“Con nợ” năm cuối

(Dân trí) - Sắp tốt nghiệp, xa trường lớp, thầy cô, bạn bè nhưng với nhiều cô cậu năm cuối là còn dịp “chia tay” các hàng quán mà mình đang “ký sổ”. Lẽ ra cuối năm phải “rũ sạch” nợ nần thì có người tìm cách “phủi”.

“Lặn”

Ba năm học, nhiều cô cậu “qua lại” rất chi thân thiết với các hàng ăn, quán uống đến hàng điện tử quanh trường. Họ xem những người chủ quán như người thân và cũng được bà chủ, ông chủ “đối đãi” như con cháu trong nhà. Kể cả lúc cháy túi họ vẫn có thể “ăn chơi”, mời bạn bè như thường mà chỉ cần một câu: “Ghi sổ cho con, u nhé!”.

Mọi năm, hè chưa trả vào năm có thể thanh toán nhưng với học trò cuối cấp thì “một đi không trở lại” nên không ít người có ý “hốt mẻ cuối”.

Hưng, trường QT (Hà Nội) vốn là “thượng đế vàng” mấy năm liền của mấy hàng quán trước trường. Bà chủ hàng ăn kiêm nước uống thì Hưng xưng là “u với con”, bác chủ quán hàng nét thì thân thiết như “chú hai với cháu”.

Hưng galăng lại hay chơi nổi nên thường xuyên dẫn ban bè ra quán ăn uống, tụ tập. Cả nhóm bạn gần chục đứa cùng lướt net nhưng lúc nào Hưng cũng vẫy tay: “Để đó tớ”. Ăn chơi ắt có nợ nần, chủ quán nào tiếc với cậu chỉ có thiệt. Hưng ký sổ như cơm bữa nhưng cũng thanh toán rất sằng phẳng.

Trường bắt đầu nghỉ hè, chủ quán đã rậm rịch “thu hồi nợ” những cô cậu năm cuối. Chả chờ ai động đến, Hưng đã leo lẻo với “u” và “chú hai” trước đó: “Bọn con còn ôn thi dài, hôm nào thanh toán luôn một cục”. Dịp ôn thi, Hưng vẫn ra quán “xài” bình thường, nhưng đến tuần cuối cùng thì cậu… biến mất, chủ quán không làm sao mà tìm được cậu.

Hưng biết họ không dám vào trường tìm vì mấy quán này đang nằm trong diện… làm ảnh hưởng trường học. Chỉ còn mấy ngày cuối ông thi, giờ giấc thất thường, không thích thì Hưng nghỉ, họ biết Hưng đến, đi giờ nào mà lần.

Hưng không phải là trường hợp đặc biệt mà khá nhiều cô cậu chạy đua… ra trường mang theo nợ, vì thế người này người khác đều bao che cho nhau. Q, trường HBT hỉ hả với cậu bạn: “Bà Hai mập tìm tao hoa mắt luôn, nhưng muôn đời không tóm được. Tuần sau nghỉ rồi”, thì cậu bạn cũng không kém: “Mấy đứa trong lớp nói lão Quyền “hỏi thăm” tao liên hồi mấy ngày nay. Lão mà hỏi, mày cứ nói chẳng thấy nó đi học nữa. Nửa triệu chứ có ít đâu”.

Cô Phương, chủ hàng ăn uống trên đường Lương Thế Vinh, quanh trường PTDL Đào Duy Từ, Lương Văn Can than thở: “Năm nào cũng “đề phòng” các cô cậu sắp ra trường nhưng mình vẫn bị lừa. Mấy đứa con gái cũng “mất tăm”. Sổ nợ đứa ít đứa nhiều còn dài dằng dặc nhưng chỉ ít đứa đến trả. Mà mình có theo được chúng đâu. Chúng mà nghỉ rồi có tìm đằng trời”.

Khi “con nợ” gặp họa

Nếu có người số tiền ký sổ quá nhiều, không có khả năng thanh toán nên “chuồn cho xong”. Nhưng cạnh đó, có bạn lại là “chuyên nhỏ” nhưng vẫn thích mang kiếp con nợ. Như Hưng, khoản nợ đó với cậu chẳng đáng, thích Hưng trả được ngay nhưng: “Sắp hết tuổi học trò, phải bày trò sau này còn kể lại với hậu duệ. Hơn nữa cảnh”trốn tìm” cũng thấy hay hay”.

Nhưng không phải người nào “lách” cũng thành công, đến khi “gặp họa” họ mới bứt đầu bứt tai, xấu hổ đã đành lại còn bao nhiêu rắc rối.

Chỉ còn đến trường mấy hôm, Q nghĩ mình đã “trốn nợ” thành công. Đi học về, cậu ghé vào quán điện tử ở tận cuối ngõ để không “đụng mặt” chủ nợ. Vậy mà khi quay ra, Q không thấy chiếc xe BMX của mình đâu nữa. Q hỏi chủ quán thì người ta tỉnh bơ: “Bà Hai mập “mượn” tạm chiếc xe của cậu, cậu qua đó mà lấy”, lại còn thêm châm chọc: “Mười mấy nghìn hôm nay, cậu làm ơn trả giùm tui nhé!”.

Chiếc xe BMX, cả đầu tư tân trang gần bốn triệu bạc của Q chứ không ít. Thế là cậu phải “đội mặt mo” mang tiền và gọi thêm mấy người bạn đi cùng ra quán bà Hai mập “chuộc xe”. Nhờ mấy người bạn năn nỉ, xin lỗi không thì bà Hai còn cho cậu một trận ra trò.

“Bài học đau thương” của những cựu học sinh năm trước cũng sẽ cho những người đang là phận “con nợ” biết đường mà lùi.

Q. Hải, cựu học sinh trường Lê Viết Thuật (TP Vinh) tưởng “thoát thân” khi “cuỗm” hơn 300.000 đồng của hàng ăn gần trường. Thế mà đến ngày thi tốt nghiệp, chẳng biết thế nào mà chủ quán tìm được chỗ cậu thi. Chưa kịp bước vào cổng trường, Hải đã bị “tóm gọn”. Chủ quán giữ cậu, không trả tiền không cho vào thi. Thế là Hải phải gọi điện cho thầy u đến “cứu”. Khổ cho Hải, vừa bẽ mặt, còn bị bố mẹ trị tội.

Hay như Tr.H, cựu nữ sinh trường N.C, cũng vì “chuồn nợ” mà để đứa em trai của mình “gặp nạn”. H đã ra trường yên thân, chủ quán muốn tìm cũng không xong, đành cho qua. Nhưng đến năm sau, em trai H lại vào học trường chị, la cà quán sá thế nào mà bị mà chủ quán giữ luôn. Em trai H ngơ ngác hồi lâu mới biết mình bị giữ vì là… em chị H. Cuối cùng H cũng phải đích thân nữ nhi mang tiền đến trả cho chủ quán, lại bị cậu em “dội”: “Chị làm hại em thế đấy”.

Có nợ thì có trả, các cô cậu học trò năm cuối nên cẩn thận khi có ý định làm “kiếp con nợ”.

Hoài Nam