Cô giám đốc đại diện Dale 27 tuổi
Đó là cô giáo đã vượt qua hơn 30 doanh nghiệp để trở thành đại diện cho thương hiệu Dale Carnegie Training (Tổ chức đào tạo và phát triển của Mỹ, viết tắt: Dale) toàn cầu tại Việt Nam vào tháng 4 năm nay.
Cử nhân ngành ngữ văn Anh ĐH KHXH&NV TPHCM Nguyễn Trịnh Khánh Linh hoàn tất thêm chương trình thạc sĩ ngành quản trị dịch vụ quốc tế của ĐH London Metropolitan (Anh) trong một năm.
Nguyễn Trịnh Khánh Linh làm giám đốc điều hành Công ty I.M.A.C từ năm 2005, bước sang tuổi 27, làm giám đốc Công ty cổ phần Trường doanh nhân Đắc Nhân Tâm (ĐNT - Dale Carnegie Training Vietnam).
“Lãnh đạo” qua mail, điện thoại
Chị và đồng nghiệp đã làm thế nào để có thể vượt qua hơn 30 công ty cả nước và được Dale chọn?
Chúng tôi trao đổi thư từ qua lại liên tục với Dale và gửi kế hoạch kinh doanh chi tiết sang họ. Để ra một kế hoạch hoàn chỉnh, tôi được sự đóng góp ý kiến của nhiều đồng nghiệp giỏi, và chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều cuộc họp để cùng tìm ra tiếng nói chung, với tinh thần làm việc đồng đội cao nhất.
Sau hai tháng, Dale đã chọn hai doanh nghiệp, trong đó có chúng tôi, sang New York trực tiếp thuyết trình kế hoạch của mình. Bạn thử tưởng tượng: hội đồng quản lý lãnh đạo cấp cao của Dale ngồi đó và nghe mình thuyết trình chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ về một kế hoạch kinh doanh trong vòng bảy năm, bao gồm hoạt động, quản lý công ty, tài chính, marketing, bán hàng, các chương trình... Cơ hội chỉ có một lần trên đời, tôi đã nghĩ vậy!
Trước khi đi, tôi đã hỏi ý kiến một người bạn. Anh chỉ nói với tôi một câu: "Hãy qua bên đó và hãy thể hiện, chứng tỏ sự đam mê của mình, những cái mà mình tự tin!" Trong buổi thuyết trình, tôi đã làm như vậy.
Điểm mà ĐNT hướng tới trong quá trình thuyết phục Dale là gì?
Chúng tôi cam kết trong bảy năm sẽ đào tạo được 15.000-20.000 học viên cho thị trường Việt Nam. Chúng tôi phân tích với Dale: hiện Việt Nam có gần 250.000 công ty vừa và nhỏ, khoảng 6.000 công ty đa quốc gia. Chúng tôi xác định thị trường lớn của mình sẽ là các công ty vừa và nhỏ Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay công ty vừa và nhỏ Việt Nam vẫn chưa chú trọng dành ngân sách cho đào tạo, ngay cả ngân sách nhân sự cũng chưa được đưa vào chính sách, nên hiện tại 80% khách hàng của Dale sẽ là công ty nước ngoài. Nhưng các công ty Việt Nam đã bắt đầu rục rịch "tôi nên làm gì để những người giỏi ở lại với tôi?".
Tôi cho rằng một trong những cách giữ người là có chính sách đào tạo nhân sự.
Là giám đốc hai công ty, chị làm cách nào để đảm bảo được hiệu quả công việc?
Bạn hỏi đúng vào "điểm nóng" của tôi! Cùng một lúc làm hai công việc thì chắc chắn sẽ có sao nhãng một trong hai. Đôi khi phải biết chấp nhận bị mất đi một vài mối quan hệ khi tập trung phát triển nhiều hơn một nơi.
Hiện tại tôi cố gắng sắp xếp thời gian để họp mỗi tuần một lần với các bạn và anh chị bên Công ty I.M.A.C. Nội dung chủ yếu là định hướng công việc, chiến lược hay những vấn đề nổi trội cần sự hỗ trợ, ra quyết định của mình. Nhưng phải nói phần lớn cuộc họp là dành thời gian thăm hỏi, động viên tinh thần làm việc của mọi người khi không có sếp ở bên.
Còn thường ngày tôi vẫn theo dõi công việc qua hệ thống email và điện thoại. Riêng những buổi làm việc quan trọng với khách hàng, tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian cùng tham dự với mọi người.
Lợi thế của người trẻ
Theo chị, bạn trẻ Việt Nam làm kinh doanh hiện nay đang thiếu, cần những kỹ năng cần thiết nào?
Sự tự định hướng, kỹ năng giao tiếp, đối nhân xử thế, nghệ thuật lãnh đạo, lòng tự tin và thái độ tích cực là những yếu tố sẽ mang lại thành công cho mọi người, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ. Tôi nghĩ sự hoàn thiện kiến thức và kỹ năng không phải của riêng bộ phận nào, nhưng người trẻ có lợi thế hơn vì họ còn trẻ.
Người trẻ có thể đào tạo người trẻ được không?
Tại sao lại không nhỉ! (cười)
Bản thân chị cũng là một người trẻ tham gia công tác đào tạo nhân lực, tính thuyết phục ở đâu?
Về vấn đề này, tôi xin lấy một khái niệm rất đơn giản của Dale Carnegie để minh họa. Khi làm bất cứ công việc gì để thành công và được người khác tin tưởng, chúng ta nên đảm bảo được ba yếu tố cần thiết:
1. Có đủ tư cách (thông qua sự kết hợp của kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và những trải nghiệm của bản thân)
2. Đầy lòng nhiệt tình và đam mê (trong những công việc mà chúng ta làm).
3. Đem và truyền được cảm hứng cho những người xung quanh, khuyến khích họ cùng nỗ lực góp sức tham gia. Việc đào tạo cũng không nằm ngoài ba yếu tố này.
Đối với người trẻ tuổi, những yếu tố này, đặc biệt (2) và (3) là lợi thế. Rồi người trẻ bây giờ lại có lợi thế về tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm đi đây đi đó, hòa nhập quốc tế nhanh; có nhiệt tình, đam mê sẽ dễ truyền "lửa"... Riêng phần trải nghiệm của người trẻ, làm nhiều sẽ có nhiều trải nghiệm.
Cảm ơn chị!
Theo Lê Quỳnh
Tuổi Trẻ