"Có niềm đam mê thì không có việc gì nặng"

M.C

(Dân trí) - 7 tấm gương người tốt, việc tốt điển hình của Thủ đô Hà Nội kể câu chuyện không ngại hiểm nguy cứu người, chống dịch Covid-19, vượt khó khởi nghiệp thành công...

Ban Thi đua khen thưởng TP Hà Nội, Quận đoàn Hoàn Kiếm và Báo Tuổi trẻ Thủ đô đồng tổ chức chương trình Giao lưu - tọa đàm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt Thủ đô năm 2021 với chủ đề Lan tỏa tinh thần tuổi trẻ sống đẹp.

Niềm tin của đồng bào cả nước

Có niềm đam mê thì không có việc gì nặng - 1

Các nhân vật giao lưu tại chương trình Tọa đàm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt Thủ đô năm 2021.

Một trong bảy gương mặt giao lưu chương trình là Ths. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, là bác sĩ cách ly điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch vào khoa.

Anh cùng với nhân viên y tế triển khai thành công nhiều kĩ thuật cao để điều trị cho bệnh nhân nặng như: Thở máy nâng cao, lọc máu hấp phụ phân tử; Trao đổi oxy qua màng ngoài ngoài cơ thể (ECMO). Nhờ đó, toàn bộ các bệnh nhân nguy kịch khi điều trị tại khoa đều được khỏi bệnh, trong đó có cả những bệnh nhân rất nặng, có tình trạng suy đa tạng, từng có ngừng tuần hoàn vẫn được cứu sống.

Trong cuộc chiến với Covid-19, bác sĩ Phúc và đồng nghiệp đã phải trải qua nhiều thời điểm cam go. Trong suốt đợt dịch, anh và nhiều nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 đã tạm quên gia đình để cứu người bệnh. Những bác sĩ, cán bộ y tế tiếp xúc điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng được tính là F1, sẽ phải cách ly tuyệt đối, gần như không tiếp xúc với đồng nghiệp khác, lẫn người ngoài.

Anh Phúc cho hay, có những đêm trực không bao giờ chợp mắt nổi khi bệnh nhân nguy kịch. Khi ca bệnh nhân số 19 (là người bác của bệnh nhân số 17 Nguyễn Hồng Nhung) nhập viện, là một trong 5 bệnh nhân nặng có thời gian điều trị dài nhất. Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ bệnh nặng tuổi cao, nhiều bệnh lý nền như huyết áp, tim.

Vì vậy, khi được đưa vào khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân bị biến chứng, gây tràn khí màng phổi, ô xy máu tụt nhiều và diễn biến vô cùng nguy kịch. Ngay lúc ấy, các bác sĩ nhận định chỉ có cách duy nhất là đặt tim phổi nhân tạo (ECMO) mới có thể giữ được mạng sống của người bệnh.

Có niềm đam mê thì không có việc gì nặng - 2

Các bạn đoàn viên, thanh niên sôi nổi đặt câu hỏi cho các tấm gương người tốt, việc tốt.

Những ngày sau đó, bệnh nhân 19 cũng có tiến triển tốt lên. Tuy nhiên, do có bệnh lý nền về tim mạch nên sau khi rút ECMO được 4 ngày, vào khoảng 0h48 phút ngày 8/4/2020, bệnh nhân xuất hiện tình trạng ngừng tuần hoàn.

"Thời điểm đó bệnh nhân 19 ngừng tuần hoàn 1 lần trong khoảng 45 phút. Các bác sĩ phải sốc điện đến 3 lần mới tạo được nhịp độ ổn định hơn cho bệnh nhân. Việc cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân trong vòng 45 phút thực sự là khủng khiếp", anh Phúc chia sẻ.

Tại chương trình, bác sĩ trẻ bày tỏ có niềm tin tuyệt đối Việt Nam chiến thắng dịch bệnh Covid-19, bởi ngay từ đầu Chính phủ, Bộ Y tế, cùng toàn dân đã thực hiện rất nghiêm túc, quyết liệt công tác phòng, chống dịch rất tốt, với chiến lược đúng đắn.

Có niềm đam mê thì không có việc gì nặng - 3

Trung úy Lê Văn Ba, Bí thư Đoàn Thanh niên Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an TP Hà Nội. Anh là một trong 20 gương mặt thanh niên cảnh sát cơ động tiêu biểu toàn quốc; Được Công an thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt việc tốt" nhiều năm liền; Các cấp bộ Đoàn từ Trung ương tới cơ sở tặng nhiều bằng khen.

Anh Ba tâm sự: "Đồng đội chúng tôi ngày ngày ăn ở, sinh hoạt cùng nhau. Kỷ niệm thì rất nhiều và tôi rất nhớ khi vào Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Khi được nhận nhiệm vụ chúng tôi cũng rất lo lắng nhưng trên dưới đồng lòng, anh em đồng cam cộng khổ, quyết tâm cùng nhau... ". Anh thấy những điều đó vô cùng đáng quý và không bao giờ ân hận khi chọn là người chiến sĩ.

Chia sẻ về việc "tri ân" người phụ nữ khi làm vợ cảnh sát cơ động, trung úy Ba bày tỏ: "Làm vợ người lính đã vất vả, làm vợ cảnh sát cơ động càng vất vả hơn. Bởi đội ngũ cảnh sát cơ động làm việc linh hoạt, 24/24 giờ. Tuy vợ người lính có thiệt thòi nhưng chúng tôi có thể làm được rất nhiều việc từ nấu cơm, rửa bát, đưa gia đình đi chơi… Bản thân tôi cũng biết tìm cách để giữ gìn hạnh phúc gia đình".

"Có niềm đam mê thì không có việc gì nặng"

Chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đã vượt lên mọi khó khăn; Yêu thích nghề nông nghiệp, có trí và sự bền bỉ trong kinh doanh, sau những tháng ngày vất vả, người phụ nữ này trở thành một chủ một công ty lớn, tạo việc làm và thu nhập cho 20 đến 30 công nhân trên quê hương, đồng thời doanh số từ 20 ngàn đồng/ngày giờ đã là 4 tỷ đồng/năm. Chị được mệnh danh "Kiếm tiền tỷ từ trồng rau mầm".

Chị Hà chia sẻ về bước đầu khởi nghiệp: "Khi còn là sinh viên khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, qua bài giảng của thầy tôi đã biết đến rau mầm và giá trị của nó.

So với các loại rau thông thường khác, rau mầm có dinh dưỡng cao gấp 5 lần. Ngoài vai trò là một loại thực phẩm sạch, rau mầm còn là "khắc tinh" của bệnh tật.

Sau khi ra trường tôi thấy, với những ưu điểm này, rau mầm sẽ trở thành sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định phát triển mô hình trồng rau mầm theo hướng ứng dụng công nghệ.

Thời gian đầu tôi phải mang rau đi khắp các chợ ở Hà Nội để giới thiệu. Chợ xa nhất tôi tới là Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhưng đi đến đâu người ta cũng không biết loại rau này. Ba ngày liền mình đi chợ từ 5h sáng đến 8h tối mới trở về mà chỉ bán được 20 nghìn đồng tiền rau. Thực sự khi đó tôi cảm thấy rất buồn".

Có niềm đam mê thì không có việc gì nặng - 4

Tặng hoa, vinh danh các tấm gương người tốt, việc tốt của Thủ đô.

Theo chị Hà, nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam tuy nhiên muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này bạn trẻ phải tìm được hướng đi riêng. Muốn khởi nghiệp thành công cũng đòi hỏi đam mê, kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng.

"Có niềm đam mê thì không có việc gì nặng, có niềm đam mê thì không có gì là bất hạnh. Hiện là chủ doanh nghiệp nhưng tôi có rất nhiều lần thức trắng đêm. Dù là làm nông nghiệp nhưng tôi thỏa sức sáng tạo. Tạo ra bữa ăn an toàn cho người tiêu dùng, đối với tôi đó là hạnh phúc.

Có rất nhiều người tốt và chúng ta cứ hỏi thì sẽ nhận được câu trả lời, quan trọng là bạn sẵn sàng đầu tư cho ước mơ của mình và luôn luôn sáng tạo", chị Hà chia sẻ.

Tham gia chương trình giao lưu có 7 điển hình tiên tiến: Bác sĩ Nguyễn Việt Quang, Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Ths.Bác sĩ Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương; Trung úy Lê Văn Ba, Bí thư Đoàn Thanh niên Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an TP Hà Nội; Doanh nhân Vũ Đình Hoan, CEO của Gym Max (Đơn vị trực thuộc Đoàn Thanh niên Đại học Thủy lợi); Em Nguyễn Minh Quang, học sinh Lớp 9A3 trường THCS Thăng Long, Ba Đình; Người hùng Nguyễn Ngọc Mạnh, chàng trai dũng cảm cứu bé gái rơi từ tầng 12 của một tòa nhà chung cư tại Hà Nội; Chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà.

Những câu trả lời của họ đầy tâm huyết, bằng người thật, việc thật tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần xung kích, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của những người trẻ.