Cô gái Việt làm tiếp viên hãng hàng không quốc tế 5 sao

Vũ Nguyễn Phương Nhi (sinh năm 1992, cựu sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) hiện là tiếp viên của hãng hàng không 5 sao Emirates (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất). Cô chia sẻ kinh nghiệm để trở thành tiếp viên hàng không quốc tế và những điều thú vị về công việc này.

Thành công vì không hoàn hảo

Emirates là hãng hàng không đẳng cấp 5 sao, “lò” đào tạo tiếp viên hàng không lớn nhất thế giới. Nhiều bạn trẻ Việt Nam mơ ước được trở thành nhân viên của hãng nhưng lại lo lắng về yêu cầu tuyển dụng. Phương Nhi chia sẻ, cánh cửa dẫn đến Emirates không khó khăn như nhiều người mường tượng, hiện tại, đã có nhiều bạn trẻ Việt Nam đang làm việc tại hãng.

Phương Nhi thú thật, cô bạn chỉ học đến năm thứ ba đại học, ngành Xã hội học, vì cảm thấy không phù hợp. Sớm nhận ra bản thân có thế mạnh về ngoại ngữ, yêu thích giao tiếp, xê dịch nên cô quyết định thi tuyển vào SASCO – công ty Dịch vụ sân bay Tân Sơn Nhất: “Thực sự, lúc đó, mình không hề biết đến Emirates, phải nhờ một chị đồng nghiệp giới thiệu. Chị ấy đã từng ứng tuyển vào hãng này nhưng không thành công. Trong quá trình làm việc chung, chị ấy quan sát thấy khả năng tiếng Anh của mình tốt nên động viên mình đăng ký thi”.

Phương Nhi cho biết, khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm trong 8 tháng làm việc tại SASCO là 2 yếu tố chủ chốt tạo nên thành công trong buổi phỏng vấn với hãng hàng không Emirates. Vì công ty tuyển dụng ứng viên từ rất nhiều quốc gia nên chắc chắn sẽ có những ứng viên xuất sắc về chuyên môn.

Bí quyết của Nhi là không quá nghiêm nghị lúc trả lời phỏng vấn mà giữ cách giao tiếp chân thành, thẳng thắn. Gương mặt biểu lộ sự vui tươi để tạo thiện cảm; nhìn thẳng vào mắt nhà tuyển dụng để bộc lộ bản lĩnh, sự trung thực.


Vũ Nguyễn Phương Nhi trong trang phục tiếp viên hàng không của hãng Emirates.

Vũ Nguyễn Phương Nhi trong trang phục tiếp viên hàng không của hãng Emirates.

Theo Phương Nhi, có hai phần quan trọng nhất để các bạn trẻ ghi điểm với Emirates, đó là “teamwork” (làm việc nhóm) và phỏng vấn riêng với nhà tuyển dụng. Đối với “teamwork”, cô quan sát và nhận ra, đa số các bạn có năng lực và kinh nghiệm “chinh chiến” đều luôn muốn thể hiện bản thân mình mà quên đi yếu tố đội nhóm. “Giỏi là yếu tố cần nhưng biết cách làm việc tập thể mới là yếu tố đủ”, Nhi bộc bạch.

Vì vậy, khi được phỏng vấn phần “teamwork”, ứng viên nên thể hiện quan điểm cá nhân một cách chân thành, đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu, không bác bỏ, công kích ý kiến của ai. Đặc biệt, ứng viên phải biết điều chỉnh tông giọng vì làm việc trong môi trường quốc tế, đa ngôn ngữ, nếu không kiểm soát được tông giọng, bạn dễ bị hiểu lầm là đang lớn tiếng và gây mâu thuẫn.

Về phần phỏng vấn riêng, Nhi khuyên: “Muốn đạt được kết quả cao, bạn nên trả lời sự thật, vì chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ đào sâu vấn đề vừa hỏi. Họ là chuyên gia nhân sự quốc tế nên dễ dàng nhận biết ứng viên đang nói thật hay chỉ là “làm màu”.

Như trường hợp của Phương Nhi, nhà tuyển dụng hỏi rất kỹ về thế mạnh làm việc ở mảng dịch vụ khách hàng của cô. Họ hỏi về những khó khăn và những vấn đề cô gặp phải trong thời gian làm việc: “Mình đã trả lời chân thật những gì mình làm tốt và làm chưa tốt và nhấn mạnh những khuyết điểm sẽ không lặp lại. Nhà tuyển dụng không tìm những người hoàn hảo. Họ tìm những người có khả năng nhận ra khiếm khuyết và biết cách làm tốt hơn ở những lần sau”.

