Cơn sốt Sudoku

Xuất hiện ở Việt Nam khoảng giữa năm 2005 và ngay lập tức chộp lấy giới trẻ. Sudoku không ồn ào, cuồng nhiệt như hip hop, breakdance mà âm thầm phát triển bởi nó không chỉ đơn thuần là một trò chơi.

Lan toả nhờ giới truyền thông

 

Theo các nguồn tư liệu, lịch sử ra đời của sudoku hơi phức tạp. Trò chơi này được kiến trúc sư Howard Garns ở New York thiết kế và được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1979 trên tạp chí Dell (Mỹ) với tên gọi là "Number Place". Tháng 4.1984, Number Place lần đầu tiên được giới thiệu tại Nhật trên báo Monthly Nikolist với tên gọi "Suuji wa dokusinh ni kagiru", dịch sang tiếng Anh có nghĩa là "những con số phải độc nhất" hoặc "những con số tìm thấy chỉ một lần" và được "rút gọn" thành sudoku (su = number, doku = single).

7

Nhưng trò chơi này chỉ trở nên phổ biến khi người Anh nhập cuộc. Báo Times số ngày 12.11.2004 đã giới thiệu nó với tên gọi “Su Doku” dựa trên kết quả phát triển chương trình trò chơi trên máy vi tính của một quan toà về hưu người New Zealand sống ở Hongkong tên là Wayne Gould. Sau đó, Sudoku lần lượt xuất hiện trên hầu hết các tờ báo hàng đầu của Anh và được "đưa" đến Australia nhờ tập đoàn báo chí Telegarph.

 

Từ ngày 2/8/2005, chương trình Radio Times của đài BBC có một chuyên đề hằng tuần về Sudoku mang tên Super Sudoku. Sudoku đã xuất hiện trên tivi lần đầu tiên vào ngày 1/7/2005 trong chương trình Sudoku Live trên kênh Sky One. Đây là một cuộc thi gồm 9 đội (mỗi đội 8 người cùng với một nhân vật nổi tiếng) tranh tài với nhau, tạo nên bảng Sudoku lớn nhất thế giới (rộng 84 m với 1.905 ô số). Hiện nay, Sudoku đã có mặt trên các báo, tạp chí hàng đầu và trở thành trò chơi gây sốt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

 

Sudoku xuất hiện tại Việt Nam sớm nhất là trên tạp chí Khám Phá, sau đó đến Thanh Niên, Hoa Học Trò, được xem như là một hình thức giải trí đầy trí tuệ của giới trẻ. Đặc biệt, mục Vua trò chơi trên báo Hoa Học Trò với "món chủ lực" là Sudoku thu hút rất đông học sinh tham gia (theo kết quả công bố của báo).

 

Sau đó, nhiều tờ báo cũng giới thiệu trò chơi này. Các nhà xuất bản cũng vào cuộc với việc cho ra đời những cuốn sách giới thiệu trò chơi này. Có thể nói sự tác động của giới truyền thông đã giúp sudoku trở thành một cơn sốt hớp hồn giới trẻ.

 

Khó vẫn mê

 

"Khó!", là lời nhận xét của nhiều học sinh khi được hỏi về trò chơi này. Bạn Hoà Bình (lớp 12 trường Marie Curie, quận 3) cho rằng, khi chơi trò này, bạn phải suy nghĩ, tính toán rất nhiều. Thật ra, sudoku đòi hỏi ở người chơi khả năng phân tích logic, sự kiên trì và tất nhiên là cả đam mê. Vì thế, nó không dễ "xơi" với nhiều người.

 

Tuy nhiên, chính điều đó lại khiến người chơi, đặc biệt là giới trẻ, tìm đến sudoku vì theo lời bạn N.V.Phát (lớp 11 trường Marie Curie, quận 3) thì nếu chơi không cẩn thận, người chơi dễ bị thua. Mà đã thua thì lại tìm cách khác để chơi đến khi nào thắng mới thôi. Giới trẻ bao giờ cũng muốn chinh phục thử thách mà. Càng thử thách thì càng muốn chinh phục, nên dù có khó mấy vẫn đâm đầu vào chơi.

"Anh chơi thử xem, sẽ bị cuốn hút ngay vì chỉ cần đi sai một bước, anh phải đi lại từ đầu" - V.Phát rủ rê người viết thay cho câu trả lời vì sao bạn "kết" sudoku. Cũng vì lỡ kết trò này mà đôi lần, Phát đã mất bài học. Bạn bè của Phát thậm chí còn mê sudoku hơn nữa.

 

Không chỉ tham gia giải đố trên báo, các bạn còn tìm mua sách về sudoku, sau đó vẽ ra giấy để cùng nhau giải để mau chóng tăng level (trình độ). Ngoài sự hấp dẫn của những con số, kích thích tư duy, suy nghĩ logic, sudoku cũng hấp dẫn giới trẻ vì một lý do nữa là có thể chơi được mọi lúc mọi nơi. Các bạn có thể chơi trên xe buýt, trong giờ ra chơi, thậm chí khi đi dã ngoại, du lịch. Theo tìm hiểu, hầu như học sinh trường nào cũng biết đến sudoku, và nhiều bạn đã thử chơi trò này nhiều lần.

 

Trong khi học sinh thường giải sudoku theo cách truyền thống, tức giải trên báo hoặc sách thì các bạn sinh viên và những cư dân mạng lại lên mạng để chơi. Một số diễn đàn của học sinh cũng xuất hiện trò chơi sudoku. Không chỉ học sinh mà thầy cô cũng "kết" trò chơi này như thầy N.P.N (giáo viên toán trường Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình) thường giải sudoku để thư giãn.

 

Thầy T.N.Hiếu, giáo viên toán một trường dân lập ở quận 9 cũng thường đố học trò của mình giải các ô số Sudoku mà thầy sưu tầm được và rất được các em hưởng ứng. "Đây là trò chơi thú vị nhưng rất khó, nếu không đam mê và kiên nhẫn thì không dễ gắn bó với nó được. Nhưng đã chơi thì dễ mê lắm" - thầy Hiếu cười cho biết.

 

Như đã nói, Sudoku không chỉ đơn thuần là một trò chơi mà nó còn giúp rèn luyện trí não, tư duy logic nên nhanh chóng được cập nhật vào "menu" giải trí của người trẻ. Bây giờ, không chỉ chơi sudoku mà nhiều bạn còn sáng tạo ra những ô số Sudoku của riêng mình để "thách đố bạn bè". Một cơn sốt mới của người trẻ đã bắt đầu.

 

Theo Sông Đầm
Sài Gòn Tiếp Thị