Ghosting: "Bóng ma" tâm lý khi mối quan hệ kết thúc trong im lặng

T.N

(Dân trí) - "Ghosting" - bỗng dưng im lặng rồi cắt đứt liên lạc là một hiện tượng phổ biến trong hẹn hò online và trở thành "bóng ma" tâm lý khiến vết thương lòng khó phôi phai.

Sự gia tăng của liên lạc điện tử và ứng dụng hẹn hò đã tạo cơ hội bắt đầu và kết thúc mối quan hệ một cách nhanh chóng.

Lý do người ta chọn "ghosting"?

Ghosting: Bóng ma tâm lý khi mối quan hệ kết thúc trong im lặng - 1

Sẽ ra sao nếu một ai đó bỗng nhiên "biến mất" khỏi cuộc sống của bạn? (Ảnh minh họa: ShutterStock).

Có nhiều nguyên nhân lý giải việc người ta lại lựa chọn "ghosting" - đột nhiên cắt đứt liên lạc với người khác.

Nỗi sợ

Nỗi sợ hãi đã len lỏi vào tâm trí, bạn lẳng lặng chọn cách kết thúc một mối quan hệ vì lo sợ. Bạn quyết định chấm dứt vì nỗi sợ quen người mới hoặc phản ứng của đối phương sau lời chia tay.

Tránh xung đột

Vốn dĩ con người có bản năng xã hội; và việc phá vỡ mối quan hệ xã hội dưới bất kỳ hình thức nào, dù tốt hay xấu, đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn khi không bao giờ gặp lại ai đó, thay vì đối mặt với xung đột hoặc phản ứng có thể xảy ra khi chia tay.

Mối quan hệ không được xem trọng

Bạn và nửa kia không có nhiều mối quan hệ chung hay bất cứ mối liên hệ nào khác. Bởi thế, bạn cảm thấy rằng việc bạn bước ra khỏi cuộc sống của họ không phải là một vấn đề gì quá lớn lao.

Tự thương chính mình

Nếu một mối quan hệ đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Và việc cắt đứt liên lạc là cách duy nhất để bạn tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân mà không bị ám ảnh bởi sự tan vỡ hoặc chia tay.

Những tình huống cho thấy bạn bị "ghosting"

Đối tác hẹn hò

Nếu bạn đã trải qua một vài lần hẹn hò nhưng bỗng dưng một ngày nửa kia đột ngột biến mất. Có thể vì họ không cảm nhận được sự lãng mạn; hay quá bận rộn để duy trì liên lạc; hoặc họ chưa sẵn sàng để phát triển mối quan hệ đến bước tiếp theo.

Bạn bè

Một người bạn thường xuyên cùng bạn đi, trò chuyện bỗng ngừng trả lời tin nhắn, ngó lơ cuộc gọi của bạn bởi vì có điều gì đó đang xảy đến khiến họ bận rộn hơn. Hoặc có thể, họ không muốn làm tổn thương khi phải nói rằng không muốn làm bạn với nhau nữa.

Đồng nghiệp

"Ghosting" cũng có thể xảy ra trong môi trường công sở. Hiện tượng này dễ thấy khi ai đó rời công ty, chuyển đổi vị trí hoặc được thăng chức. Mặc dù bạn và họ thường xuyên trò chuyện trong văn phòng, có thể đi chơi sau giờ làm. Nhưng đối với một số người, việc duy trì tình bạn với đồng nghiệp cũ trong khi cố gắng hòa nhập với đồng nghiệp mới là thử thách quá khó.

Làm sao để biết bạn có bị "ghosting" hay không?

Ghosting: Bóng ma tâm lý khi mối quan hệ kết thúc trong im lặng - 2

Thật khó khăn để vượt qua cảm giác bị "ghosting" (Ảnh minh họa: ShutterStock).

Nếu bạn phân vân không biết liệu bản thân có đang bị ghosting hay không, hãy tự mình trả lời những câu hỏi dưới đây:

Đây có phải là hành vi bình thường với họ?

Một số người không thể luôn luôn cầm điện thoại, nhưng nếu khi quay lại, họ sẽ trả lời bạn. Bởi vậy, không phải là vấn đề lớn nếu họ không phản hồi nhanh chóng. Nhưng nếu họ thường phản hồi và đột nhiên ngừng gọi điện hoặc nhắn tin cho bạn trong một thời gian dài bất thường, có thể bạn đã bị "ghosting" rồi đấy.

Có gì thay đổi trong mối quan hệ không?

Bạn đã nói ra một điều gì đó khiến họ phản ứng gay gắt hay đang trong giai đoạn chuyển tiếp một mối quan hệ? Chẳng hạn như, bạn đã ngỏ lời yêu đối phương nhưng họ im lặng và biến mất. Câu trả lời là gì, có thể bạn đã tự mình hiểu rồi.

