực hiện đúng quy trình...”

Hưng giới thiệu những ưu điểm của việc trồng nấm cho khách
Hưng giới thiệu những ưu điểm của việc trồng nấm cho khách

Sau hơn 2 năm vừa thử nghiệm vừa sản xuất, sản phẩm của Hưng làm ra đạt chất lượng tốt, không thua kém gì so với các cơ sở sản xuất khác trên địa bàn. Hưng bộc bạch: “Em mới bắt tay vào làm được một thời gian nên sản phẩm còn ít, thu nhập chưa được bao nhiêu.
 
Nhưng em tin rằng, khi mình đã đặt niềm tin vào một điều gì và luôn cố gắng dồn tâm trí và sức lực vào đó thì chắc chắn sẽ thành công. Niềm vui lớn nhất của em bây giờ đó là đã minh chứng cho bố mẹ về con đường mình đã chọn là không sai”.

Nói về công việc của con trai, bà Nguyễn Thị Huệ tâm sự: “Thấy con bỏ việc để về vay vốn trồng nấm vợ chồng tôi cũng lo lắm, không biết có thực hiện được không. Tuy nhiên, thấy con có niềm tin với ý tưởng đó, chúng tôi chỉ biết động viên và chung sức giúp đỡ con. Sau một thời gian, thấy sản phẩm của gia đình sản xuất ra bán được trên thị trường, tui mới cảm thấy yên tâm phần nào”.

“Sắp tới em sẽ mở rộng quy mô để trồng được nhiều hơn. Bản thân em luôn mong muốn nấm của mình sẽ đến được thị trường nhiều tỉnh thành khác chứ không riêng gì Quảng Trị”, Hưng chia sẻ.

Đăng Đức