Công xưởng rác của tú tài nghèo

(Dân trí) - Ở xóm nhỏ bên rừng Nam Cát Tiên, một tú tài nghèo 20 tuổi mở cơ sở sơ chế bao ny lông, nuôi gia đình và tạo việc làm cho 25 người dân trong xóm. Từ sáng kiến nhỏ ban đầu, Mai Ngọc Hưng có hẳn dây chuyền công nghệ sơ chế nhựa hiện đại.

Tân Phú là huyện xa nhất của tỉnh Đồng Nai về phía Bắc, cách TPHCM hơn 160km. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông: làm rẫy, trồng lúa, trồng cà phê, trồng quýt. Nằm ở xã Phú Bình, giáp ranh tỉnh Bình Thuận, cở sở sơ chế nhựa của Hưng vào loại hiếm hoi ở huyện.  

Tú tài đi lượm bao

Anh Trần Đăng Ninh, Trưởng ban Thanh niên nông thôn - an ninh quốc phòng, Tỉnh đoàn Đồng Nai nói về Hưng: “Tôi quí Hưng ở tính nông dân: ít nói, hỏi về mình cứ bảo không biết gì đâu, rượu không uống, thuốc không hút. Hưng chất phác, có nghị lực, quyết tâm làm giàu, nhiều sáng kiến”.  

Tốt nghiệp 12, Mai Ngọc Hưng ao ước bước chân vào giảng đường Đại học KHXH&NV TPHCM. Nhưng ước mơ phải bị từ bỏ, khi bố gặp tai nạn. Với thương tật vĩnh viễn 38%, không còn lá lách, người chủ trụ cột trong gia đình không còn buơn bả khắp hang cùng ngõ hẻm được nữa. Hưng lẳng lặng đi làm phụ giúp gia đình.  

Từ chỉ bảo của người chú họ, Hưng đi lượm bao ny lông, chủ yếu là bạt phơi thóc lúa về ra suối rửa sạch, bỏ mối cho các cơ sở chế biến nhựa ở TPHCM. “Lúc đầu em cũng sợ dơ lắm. Nhưng làm riết rồi quen, không ngại nữa”, Hưng tâm sự. Những chuyến xe tải chở rau củ quả từ Đồng Nai lên TPHCM chuyên chở giùm những bao ny lông cho Hưng. Chú Mai Thế Thường - bố Hưng định cấm. Nhưng thương con, nghĩ mình cũng không thể làm gì được nữa, chú âm thầm giúp đỡ. Vợ bán lứa heo, chú im ru ôm tiền đi mua cho con máy bằm bao ny lông (giá khoảng 9 triệu). Chiếc máy này đã đặt nền tảng để Hưng mở cơ sở sơ chế nhựa.  

Công xưởng bên rừng

Công xưởng rác của tú tài nghèo  - 1

Hưng bên chiếc máy phóng bao tự chế.

Lúc đầu, Hưng làm bao một mình, gia đình phụ thêm. Khi bố mua máy bằm, Hưng thuê 10-15 người làm thử. Công việc ban đầu khá khó khăn vì chưa quen tay. 3 tháng sau, tình cờ thấy người ta sử dụng máy phóng lúa để gặt, Hưng mới chế ra máy phóng bao. Thay vì sử dụng 4 cánh quạt, Hưng sử dụng 3 cánh để bao không bị quấn, thay dao nhỏ bằng dao lớn hơn.

Với máy phóng bao này, cơ sở của Hưng có hẳn qui trình công nghệ sơ chế gần như khép kín. “Với sáng chế này, người phân loại rác sẽ đỡ dơ tay hơn, năng suất làm việc tăng gấp đôi”, Hưng cho biết. Bao ny lông được thu gom về, ủ một tháng, rồi phân loại, bỏ vào máy phóng bao để tách chất dơ như đất, đồ ăn thừa, rồi đưa vào máy bằm. Chất dơ được lắng xuống, ủ vào đất, sau đó làm phân. Hệ thống máy bằm có hẳn một hồ nước để rửa sạch bao. Nước rửa được dẫn ra tưới nước cho vườn cây.  

Từ đây, công việc sơ chế nhựa tỏ ra khá dễ dàng. Hưng mạnh dạn mượn 25 người làm mỗi ngày, chủ yếu là bà con hàng xóm. Công việc này giúp cho một số thanh niên trong xã có việc làm ổn định, không còn phải làm ăn xa nữa. Cẩm Vân, 18 tuổi làm công đoạn phân loại nhựa được 4 tháng, cho biết: Sau khi học hết lớp 9, em ở nhà phụ gia đình làm ruộng. Sau đó, làm công việc này. Tiền công là 35.000 đồng/ngày. Làm việc ở đây ổn định, thoải mái, anh Hưng rất hòa đồng, vui vẻ, dễ tính.  

Với cơ sở tái chế này, ông chủ nhỏ Mai Ngọc Hưng mang 4-5 triệu đồng/tháng về cho gia đình (hiện nay có 4 thành viên). Mỗi ngày, cơ sở của Hưng tiếp nhận khoảng 1-1,5 tấn rác nhựa. Mỗi kí nhựa sơ chế có giá từ 5.000 đến 12.000 tùy loại. Mong ước của Hưng lúc này là làm một nhà che nắng mưa cho người làm. “Chứ bây giờ thì còn tạm bợ quá”, Hưng nói.  

Ngày 25/5 tới, Mai Ngọc Hưng là một trong những đại biểu đại diện tỉnh Đồng Nai tham gia Liên hoan thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác - Miền Đông Nam Bộ lần thứ 8.  

Hiếu Hiền