Trong thời gian Phương Nhi làm việc tại Emirates, công ty luôn nhắc nhân viên rằng: “We are human, and human makes mistakes” (Chúng ta là con người và tất cả con người đều mắc lỗi). “Đừng che giấu khuyết điểm của bản thân mà hãy nói ra và cố gắng thay đổi nó!” là điều lớn nhất Phương Nhi học được.

Ưu đãi “khủng”

Phương Nhi cho biết: “Các tiếp viên hàng không Emirates nhận được rất nhiều ưu đãi “khủng”, như được cung cấp chỗ ở miễn phí trong các tòa nhà lớn ở Dubai, với đầy đủ các tiện nghi và xe đưa đón miễn phí từ chỗ ở đến sân bay.

Nếu nhân viên của hãng muốn tự thuê nhà, sẽ được công ty trợ cấp một số tiền nhất định mỗi năm. Mọi người còn nhận một tấm thẻ ưu đãi giảm giá tại hơn 100 cửa hàng bán lẻ, khách sạn và các cửa hàng ăn uống, giải trí ở Dubai và một số nơi thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Cả người thân, gia đình của tiếp viên cũng được sử dụng các ưu đãi”.


Phương Nhi tốt nghiệp lớp đào tạo tiếp viên hàng không hạng thương gia của Emirates.

Phương Nhi tốt nghiệp lớp đào tạo tiếp viên hàng không hạng thương gia của Emirates.

Phương Nhi chia sẻ: “Để được hưởng các ưu đãi, các tiếp viên hàng không phải trải qua rất nhiều khóa huấn luyện đặc biệt nghiêm ngặt và kiểm tra thường xuyên mỗi năm”. Khoá huấn luyện tập trung 90% vào an toàn bay, sơ cấp cứu… còn phần huấn luyện dịch vụ chỉ chiếm 10%.

Quan trọng nhất là các bài kiểm tra lý thuyết và xử lý tình huống thực tế. Nếu không thi đậu, ứng viên sẽ phải về nước. Khóa huấn luyện kéo dài ròng rã 7 tuần. Tiếp viên hàng không phải học về các loại máy bay Boeing và Airbus, về các chức năng, cách nhận biết, sử dụng các thiết bị an toàn bay, các hệ thống hỗ trợ sơ tán khi gặp sự cố… Sau đó là kiến thức an ninh hàng không, huấn luyện y tế cơ bản và cuối cùng là dịch vụ.

Không nhàn hạ như nhiều người nghĩ

Nhiều người vẫn nghĩ, nghề tiếp viên hàng không nhàn hạ nhưng theo Phương Nhi, nghề tiếp viên hàng không không chỉ đối mặt với rất nhiều nguy hiểm về an toàn bay mà còn vất vả ở mảng dịch vụ. Những tình huống oái ăm về mặt dịch vụ khách hàng xảy ra thường xuyên. Các hành khách phải di chuyển trên những chặng bay dài nên họ thường rất mệt mỏi và dễ cáu gắt nên tiếp viên rất cần ứng xử linh hoạt, kiên nhẫn.

“Có một lần, mình chuẩn bị bay từ Dubai sang Bắc Kinh. Sau khi kiểm tra độ an toàn của tàu bay, cơ trưởng thông báo có vấn đề với động cơ. Chuyến bay bị hoãn gần 3 tiếng. Khi khách hàng lên tàu bay, ai cũng cau có và khó chịu. Một vị khách hạng thương gia lớn tiếng với mình, hỏi vì sao lại “delay” lâu, làm lỡ việc riêng của họ.

Thực tế, khi bị “delay”, tiếp viên cũng phải ở trên tàu bay chờ, tuyệt đối không được ngủ. Nhưng vì công việc nên mình vẫn kiên nhẫn nghe họ quát nạt và sau đó, nhẹ nhàng giải thích dần cho khách hiểu rằng, tuy bay trễ nhưng bảo đảm an toàn ưu tiên số 1.

Lúc đó, khách cũng nguôi ngoai và cuối chuyến bay, ông ta đến xin lỗi mình vì đã lỡ nặng lời”, Phương Nhi kể. Cô luôn tin rằng, sự chân thành, từ tốn là chìa khóa thành công khi chăm sóc khách hàng.

Theo Nguyên Nguyên

Sinh viên Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm