Cô gái khuyết tật và chuyện luôn có bao cao su phòng thân
(Dân trí) - Từng nhiều lần bị xâm hại trong quá khứ, cô gái trẻ khuyết tật ở chân Lê Thị Thơm đã mạnh dạn kể lại những đau thương để cảnh bảo về nguy cơ bị xâm hại của người khuyết tật.
Người bị khuyết tật bị xâm hại – Nói không ai tin
Trong nhiều chương trình về phòng chống xâm hại tình dục gần đây ở TPHCM, sự xuất hiện của cô gái Lê Thị Thơm, bị khuyết tật ở chân tạo được sự chú ý. Thơm mạnh dạn kể về quá khứ nhiều lần bị xâm hại và thoát hiểm ngoạn mục nhưng nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai.
Thơm từng nhiều lần bị xâm hại trong quá khứ. Lần đầu tiên vào lớp 5, khi Thơm chưa biết thế nào là xâm hại, người đàn ông làm công cho ba ôm Thơm, tay chân đòi sờ soạng... Thơm rất khó khăn để tìm cách thoát khỏi tay “yêu râu xanh”. Nhiều khi người này còn cưng nựng, ôm hôn Thơm trước mắt mọi người và ai cũng bảo... chú ấy thương con nít.
Năm 18 tuổi, Thơm bị một ông già 70 tuổi vào tận phòng ngủ quấy rối, tấn công. Lão ta ôm siết lấy cô gái, ôm eo, gọi tên... mà nghĩ lại Thơm vẫn thấy nghẹt thở và kinh tởm. Thơm đã khéo léo đưa tay đỡ, giả vờ nói chuyện để đánh lạc hướng và thoát thân.
Lần gần nhất cách đây hơn 2 năm, Tết năm 2015, Thơm bị một người bạn thân của cô mình – người cô luôn ca ngợi tốt bụng, đức độ lao đến ôm, nói những lời tục và sàm sỡ.
Cho dù may mắn thoát khỏi tay kẻ xấu nhưng ký ức đọng lại trong cô gái vẫn là sự ghê tởm kẻ ác và thấp thoáng nỗi đau vì sự chủ quan của người lớn, cha mẹ... Nhất là mọi người thường nghĩ người khuyết tật không bị xâm hại tình dục vì họ đáng thương, nào ai nỡ làm hại.
“Nhưng thật ra nguy cơ người khuyết tật, nhất là bạn nữ bị xâm hại rất nhiều vì họ yếu thế, ít có khả năng phòng vệ. Khi một người khuyết tật nói họ bị xâm hại, hãy tin họ”, Thơm nói đầy tha thiết.
Luôn mang theo bao cao su trong người
Vì đâu Thơm mạnh dạn đứng trước mọi người kể về quá khứ bị xâm hại? Thật ra trước đó, Thơm đã kể những “bí mật đau thương” với cô giáo của mình là TS Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TPHCM) bằng một lá thư dài viết trên nhiều trang giấy.
Cô Thúy đã động viên Thơm lên tiếng, mời Thơm xuất hiện trong một số sự kiện về phòng chống xâm hại như tại tọa đàm “Rủi ro và thoát hiểm” tại đường sách Nguyễn Văn Bình, tại dự án “Đừng để con một mình” của ca sĩ Trang Pháp...
Trong lá thư viết cho cô giáo, sau khi kể lại những lần bị xâm hại và thoát hiểm, Thơm tiết lộ, bây giờ luôn cô để sẵn bao cao su trong ví, trong túi với lý do: nếu rơi vào tình huống xấu nhất, không thể thoát thân, cô sẽ bình tĩnh đưa bao cao su cho kẻ ác để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Ngoài ra, Thơm thấy mình có trách nhiệm lên tiếng báo động về nạn xâm hại, nhất là với nạn nhân là người khuyết tật. “Mình là người khuyết tật, tham gia vào nhiều hoạt động vì người khuyết tật, gặp nhiều bạn trong cộng động khuyết tật bị xâm hại và hiểu nỗi đau của họ. Nếu mình cũng sợ và im lặng ai sẽ lên tiếng thay mình?”, Thơm bộc bạch.
Thơm kể, Thơm biết có những cô gái tâm thần vẫn mang thai. Bạn bè của Thơm có những cô gái khuyết tật bị người khác tán tỉnh, dụ dỗ mang thai rồi bỏ rơi. Có trường hợp cô gái bị thiểu năng có bầu, gia đình đều nghĩ do mấy người thợ hồ làm ở các công trình nhưng cho đến khi đứa bé ra đời mới té ngửa đó là con của ông anh rể. Hắn ta đã xâm hại em vợ nhiều năm trời.
Thơm lên tiếng với mong muốn người thân, cộng đồng cần quan tâm, chú ý đến đời sống tình cảm, giới tính, nhu cầu của người khuyết tật nhiều hơn.
Cô không ngại nói rằng, họ khuyết tật nhưng nhu cầu được yêu thương, nhu cầu về tình dục... như bao người. Trong khi, mọi người chỉ mới để ý đến sức khỏe thể chất của người khuyết tật tạo nên khoảng trống lớn. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ họ dễ bị xâm hại.
Hoài Nam