Cokbi - ý tưởng lạ của nữ giám đốc “xe ôm”
(Dân trí) - Trần Kim Ngân vẫn thường được bạn bè cùng lớp gọi đùa là “kẻ “dám” làm đốc của xe ôm”. Không chỉ vì “có gan” tổ chức và quản lý đội ngũ mấy chục xe ôm, 8X này luôn khẳng định mình bằng những ý tưởng mới xuất phát từ khả năng đón đầu và nắm bắt thời cơ. Và xe ôm du lịch là một trong những ý tưởng đó.
Ý tưởng đột phá
Ngay từ lúc còn là học sinh phổ thông, Ngân đã nổi danh trong đám bạn với những hoạt động kinh doanh “ăn nên làm ra”, từ bán hoa tươi, cắm hoa nghệ thuật đến làm đồ lưu niệm. Lên đại học, ngay từ lúc mới “chân ướt chân ráo” vào trường, Ngân đã một mình một ý tưởng vào đến vòng 2 cuộc thi Ý tưởng kinh doanh sáng tạo của ĐH Ngoại thương.
Ý tưởng về một loại hình dịch vụ taxi xe ôm chất lượng cao dành cho du khách khi đến Hà Nội đến với cô sinh viên năm thứ 4 ĐH Ngoại thương thật tình cờ và cũng thật bất ngờ: “Nghỉ hè năm đại học thứ hai, em du lịch sang Thái Lan thấy ở Bangkok đâu đâu cũng có dịch vụ xe ôm. Xe ôm ở đây làm việc rất quy củ và gây được rất nhiều thiện cảm của du khách. Xe ôm chúng ta không thiếu, tại sao chúng ta lại không thể làm được hơn họ, hay chí ít cũng như họ?”
Công ty thương mại và dịch vụ vận chuyển Hiền Linh với thương hiệu Cokbi đặt trụ sở tại ngõ 3 Thái Hà, Hà Nội, điện thoại dịch vụ (04) 262.6364.
Dịch vụ của Cokbi có hệ thống bộ đàm và đồng hồ tính cước điện tử gắn trên xe máy. Chiếc đồng hồ này có chức năng tính tiền, tính số đường đi, tính giờ với giá 5.000đ/km đầu tiên và 2.500đ cho những km tiếp theo. |
Để thực hiện ý tưởng này, Ngân cùng hai thành viên khác thành lập một công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận chuyển mang tên Hiền Linh. Tuy nhiên, lúc này tại Hà Nội đã có không dưới ba doanh nghiệp đang hoạt động dưới cùng hình thức xe ôm chất lượng cao. Việc cạnh tranh là không thể tránh khỏi và đòi hỏi những “người đi sau” không chỉ một thần kinh thép mà còn là “xung lực mới”, tạo được cái riêng, làm nền tảng để có thể trụ vững.
Đột phá ban đầu là một hãng taxi xe ôm với thương hiệu Cokbi chính thức hoạt động với hệ thống dịch vụ mà có lẽ chưa một vị khách khó tính nào nghĩ tới. Hiền Linh là đơn vị duy nhất tại Việt Nam hiện nay tự thiết kế và sử dụng đồng hồ tính cước điện tử, đảm bảo các thông số: Thời gian lên, xuống xe, tổng số km vận doanh và không vận doanh, số lần chạy quá tốc độ, thông báo giá cước… với công nghệ hoàn toàn khác với đồng hồ tính cước của taxi.
“Việc sử dụng đồng hồ tính cước cũng như hoá đơn GTGT cho khách hàng là mấu chốt để Cokbi “giành điểm” với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, cái khó nhất của loại hình dịch vụ này là việc quản lý những người vốn đã quen với cung cách làm việc tự do, đồng thời giúp họ tiếp cận nhanh hơn với dịch vụ mới của công ty: Dịch vụ đưa đón khách du lịch.
Hiện em đang soạn thảo giáo trình Anh ngữ giao tiếp đơn giản cho nhân viên xe ôm. Đội ngũ nhân viên điều hành cũng đang dần hoàn thiện kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, dịch vụ này sẽ đi vào hoạt động”.
Những kỷ niệm không thể quên
Cung cách hoạt động mới với những ưu thế vượt trội, nâng lượng đầu xe hoạt động dưới thương hiệu Cokbi hiện nay lên 70 người. Vậy mà, vào những ngày đầu mới thành lập vấn đề nan giải nhất mà cô sinh viên liều lĩnh này gặp phải lại là làm cách nào để thuyết phục các bác tài “xe ôm” đồng ý tham gia… thử nghiệm.
Cả trăm tấm phiếu được phát ra may ra mới được 1 người đồng ý. Tại buổi tổ chức cuộc họp lấy ý kiến tại Khách sạn Bảo Sơn, dù đã thông báo tới hàng trăm bác tài nhưng số người tới dự chỉ vẻn vẹn 15 người. Cuối cùng, số người đồng ý tham gia thử nghiệm chỉ có 3 người.
Quyết tâm tìm tới một phương cách kinh doanh mới, Ngân vẫn kiên trì thuyết phục, vận động và cuối cùng có thêm… 7 người nữa đồng ý tham gia. Công việc ngày càng tiến triển, số lượng khách hàng ngày càng nhiều lên cũng tỷ lệ thuận với thu nhập của các “Cokbi”.
Điều ít người ngờ tới là vị giám đốc của Cokbi hiện nay cũng kiêm luôn vai trò nhân viên “Cokbi” chạy xe ôm. Và một trong những kỷ niệm “rùng rợn nhất” trong những lần “hành nghề xe ôm” của cô sinh viên năm cuối của trường ĐH Ngoại thương này lại khá… lãng mạn.
“Đó là một buổi tối cách đây chừng hai tháng, trời mưa như trút nước, ngó đi ngó lại thì xe ôm đã chạy kín lịch, nhân viên văn phòng thì đã về hết em quyết định xách xe tới đón khách. Điều này cũng là thường tình vì em và chị Hiền - người đồng sáng lập công ty phải thường xuyên đón khách khi nhân viên đã kín lịch.
Tới nơi, thấy một đám thanh niên chừng 5-6 người đang ào ào nói chuyện. Thoáng thấy vị khách mặc nguyên bộ quân phục bộ đội oai phong, người em đã rụng rời, chỉ muốn để xe đấy chạy về cơ quan. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, đã trót hữa với khách hàng là sẽ tới nên không còn cách khác đành nhẹ nhàng mời họ lên xe mà trong lòng thì mong họ đừng có đi.
Đường phố vắng tanh, lại thân con gái, giọng ngoại tỉnh nhỡ đâu… thì biết làm thế nào. Cả Hà Nội khi đó lại đang ầm ĩ bởi liên tiếp những vụ cướp taxi, xe ôm. Chưa bao giờ quãng đường từ Thái Hà về Thành Công với em lại xa như thế. Đếm từng cái ngã tư, từng cái ngách nhỏ. Khi đó người em run như cầy sấy, không phải vì lạnh do mưa mà vì lo sợ từ phía sau.
Cuối cùng, vị khách này cũng yêu cầu dừng xe trước cổng… một doanh trại quân đội. Em chưa kịp nói lời chào và cảm ơm khách hàng thì anh ấy đã nhẹ nhàng rút một bông hồng trong đoá hoa đang cầm trên tay và tặng em…”.
Đó chỉ là một trong rất nhiều kỳ niệm mà giám đốc điều hành 8X này có được sau những lo toan tưởng chừng sẽ chẳng bao giờ dứt.
Phúc Hưng - Thái Sơn