"Cứ đẻ rồi làm tiệc cưới, vội gì!"
(Dân trí) - Hoãn tiệc cưới vì dịch bệnh, Hoa và chồng chọn cách đăng ký kết hôn, về sống chung và... đã kịp có tin vui.
Trước Tết, Trần Thúy Hoa, 26 tuổi, nhân viên IT ở TPHCM đã lên kế hoạch làm đám cưới trong tháng 3 này. Thế rồi dịch bệnh ập đến, gần như cuộc sống, sinh hoạt, thói quen và cả ý thức mọi người xáo trộn, thay đổi.
Sau khi cân nhắc, Hoa nói với bạn trai "mình cứ đẻ đi rồi làm tiệc cưới sau", đối phương gật đầu cái rụp. Cả hai đăng ký kết hôn, về sống chung .
Lúc đầu, nghe thông tin hoãn tiệc cưới , bố mẹ gia đình hai bên đều phản đối. Nhất là bố mẹ Hoa, sợ con gái mình thiệt thòi, chưa có buổi lễ công khai đã về làm dâu.
Hoa giải thích, cưới ít nhất cũng phải vài chục mâm, lại tổ chức ở nhà hàng kéo theo lượng người tập trung rất đông. Rồi bố mẹ, họ hàng hai bên từ quê vào, di chuyển nhiều...
Đáng ngại nhất, mùa này, nhiều người ngại đi tiệc vào nên có thể họ chỉ gửi thiệp chúc mừng, như vậy cả người mời lẫn người được mời đều không có niềm vui trọn vẹn.
Về sống chung được dăm bữa nửa tháng, Hoa đã kịp có tin vui. Đồng nghiệp đều chúc mừng "Cứ đẻ đi rồi cưới, vội gì!"
Hoa bày tỏ trong "nguy" lại có "cơ". Không phải chạy ngược chạy xuôi chuẩn bị tiệc tùng, khách khứa lễ lạt, lại hoãn luôn đi nghỉ tuần trăng mật nên cả hai có thời gian để tổ chức cuộc sống chung như phân công việc nhà, quản lý tài chính, cùng trao đổi, đọc sách về hôn nhân, sinh con...
Đăng ký kết hôn, về sống chung rồi... cưới sau đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ xuất phát từ ảnh hưởng mùa dịch. Có trường hợp đã đặt tiệc, gửi thiệp mời nhưng phút chót, họ đã hoãn không tổ chức tiệc nữa.
Nguyễn Lê Anh Đức, ở Tân Bình, TPHCM bày tỏ, cách đây gần 10 ngày, vợ chồng anh đã gửi thiệp mời đến tất cả khách khứa dự tiệc cưới. Nhưng rồi dịch diễn biến phức tạp, trước ngày cưới vài hôm, gia đình anh thông báo không tổ chức tiệc kèm lời cáo lỗi thông cảm.
"Chỉ cần một dòng thông báo là gửi được đến tất cả mọi người nên không rắc rối gì. Nhà mình đã đặt mâm, hội trường... , giờ rút lại mất một ít tiền cọc thôi. Lúc này, an toàn là trên hết", Đức nói.
Vợ chồng anh đã đăng ký kết hôn, bây giờ là đủng đỉnh xách đồ về chung một nhà, không phải lo toan, bận lòng gì hết.
Méo mặt vì khách từ chối dự tiệc cưới
Thứ 2 tuần tới, Thùy Linh, ở thành phố Vinh, Nghệ An tổ chức tiệc cưới nhưng cô đã nhận được tin nhắn không dự tiệc của hơn nửa số khách.
Linh cho biết, cô cũng có ý định hoãn tiệc nhưng không thể thuyết phục được hai bên gia đình. Tiệc phía nhà gái ở quê mọi người vẫn đi cưới bình thường nhưng tiệc bên nhà trai ở phố đã cắt giảm hơn 1/2 bàn tiệc.
Bạn bè, người thân của Linh cả gần, cả xa nhắn tin mong thông cảm, mùa dịch họ không tiện di chuyển rồi dự tiệc đông người. Nhiều người bạn của Linh ở Hà Nội, Đà Nẵng ban đầu dự tính về cưới cô nhưng dịch bùng phát, mọi người quay sang... xin số tài khoản.
Mới đầu, Linh hụt hẫng vô cùng, cô rất chăm chút cho tiệc cưới của mình. Sau cô hiểu, đã tổ chức cưới vào mùa dịch thì phải chấp nhận tình cảnh khách không đến dự tiệc cũng như bị ý kiến là thiếu tinh thần phòng dịch.
"Gặp người lạ lúc này còn ái ngại. Làm sao có thể đến nơi đông người, ngồi chung mâm ăn uống thoải mái được", chị Hồng Anh, ở TPHCM nói về việc mình từ chối dự hai đám cưới được mời trong đợt này.
Dịch bệnh Covid-19 ít nhiều tác động thay đổi một số thói quen trong đời sống. Nhiều người hy vọng việc cưới hỏi của các bạn trẻ sẽ ngày càng đơn giản, bớt hình thức, giảm gánh nặng cho chính mình và cho người khác.
Hoãn tiệc cưới, các bạn trẻ có thêm thời gian, tâm sức để suy nghĩ nghiêm túc hơn mối quan hệ trọng đại trong đời người. Nhờ vậy, họ thư thả chăm chút cho cuộc sống mới hơn; hiểu đối phương cũng như khó khăn của cuộc sống vợ chồng cần sự dung hòa.
Đây là những vấn đề rất quan trọng của tiền hôn nhân mà thường ngày, dồn hết sức lực, tiền bạc vào chuyện cưới hỏi mà nhiều người đã không chú ý.
Thú vị hơn nữa, như Hoa dự định, khi con được 1 tuổi, vợ chồng cô sẽ làm tiệc cưới đơn giản, gọn nhẹ. Sau này, con sẽ không phải trách bố mẹ, sao cưới mà không có con.
Lê Đăng Đạt