Cô gái Nhật mải mê với sơn mài Việt

(Dân trí) - Lối nói chuyện nhè nhẹ một cách thủng thẳng khiến câu chuyện làm quen qua điện thoại của tôi với Saeko tựa như chả có chuyện gì để nói với nhau. Thấy tôi có vẻ thất vọng, một hoạ sĩ Hà thành vỗ vai: “Thế mà nó có tình yêu mãnh liệt ở Việt Nam lắm đấy!”…

Tình yêu sét đánh với… sơn mài

 

Hoá ra lối nói chuyện nhẹ như mưa rơi của cô gái Nhật này lại chỉ có trên điện thoại. Gặp mặt, khơi đúng mạch là câu chuyện tuôn ra rào rào.

 

Saeko Ando sinh ra ở thành phố Nagoya (miền Trung nước Nhật Bản), nuôi ước mơ ca sĩ từ nhỏ. Tốt nghiệp Đại học Waseda khoa Văn Hoá Nhật và triết học Phương Đông, cô gái này chuyển sở thích sang làm diễn viên điện ảnh. Rồi chả biết thế nào, cô lại có hai năm làm tiếp viên của hãng Hàng không Nhật Bản.

 

Năm 1995 Saeko Ando đến Việt Nam. Có chút vốn hiểu biết về nghệ thuật sơn mài của Nhật Bản, việc đầu tiên khi đặt chân đến Việt Nam cùa cô gái này là la cà trên những con phố chuyên bán thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội.

 

“Cảm giác ban đầu là… thất vọng ghê gớm. Ngay ở Nhật là nơi mà người ta chỉ dùng sơn mài làm đồ gia dụng trang trí thì tranh sơn mài của Việt Nam cũng không được đánh giá cao. Sơn mài Việt ở Nhật Bản hầu hết là hàng xách tay của khách du lịch, chất lượng “ẩm ơ” lắm”.

 

Lạ nhỉ, ẩm ơ sao cứ sán vào?” - “Cũng chả biết. Run rủi thế nào một người bạn Việt Nam giới thiệu đến hoạ sỹ Trịnh Tuân. Cũng định học một lớp sơ cua thôi, nhưng được ít ngày mới ngã ngửa người ra. Hoá ra nghệ thuật sơn mài của Việt Nam phải thế này cơ. Vậy là kết luôn từ đó”...

 

“Tiếc rằng chỉ được một thời gian ngắn, nghệ sĩ Trịnh Tuân bắt đầu bận rộn với những dồn dập triển lãm ở trời Âu. Không lẽ đang mê thế này mà chịu đứt ngang giữa đường, sao đành, mình lại tìm đến người thấy mới: hoạ sĩ Bùi Tuấn Thanh. Trước đó, Saeko chỉ biết ông là nghệ sĩ sơn mài lão làng của Hà Nội…” - Saeko kể.

 

Tiếp tục những ngày tháng sáng dắt xe ra đi, tối dắt xe về. Cả ngày dán mắt vào tranh sơn mài mãi mà chẳng thấy chán. “Càng học lại càng thấy mình chưa biết gì. Một thời gian sau, thầy Bùi Tuấn Thanh thấy được nguyện vọng của mình, ông dắt tay mình đến nhà nghệ nhân Doãn Chí Trung. Ông ấy bảo: “Đây, tôi dắt cho ông một học trò cưng của tôi”.

 

Thầy Trung nhận. Mình tiếp tục được một người thầy tuyệt vời truyền dạy những điều với mình là… trên cả tuyệt vời: đầy đủ các kỹ thuật sơn mài truyền thống cũng như các kỹ thuật từ làm thợ đến bậc nghệ nhân ông đúc kết được. Nhờ đó, Saeko mới có một cái nhìn đầy đủ về sơn mài, từ làm sơn, đánh sơn, làm vóc, thí, bó, vẽ, mài…

 

Saeko có thể tự mình làm mọi bước chứ không chỉ đơn thuần vẽ dựa trên các công đoạn mà người thợ đã làm sẵn như nhiều hoạ si vẽ sơn mài Việt Nam vẫn làm.

 

Lớp học đa quốc tịch

 

Những bức tranh sơn mài mà chị trưng bày tại Gallery Cây Sơn có những nét khá lạ, hình như nó không được truyền thống Việt lắm thì phải?” - “Đúng rồi, vì mình là người Nhật, chả nhẽ lại làm y hệt người Việt. Nhưng đó là những gì tinh tuý nhất qua hơn 10 năm học sơn mài Việt, kết hợp cùng một vài ưu điểm của sơn mài Nhật Bản của mình”.

 

Lại nói đến Gallery Cây Sơn. Đây là một thế giới sơn mài riêng do chị và một số đồng nghiệp người Việt cùng tổ chức. Đó cũng là nơi Saeko và những tác phẩm của chị là sự kết hợp hài hòa, tinh tế những nét nghệ thuật đặc sắc, độc đáo giữa hai nền sơn mài Việt - Nhật. Quan trọng hơn, chị được truyền thụ lại những hiểu biết cũng như niềm đam mê vẻ đẹp của sơn mài Việt Nam cho nhiều người khác thông qua lớp học do chị là giáo viên “trực tiếp” đứng lớp.

 

Học trò của Saeko có quốc tịch khắp nơi trên thế giới. Mỗi lớp học được mở ra không giới hạn thời gian. Có người chỉ có một tháng du lịch ở Việt Nam, đăng ký học với Saeko một tuần cho biết sơ lược về sơn mài Việt. Có người học từ năm này qua năm khác, đã tự làm được những bức tranh từ chất liệu truyền thống…

 

Một buổi học ở Cây Sơn trong ba giờ đồng hồ hiện có học phí khoảng 10 - 15 USD. Seako có biết đó là cái giá “cắt cổ” với phần đông người Việt?” - “Đó là chi phí cho nguyên liệu và dụng cụ đạt chất lượng tốt nhất. Sơn đặt mua tận Phú Thọ. Dụng cụ do giáo viên chọn và được sửa tận xưởng. Với Saeko, lớp học được mở ra đồng nghĩa với việc sơn mài Việt được giới thiệu và phổ cập cho nhiều người từ nhiều nơi trên thế giới. Qua đó sẽ có nhiều người đánh giá đúng vẻ đẹp của sơn mài Việt.

 

Mình cũng biết với giá tiền như thế rất khó khăn cho học trò Việt nên thời gian tới Saeko sẽ tham gia giảng dạy về nghệ thuật sơn mài tại một trường dạy trẻ khuyết tật ở Hà Nội. Nhưng Saeko chưa dám tiết lộ tên ngôi trường đó đâu. Khi nào Saeko làm được gì cho các em nhỏ đó, Saeko mới dám tiết lộ thông tin…”

 

Phúc Hưng