Đó là cô gái Võ Thúc Hào (26 tuổi, ở thôn An Ngoại, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tây Sơn Tourist.
Võ Thúc Hào, sinh ra ở một xã khó khăn thuộc huyện vùng cao Vĩnh Thạnh, như bao đứa trẻ bình thường khác Hào sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Thế nhưng, may mắn đã không đến với em, khi chỉ 3 tháng tuổi, Hào mắc bệnh về ngoài da chữa trị không đúng bệnh nên bị nhiễm trùng biến chứng nặng.
Để cứu sống, các bác sỹ phải cắt bỏ các phần da thịt bị hoại tử khiến cơ thể của Hào về sau phát triển không được bình thường, cột sống bị vẹo, chân teo tóp đi lại khó khăn, rồi từ đó Hào trở thành người khuyết tật.
Võ Thúc Hào phát biểu tại buổi lễ thành lập Cty TNHH Du lịch Tây Sơn Tourist.
Hào ngậm ngùi kể lại: “Do em chỉ bị bệnh ngoài da, cha mẹ nghĩ bệnh thường nên mời các thầy lang vườn chữa trị nhưng bệnh không khỏi mà ngày càng nặng, nhiều phần da thịt đang chết dần.
Lúc này bố mẹ lo lắng mới đưa em đến bệnh viện khám thì các bác sĩ nói em bị nhiễm trùng nặng khiến da bị hoại tử phải cắt bỏ thì mới sống được. Thấy em còn nhỏ mà phải chịu nỗi đau về thân xác, nên bố xin bác sỹ cắt da mình để đắp cho em, nhưng không thể được vì tế bào của em còn quá non không thể tiếp nhận được da thịt người lớn”.
Đang ngồi trò chuyện bỗng Hào dừng lại, đôi mắt sáng long lanh hiện rõ bao hy vọng và niềm tin mảnh liệt về một tương lai sáng ở phía trước, Hào tiếp tục câu chuyện với giọng cảm thông: “Nghe mẹ kể lại, lúc em bị bệnh thầy lang dùng kim châm chưa khử trùng chích vào cơ thể gây nhiễm trùng nên em mới ra nông nổi này.
Nhưng em nghĩ, cuộc sống không quá bất công với riêng một ai cả, họ mất cái này thì sẽ được cái kia. Nếu luôn cố gắng, có niềm tin, bên cạnh đó có sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình, bạn bè em tin những người khuyết tật như em sẽ có thể tự đứng lên bằng chính sức lực của mình”.
Hào luôn nỗ lực trong mọi công việc.
Cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, đến tuổi đi học, khát khao được đến trường, nhìn các bạn nhỏ trong xóm tung tăng, vui đùa nhưng với đôi chân teo tóp khiến Hào không thể đi lại được.
Để đến trường bố mẹ và anh trai phải thay phiên cõng Hào đến trường. Rồi việc gì đến sẽ đến, học hết cấp 1, cấp 2, 3 rồi mơ ước vào đại học nhưng càng học lên sự tự ti, mặc cảm với bạn bè lại càng lớn bởi Hào luôn cảm thấy mình vô dụng.
Thương Hào, nên vừa học hết cấp 3, vợ chồng ông Võ Công Thọ và bà Phạm Thị Thảo, cha mẹ Hào quyết định đưa Hào đi bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định chữa trị với hy vọng Hào khỏi bệnh.
Tuy nhiên, các bác sỹ cho biết, bệnh của Hào không phẫu thuật được nữa, nếu mổ thì tỷ lệ chết sẽ nhiều hơn sống, mà nếu bị ảnh hưởng đến thần kinh có sống cũng ngồi xe lăn hoặc có khi chỉ còn sống như thực vật.
Ngày thành lập công ty được đông đảo người thân, bạn bè về dự.
Thất vọng nhưng không tuyệt vọng, trở về nhà với bao ấp ủ giảng đường đại học, Hào lao vào học ngày, học đêm để chứng minh mình không phải là người vô dụng. Năm đó, Hào đâu vào khoa Kinh tế, ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Quy Nhơn.
Trải qua 4 năm đại học phải sống xa nhà, xa bàn tay chăm sóc của bố mẹ nên cuộc sống trở nên vát vả nhưng vất vả bao nhiêu lại giúp Hào hiểu hơn về giá trị đích thực của cuộc sống và Hào đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn rào cản của tự ti, mặc cảm bấy lâu nay.
“Lúc em quyết định thi đại học, dì em khuyên ở nhà, có học thì cũng không làm gì được. Đến khi em chọn thi ngành kinh tế, ai cũng nói ngành này cần thể hình phải cao đẹp mới được. Thế nhưng bố mẹ động viện cứ học ngành gì mà mình thích, có sự động viên đó, em tự tin nhiều hơn”, Hào tâm sự.
Sau 4 năm đại học, ra trường chưa có tìm được việc làm, thời gian đó Hào mới biết đến cơ sở Nguyễn Nga nơi nuôi dạy, chăm sóc người khuyết tật. Học nghề, sinh hoạt ở đây một thời gian được tiếp xúc với nhiều bạn cùng cảnh ngộ, trong đó có nhiều tấm gương tốt đáng học tập đã giúp Hào hiểu hơn về giá trị cuộc sống.
Bên cạnh đó, sự quan tâm động viên từ phía gia đình, giúp đỡ của bạn bè, Hào nung nâu suy nghĩ phải làm một việc có thể giải phóng mình khỏi sự lệ thuộc vào người khác, bớt gánh nặng cho gia đình, đồng thời có thể giúp đỡ những người bạn cùng cảnh ngộ.
Làng dệt thổ cẩm Hà Ri (huyện Vĩnh Thạnh) một điểm đến trong tour du lịch của công ty.
Ngày 5/7/2012, Công ty TNHH Du lịch Tây Sơn Tourist chính thức thành lập (ở thôn An Ngoại, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh) nơi Hào sinh ra cùng hai người bạn đều bị khuyết tật quản lý công ty.
Khi được hỏi sao Hào không chọn nghề nào thích hợp hơn với chuyên môn đã học, Hào cho biết: “Ngay tại nơi em sinh ra có những địa danh đẹp, các làng nghề truyền thống như: làng nghề dệt thổ cẩm, làng bánh tráng Vĩnh Cửu, nghề đan lát, rượu cần,… đang dần bị mai một đi.
Vì vậy, từ khi vào sinh viên, em đã có ý tưởng phát triển một tuyến du lịch nông thôn, vừa để lưu giữ lại nét văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc, vừa quảng bá hình ảnh về quê hương, đất nước con người Bình Định. Đồng thời, tạo cho mình một công việc ổn đinh tự nuôi bản thân lại có thể để giúp đỡ những bạn cùng cảnh ngộ, tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng mà không xin việc làm được”. Nói về dự định trong tương lai, Hào tâm sự: “Do Công ty mới thành lập còn chưa có nhiều người biết đến nên trước mắt chúng em phải tập trung nhân lực, tìm đối tác. Đến nay có nhiều khách quen gọi điện đặt vé đi tour, nhiều người ủng hộ. Khi công ty hoạt động hiệu quả, em mong ước sẽ lập quỹ từ thiện để giúp chữa trị cho những trẻ em nghèo. Đến khi về già em mong muốn được hiến tặng cơ thể mình cho những bệnh nhân nghèo cần thay thế những bộ phận trên cơ thể của mình”.
Ước vọng ấy có lẽ khá xa vời, chặng đường phía trước còn nhiều thử thách đòi hỏi sự kiên trì, cố gắng của Hào cùng các thành viên. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của người thân, bạn bè và toàn xã hội sẽ là chỗ dựa vững chắc để Hào đưa Công ty TNHH Du lịch Tây Sơn Tourist phát triển.
Doãn Công