Cô gái “phù thủy” biến gạo thành tranh
Những bức tranh được làm bằng hạt gạo, do Đặng Thị Thúy Kiều (25 tuổi, trú tại thôn 1, xã Hòa Bình, TP Kon Tum) nghiên cứu và nhân rộng, mang lại đời sống khác của hạt gạo Việt Nam.
Phòng tranh giữa làng
Sinh ra trong gia đình thuần nông, từ nhỏ Kiều đã có tình cảm đặc biệt với hạt gạo. Tốt nghiệp Khoa Thiết kế Truyền thông đa phương tiện (Trường CĐ Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai), Kiều tập trung cho việc lên ý tưởng phòng tranh và bắt tay vào thiết kế các tác phẩm mang đậm nét Tây Nguyên, khởi nghiệp với niềm đam mê nghệ thuật làm tranh gạo.
Kinh tế gia đình khó khăn, chưa có xưởng riêng, Kiều mượn phòng khách trong căn cấp bốn của gia đình làm nơi trưng bày những tác phẩm nghệ thuật với nhiều kích cỡ và chủ đề khác nhau. “Mình nghĩ chính điều này lại làm nên nét đẹp riêng, bởi vì hiếm khi có một phòng tranh ngay giữa làng quê nghèo”, Kiều tâm sự.
Kiều say mê nói, gạo khi rang với thời gian nhất định sẽ cho ra nhiều sắc độ đẹp mắt, từ trắng trong chuyển sang trắng sữa, trắng ngà, vàng mơ, vàng đậm, nâu nhạt, nâu đậm, nâu đen, đen, đen mun… Vậy nhưng vẫn còn nhiều sắc độ mà Kiều cho biết vẫn chưa khám phá hết.
Đây là công đoạn quan trọng nhất và khó nhất trong quy trình làm tranh với chất liệu tự nhiên này, làm sao để hạt gạo không bị nở bung, gãy, cháy và phải cho ra màu đẹp.
Có khi Kiều phải mất đến 3 tiếng đồng hồ liên tục đứng bên bếp đảo luôn tay để cho ra một mẻ gạo như ý. Điều thú vị là tất cả những sắc độ kể trên đều được xếp vào nhóm gam màu nóng. “Đều là màu nóng mà cho ra được một bức tranh hài hòa là cả một nghệ thuật”, Kiều chia sẻ.
Chỉ cần nhìn cách phối màu, những người biết thưởng thức sẽ có thể đánh giá được tay nghề và trình độ thẩm mỹ của người sáng tạo ra tác phẩm. Kiều cho biết, quy trình làm một bức tranh gạo bắt đầu từ việc chọn hình ưng ý, sau đó canh tỷ lệ và vẽ lại trên giấy cứng hoặc ván ép, chọn màu gạo và “đi” gạo lên bức vẽ đã được phết keo sữa, cuối cùng là phun PU (PU là loại polymer có khá nhiều ứng dụng trong cuộc sống, được dùng làm vecni để đánh bóng và bảo vệ các thiết bị, dụng cụ dễ vỡ).
để bảo quản tranh tốt hơn. Người nghệ sĩ ngoài việc chọn màu gạo còn phải biết lúc nào thì “đi” gạo đứng, lúc nào đặt gạo nằm, khi nào dùng gạo nguyên hạt và ở đường nét nào thì dùng gạo tấm…
Gần một năm gắn với niềm đam mê tranh gạo, Kiều đã hoàn thành hàng trăm tác phẩm với nhiều kích cỡ, chủ đề tranh cũng khá phong phú như: Thư pháp, phong thủy, phong cảnh, đặc biệt là tranh về đề tài Tây Nguyên với những Lễ hội, Chiều trên buôn, Nhà thờ gỗ Kon Tum…
“Một họa sĩ chuyên nghiệp sẽ mất 3 ngày để hoàn thiện một bức tranh khổ 30x30cm, 10 ngày cho một bức tranh khổ 80x100cm. Riêng đối với tranh lớn hoặc chân dung, thời gian làm có khi từ vài tuần đến cả tháng”, Kiều nói.
Mang tranh gạo Việt sang Mỹ
Không dừng lại ở việc sáng tác tranh, gần một năm làm nghề, Kiều đã đào tạo cho khoảng 10 bạn trẻ làm tranh gạo. Cô cũng cộng tác với các tu viện trên địa bàn tỉnh nơi nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi để dạy nghề cho các em. “Hiện tranh của tôi đã được xuất khẩu cho một tổ chức từ thiện nhỏ ở Mỹ… Tôi mong được dạy nghề cho những người cùng chí hướng để tranh gạo có thể vươn xa hơn nữa”, Kiều cho biết.
Tại nhà thờ Tân Phú (TP Kon Tum), sơ Nguyễn Thị Chiến, được Kiều đào tạo nghề và hiện đang truyền cho các em nhỏ sống trong nhà thờ cho biết: “Hiện nay, nghệ thuật làm tranh gạo đang có xu hướng phát triển để đào tạo cho các em có được nghề cũng cần nhiều thời gian và sự tâm huyết. Hy vọng trong tương lai nghệ thuật làm tranh gạo sẽ vang xa”.
Theo đuổi làm tranh gạo, đối với Kiều thành công lớn nhất chính là góp phần làm thêm giá trị mới cho hạt gạo quê nhà. Tôi luôn tâm huyết đưa gạo thành tranh, tôn vinh những người nông dân đã làm ra những hạt gạo cho quê hương”, Kiều tâm sự.
Năm 2012, bộ tranh có tên Lễ hội gồm 4 bức của Kiều đã được chọn tham gia triển lãm tranh do Câu lạc bộ Mỹ thuật trẻ Gia Lai tổ chức và triển lãm mỹ thuật khu vực 5 tại Quảng Ngãi (khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên) do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. |
Theo Cẩm Kỳ
Tiền phong