Một trong hai người có trải qua bất kỳ sự kiện lớn nào trong cuộc sống không?

Họ đã chuyển đến một nơi mới hay bắt đầu một công việc mới; hoặc trải qua một biến cố đau buồn, mất mát? Hoặc họ trải qua một sự kiện đau buồn, mất mát? Chính những sự kiện này đã khiến hai bạn ngày càng xa cách về thể chất hoặc cảm xúc. "Ghosting" có vẻ là lựa chọn dễ dàng nhất, ít phức tạp nhất.

Trong một số trường hợp, sự im lặng có thể chỉ là tạm thời. Chẳng hạn như gần đây họ đang thực hiện một dự án công việc lớn hoặc có một sự kiện đau buồn trong cuộc sống. Nhưng trong những trường hợp khác, nó có thể là vĩnh viễn.

Phản ứng ra sao nếu bị "ghosting"?

Đối mặt với bất kỳ loại mất mát nào cũng thật sự là điều khó khăn, ngay cả khi bạn không biết rõ về người đó. Nếu bạn thân thiết với họ, việc bị "ghosting" có thể gây ra những cảm xúc phức tạp với nhiều sắc thái khác nhau.

Bị "ghosting" cũng có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và tác động tiêu cực đến các mối quan hệ hiện tại và tương lai của bạn. Trong thời đại mà các mối quan hệ bắt đầu trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến; việc bị "ghosting" bởi một người mà bạn đã theo dõi chặt chẽ thông qua tin nhắn hoặc mạng xã hội có thể khiến bạn cảm thấy bị xa lánh hoặc cô lập.

Ghosting: Bóng ma tâm lý khi mối quan hệ kết thúc trong im lặng - 3

Bạn cần có những "chiến lược" để vượt qua (Ảnh: ShutterStock).

Cách để vượt qua

Dẫu sẽ thật khó để nguôi ngoai nhưng bạn hãy đối mặt và chấp nhận cảm giác đó.

Đặt ra một ranh giới

Trước khi bắt đầu, bạn hãy tự đặt ra một ranh giới. Sự trung thực và minh bạch có thể giúp bạn và người ấy thấu hiểu, đảm bảo rằng không có giới hạn nào bị cắt ngang qua một cách vô tình.

Cho người ấy một thời hạn

Bạn không nhận được tin tức gì từ họ trong vòng một vài tuần, hoặc vài tháng và đã quá mệt mỏi vì phải chờ đợi? Hãy đưa cho họ một tối hậu thư. Ví dụ: Bạn có thể gửi cho họ một tin nhắn yêu cầu họ gọi điện hoặc nhắn tin trong tuần tới; hoặc bạn sẽ cho rằng mối quan hệ đã kết thúc. Điều này có vẻ khắc nghiệt nhưng nó có thể khiến bạn thoải mái hơn.

Đừng tự đổ lỗi cho bản thân

Bạn không có bằng chứng hoặc bối cảnh nào để kết luận lý do tại sao người kia rời bỏ mối quan hệ. Vì vậy, đừng tự hạ thấp bản thân và khiến mình bị tổn thương thêm về mặt tâm lý.

Đừng vượt qua bằng cách lạm dụng chất kích thích

Đừng cố gắng vượt qua nỗi đau bằng rượu hoặc các chất kích thích, gây nghiện khác. Những "cách khắc phục" này chỉ mang tính tạm thời và bạn có thể thấy mình phải đương đầu với những cảm giác khó khăn sau này vào thời điểm khác, chẳng hạn như trong mối quan hệ tiếp theo.

Dành thời gian cho gia đình, bạn bè

Tìm kiếm sự đồng hành của những người mà bạn tin tưởng, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau. Khi ở trong các mối quan hệ lành mạnh, tích cực có thể giúp bạn nhìn nhận và vượt qua việc bị ghosting.

Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp

Đừng ngần ngại khi phải liên hệ với chuyên gia trị liệu hoặc chuyên gia tư vấn, những người có thể giúp bạn nói rõ ràng những cảm xúc phức tạp mà bạn có thể có. Họ cũng có thể cung cấp cho bạn những phương pháp cần thiết để bạn trở nên mạnh mẽ hơn.

***

Ghosting vốn không phải là một xu hướng, nhưng sự tiện ích của cuộc sống trực tuyến đã khiến việc kết nối trở nên dễ dàng hơn; và theo mặc định, người ta cũng có thể kết thúc mối quan hệ một cách chóng vánh.

Bạn cần nhớ rằng: Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn được đối xử. Từ chối hay kết thúc một mối quan hệ có thể khó khăn và đôi khi thật đau đớn, nhưng đối xử tử tế và tôn trọng với mọi người có thể giúp bạn không phải hối tiếc khi bước tiếp trong mối quan hệ này và cả những mối quan hệ tiếp theo.