Cô nữ sinh Huế khởi nghiệp từ 20.000 đồng

Lọt vào chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp”, cô nữ sinh Huế vừa bước qua tuổi 17 - Nguyễn Thị Ngọc Thúy đã chiến thắng đối thủ lớn hơn mình 11 tuổi và được cấp vốn đầu tư 200 triệu đồng, trở thành người trẻ tuổi nhất dành được số vốn đầu tư cao nhất của chương trình.

Khởi nghiệp khi là học sinh lớp 9

 

Sinh năm 1988, nhưng đến nay Nguyễn Thị Ngọc Thúy (học sinh lớp 12/5 Trường THPT Nguyễn Huệ, Huế) đã có kinh nghiệm 4 năm trong kinh doanh bán hàng tái chế qua mạng Internet. Bước khởi nghiệp của Thúy bắt đầu từ khi còn là học sinh lớp 9 với 20.000 đồng dành dụm từ tiền cha mẹ cho ăn sáng.

 

Với số tiền ấy, Thúy mua giấy màu, hoa khô, làm 3 chiếc thiệp sinh nhật gửi bán tại một cửa hàng. 10 ngày sau, Thúy quay lại thì những tấm thiệp đã bị thất lạc ở đâu không hay.

 

Cô chủ cửa hàng thì có vẻ thờ ơ. Thế là 20.000 đồng tiền vốn ban đầu mất tiêu. Sau thất bại đầu tiên đó, Thúy suy nghĩ mình không thể tiếp tục kinh doanh bằng cách cầu may.

 

“Tôi cũng nghĩ đó là dịp để thử sức mình nhưng khi thất bại thì lại không thể chịu được” - Thúy nói. Thúy lại tiếp tục đầu tư nhiều công sức hơn, kinh doanh nhiều mặt hàng hơn như hàng lưu niệm, trang sức tái chế, những túi xách bằng bao bố, những đôi dép dây thừng... mà Thúy lấy ý tưởng từ những cuộc thi làm hàng tái chế để trưng bày hàng năm của học sinh trong trường, rồi thuê người thiết kế và sản xuất theo ý tưởng của mình.

 

Thúy đưa mẫu hàng vào trưng bày, giới thiệu ở khách sạn của ông ngoại Thúy - nơi mà em không phải mất tiền mặt bằng, lại có thể bán được nhiều hàng. Tiếp đó, Thúy mở rộng thị trường bằng cách đưa hàng giới thiệu trên mạng Internet và thực hiện giao dịch qua thư, trả tiền qua tài khoản điện tử.

 

Để làm được điều đó Thúy phải hợp tác cùng một người bạn cùng độ tuổi ở TPHCM mở mục Thời trang tái chế và Bami (ba miền), dựa trên trang web thời trang www.liktinshot.net.tp. Nhờ sử dụng những chất liệu đã bị bỏ đi để tái chế, làm ra sản phẩm mang tính sáng tạo cùng phong cách mới lạ, những chiếc túi xách bằng bao bố ngồ ngộ, những đôi dép bằng dây thừng độc đáo, tấm thiệp sinh nhật xinh xắn... nên những mặt hàng của Thúy đã thu hút khách hàng.

 

Khách hàng trên mạng đều là những người Thúy không biết mặt hoặc ở xa nên hầu hết người đặt hàng phải thanh toán trước qua tài khoản. Thúy chú trọng việc giữ uy tín, giao hàng đúng hẹn. Những sản phẩm của Thúy không những bán cho thị trường trong nước mà còn theo khách du lịch sang tận các nước Á, Âu.

 

Cứ thế, doanh số bán hàng qua mạng Internet của Thúy ngày càng tăng dần. Mỗi khi có khách đặt hàng Thúy lại tất tả đi giao việc cho “nhân viên” sản xuất. Phần lớn những người sản xuất hàng cho Thúy chủ yếu là học sinh, sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế, làm việc không cố định mà chủ yếu làm theo sản phẩm nên công cán cũng tương đối mềm. Thúy tâm sự: “Là một học sinh phổ thông, kinh doanh mặt hàng tái chế bán qua mạng Internet như một sự thử nghiệm trong kinh doanh, nhưng càng làm em càng thấy thích thú”.

 

Cửa hàng “Đất Việt” và những dự định tương lai

 

Việc bán hàng tái chế thông qua mạng chưa làm cô nữ sinh 18 tuổi Trường PTTH Nguyễn Huệ (Huế) hài lòng. Khi chương trình “Khởi nghiệp” của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng, Thúy theo dõi và gửi đề án tham gia 4 lần, do mơ hồ về đề án cũng như thời gian cấp tập cho việc học những đề án Thúy gửi chưa đủ “độ chín” nên không được chấp nhận.

 

Lần thứ 5, do chủ đề thay đổi với dự kiến ban đầu nên Thúy phải thức trắng 3 đêm liền chỉnh sửa, hoàn thành đề án dài 21 trang “Công ty Sản xuất kinh doanh hàng tái chế Đất Việt”. Khi đề án được duyệt, ban tổ chức chương trình gọi về nhà cũng là lúc Thúy đã rong chơi tại Hội An.

 

Trở về nhà thì chỉ còn 2 ngày nữa là chương trình phát sóng, Thúy lại tất tả cùng cậu em lên đường ra Hà Nội dự thi và đã lọt vào chung kết. Ở vòng thi chung kết, Thúy đã thắng luôn đối thủ lớn hơn mình 11 tuổi và ẵm luôn 200 triệu đồng giải thưởng, trở thành người nhỏ tuổi nhất dành giải thưởng lớn nhất của chương trình.

 

Cầm trong tay 200 triệu đồng đối với một nữ sinh vừa học vừa kinh doanh không phải là chuyện dễ, làm sao đừng phụ lòng của những người cấp vốn lại càng khó hơn.

 

Nên ngay từ bây giờ Thúy đã có kế hoạch sẵn cho mình, hiện Thúy đang nhờ ông ngoại, người đã có kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh về lĩnh vực khách sạn tìm một mặt bằng thích hợp mở một cửa hàng mang tên “Đất Việt” để trưng bày các sản phẩm chính, phát triển kinh doanh và cũng là nơi giao dịch phân phối sản phẩm ở TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

 

Thúy mách rằng: “Dựa trên ưu thế hàng tái chế đã bán qua mạng lâu nay, sẽ sản xuất mặt hàng mới như mặt nạ Halloween, những bức tranh về đất nước con người... Đã có một chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm lớn ở Đà Nẵng, khi xem chương trình Khởi nghiệp đã chủ động liên hệ với em hợp tác làm ăn lâu dài”.

 

Theo Phan Lê
Sài Gòn Giải Phóng