Con gái, con trai - Ai có tài... “bắt cá hai tay”?
Nói đến chuyện lăng nhăng, thích bắt cá nhiều tay, mọi người hay nghĩ: Con trai thường có “tố chất” “ngư phủ” nhiều hơn vì bọn hắn là phe chủ động, lại hay thay đổi. Sự thật có đúng thế không?
Ai cũng có thể là người quăng lưới
L. Nhựt (Đại học Khoa học Tự nhiên) là anh chàng vui tình, hài hước nên có khá nhiều fan là các bạn gái. Nay thấy anh chàng hay đi chung với cô bạn nay, mai lại thường nhắn tin tám chuyện với cô bạn khác, mọi người xì xầm: “Nhỏ Lương bạn gái hắn phải đau đầu lắm với anh chàng lắm mối nay”.
Quả nhiên nhỏ cũng khá vất vả, bày binh bố trận, tìm kiếm tai mắt để ghi nhận những tín hiệu khả nghi của Nhựt. Nhưng mọi việc thay đổi hoàn toàn khi nhỏ đi du học một năm. Ra nước ngoài, Lương làm quen với một anh bạn ngoại quốc học cùng trường và cùng sở thích nhưng trên thông tin facebook vẫn để trạng thái “đang có mối quan hệ với L. Nhựt”.
Nhỏ lý giải: Không phải mình thích chứng tỏ khi kết nối với hai người cùng lúc. Thực sự mình vẫn rất trân trọng tình cảm với Nhựt. Nhưng ở xa, mình cũng cần một người hiểu mình để chia sẻ và tâm sự, giải tỏa bớt những khó khăn khi đi học xứ người”.
T. An (17 tuổi, Q.3) là “hotboy” trong trường vì hắn sáng sủa, ga lăng lại có tài đàn hát. Trong trường, hội những cô nàng phát cuồng vì hotboy An cũng có kha khá thành viên.
Không những vậy, tầm hoạt động của anh chàng còn lấn sang các trường khác. An bảo: “Đương nhiên mình biết bắt cá nhiều tay là không tốt nhưng mình cũng đâu có chính thức công bố ai là một nửa của mình.
Mình có điều kiện để có nhiều mối quan hệ, mình có quyền đắn đo để lựa chọn một phương án tốt nhất. Hiện mình cũng chưa gặp một rắc rối đáng kể nào từ việc chơi thân với nhiều bạn gái cùng một lúc. Chỉ có hơi phiền là những dịp đặc biệt như ngày sinh nhật, ngày Phụ nữ Việt Nam, 8/3, phải chuẩn bị nhiều món quà khác nhau để tặng cho các nàng có cá tính khác nhau. Mình không muốn làm các ấy thất vọng!”.
H. Yến (ĐHKHXH&NV) không hẳn là xinh nhưng cô bạn lại có một vẻ ngoài dịu dàng và cư xử rất khéo. Đầu năm, nhỏ đã được cánh con trai trong lớp “công nhận” là cô nàng có sức hút. Nhận được thư tỏ tình của T. Anh, Yến khéo léo từ chối: “Mình còn chưa vượt qua được cú sốc tình cảm hồi cấp 3 nên bạn thông cảm cho mình nhé. Thực sự mình cũng rất quý bạn!”.
Nói thì nói vậy nhưng Yến vẫn thường xuyên nhờ vả T. Anh làm tài xế và nũng nịu nhờ lấy hộ tài liệu học khi nhỏ không đến lớp. Không chỉ T. Anh mà còn có nhiều chàng trong lớp và ngoài lớp cũng đang trong tình trạng sẵn sàng chờ đợi cho đến khi cô nàng mở cửa trái tim.
Con gái “bắt cá” giỏi hơn?
Thực tế cho thấy, cả hai phe con gái/con trai đều có khả năng trở thành “ngư phủ” khi cùng lúc nắm bắt cả 2, 3 trái tim trong tay. Xét về “bề nổi”, con trai hay dễ bị nhận mặt là “ngư phủ” hơn, vì theo như bạn Lương Thị Mỹ Duyên (THPT Trần Quang Khải) thì: “Con trai dễ “bắt cá” hai tay hơn vì các bạn ấy luôn là người chủ động trong tình cảm.
Thêm nữa, đôi khi tình cũ không đẹp, nhưng là con trai, các cậu ấy phải có trách nhiệm với bạn gái, không dám dứt áo ra đi, nên đành phải “thập thò” giữa cũ và mới. Đồng thời, “ngư phủ” nam cũng dễ bị lộ nhất, vì một khi “yêu” là các bạn ấy phải thể hiện, người ngoài nhìn vào là biết ngay”.
Trái ngược với quan điểm đó, bạn Nguyễn Hoàng Tấn (THPT Trần Quang Khải) lại cho rằng: “Mọi người luôn nghĩ con trai thích làm “ngư phủ”, nhưng thực tế con gái chiếm phần không nhỏ trong hội này. Khi đứng trước người mới có nhiều điểm mới mẻ, hay hay mà người cũ không có thì ai cũng dao động hết.
Một cô nàng xinh tươi thì chắc chắn sẽ có 2, 3 anh chàng kè kè theo sau. Dĩ nhiên, cô ấy sẽ tò mò xem ai về đích trước, và đèn xanh sẽ được bật lên cho hết thảy những anh chàng bên cạnh. Thậm chí, nếu thấy chàng nào cũng hay, cô nàng sẽ xóa luôn đích đến, cứ để cuộc đua không có hồi kết”.
Tìm kiếm sự hoàn hảo, muốn khẳng định giá trị bản thân là những nguyên nhân chính khiến con gái con trai bỗng chốc trở thành những “ngư phủ” bất đắc dĩ.
“Làm “ngư phủ”, đồng nghĩa với việc bạn có sức hút. Nhưng có một điều rõ ràng: Nếu bạn làm “ngư phủ” chỉ vì muốn khẳng định mình hơn người ở tài tán gái, cua trai thì bạn đó hoàn toàn thất bại ngay từ bước đầu, dù cho bạn là con gái hay con trai.
Tình cảm không phải là môi trường để khẳng định “sự ta đây”, ý kiến của bạn Nguyễn Quang Vinh (THPT Nguyễn Tất Thành) nhận được rất nhiều sự đồng tình từ cả hai phe.
“Rung rinh nhưng đừng “manh động”
Nói về hiện tượng “bắt cá nhiều tay”, chúng ta thấy “ngư phủ” xuất hiện ở cả nam lẫn nữ, nhưng ai lợi hại hơn thì tùy thuộc vào khả năng của mỗi người và từng trường hợp cụ thể. Con trai thường chủ động, dễ thể hiện tình cảm ra bên ngoài, ngược lại con gái thì dịu dàng nhưng cũng có những thế mạnh nhất định của sự nữ tính nên nói về khả năng thành công khi “quăng lưới” thì khó mà xác định ai lợi hại hơn.
Khi kết luận ai đó “bắt cá nhiều tay” tức là người đó có quan hệ yêu đương với ít nhất là hai người khác nhau trong cùng một thời điểm. Nhiều người trở thành “ngư phủ” vì lí do bên ngoài như khẳng định bản thân trước lời thách đố của bạn bè, đồng thời cũng có “ngư phủ” vì tình cảm của bản thân mình, chẳng hạn như cảm thấy rung động trước cả hai người, hoặc “bỏ thì thương, vương thì tội” nên cứ dùng dằng giữa hai nẻo đường.
Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhu cầu tự khẳng định bản thân rất lớn cộng với sự phát triển mạnh mẽ của xúc cảm giới tính; nhưng sự kiềm chế còn chưa cao nên các bạn dễ dàng trở thành “ngư phủ”.
Đây là lí do có thể thông cảm với các bạn này nhưng dù xuất phát từ nguyên nhân gì thì kết quả vẫn là sự tổn thương ở tất cả các bên, “ngư phủ” lẫn “cá”. Trường hợp mình đang có người yêu nhưng cảm thấy bị hấp dẫn bởi một người khác là chuyện bình thường, chưa thể gọi là bắt cá hai tay nếu ta không “manh động”.
Ai cũng có lúc bị “rung rinh”, say nắng một chút vì người khác giới, ngoài “ấy ơi” của mình nhưng nếu mình biết suy xét và có điểm dừng hợp lí thì không sao cả.
Th.S. Nguyễn T. Uyên Thy (Khoa Tâm lí - Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM) |
Theo Mực Tím