Cô gái không được số phận nuông chiều
Dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng muốt và mái tóc dài tết xoã xuống bờ vai, dù số phận không nuông chiều người con gái xinh đẹp ấy, nhưng bù lại, Phan Thị Thương Hoài lại có một nghị lực phi thường.
Cha mẹ Hoài đều là công nhân viên chức đã nghỉ hưu, bố từng là cán bộ ngành bưu điện, mẹ là y tá, nhà tận Kỳ Sơn, huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An). Sinh được 4 người con, 3 đứa đầu đều lành lặn, học giỏi, thế nhưng ngày đứa con út Phan Thị Thương Hoài chào đời lại trở thành những chuỗi ngày bi kịch.
Sinh ra, một đứa bé non nớt không có ánh sáng của cuộc đời, quờ quạng tìm bú mẹ một cách bản năng đến tội nghiệp. Chạy chữa khắp nơi nhưng bác sĩ khám cho Hoài đều lắc đầu… Hoài cứ thế lớn lên trong những thiệt thòi của người không thấy được ánh sáng quanh mình.
Khát khao làm “người bình thường” cả về đời sống vật chất cũng như tinh thần đã thôi thúc Hoài gượng dậy, đối chọi với những gai góc của cuộc đời. Và đó là những cái ngày mà Hoài hóng hớt bên bàn học của anh trai, vểnh cái tai lên một cách thèm khát để nghe lấy cái chữ, và dù mắt không nhìn thấy, nhưng cô bé vẫn lần mò tìm đến quyển sách của anh mà gạch những dòng nguệch ngoạc lên đó.
Thấy con như thế, cha mẹ đau thắt lòng. Mù lòa, nhưng Hoài luôn khao khát được học, được trở thành người không vô dụng, không ăn bám và dựa dẫm, không cần sự thương hại.
Bước ngoặt cuộc đời đã diễn ra vào năm Hoài 11 tuổi, khi tỉnh hội người khiếm thị ở thành phố Vinh mở trường học dành cho trẻ khiếm thị. Khăn gói xuống núi, Thương Hoài hớn hở ra đi để tìm lấy cho mình con đường đi tới ánh sáng.
5 năm học chữ nổi Brai, Thương Hoài đã bộc lộ sự thông minh tuyệt vời và tinh thần khát khao học tập bằng những tấm giấy khen học sinh xuất sắc.
Tốt nghiệp cấp 1, về quê, gia đình chạy mãi cũng xin được cho Hoài vào học cấp 2 để hòa nhập cộng đồng. Lúc này cả trường THCS Kỳ Sơn chỉ có một học sinh khiếm thị duy nhất là Hoài, và cô bé cũng trở nên nổi tiếng với thành tích học tập của mình, học kỳ nào cũng đạt học sinh tiên tiến xuất sắc.
Cả trường biết đến một nữ sinh mù ngày nào cũng ngồi sau xe đạp của người mẹ để đến trường, tiếng gõ chữ Brai lộc cộc đầy lạ lẫm với các bạn cùng lớp.
Để có thể học hết cấp 2 tại một ngôi trường không phải dành cho người khiếm thị, ngoài nghị lực của bản thân thì công lao lớn nhất mà Hoài luôn mang ơn là người mẹ. Ngày mưa hay nắng, mẹ cũng quàng nilon rách bươm chở Hoài vượt đường đất 7 cây số đến trường, đêm về lại thức khuya 1, 2 giờ sáng ngồi để nghe con đọc và chép lại bài cho con. Cô bé tốt nghiệp THCS loại giỏi mà không nhờ một sự ưu ái hay thương hại nào khác.
Hoài có một quyết định dứt khoát trong đời: Sẽ đi dạy, nuôi sống bản thân rồi sẽ học tiếp khi có điều kiện. Là một hội viên năng nổ và nhiệt tình nhất của hội người khiếm thị huyện Tân Kỳ, năm học lớp 8, Hoài được huyện cử đi học lớp sư phạm chữ nổi Brai tại Trung ương Hội Người khiếm thị Việt Nam tại Hà Nội để về dạy cho con em địa phương.
Và 3 tháng học, Thương Hoài trở thành 1 trong 3 học sinh xuất sắc nhất khóa học. Từ ngày tốt nghiệp lớp sư phạm, em âm thầm học tập tiếp, trở thành một cô giáo dạy chữ Brai nổi tiếng của tỉnh hội người khiếm thị Nghệ An. Hằng ngày, Hoài lại lên lớp đem ánh sáng đến cho người khiếm thị khắp hai huyện miền núi của Nghệ An là Đô Lương và Tân Kỳ.
Năng lực và sự thông minh, Thương Hoài nhanh chóng hòa nhập và bắt nhịp cuộc sống, cô được cử đi học lớp công tác phụ nữ tại Hà Nội, rồi được bầu vào Ban chấp hành Hội người khiếm thị huyện Tân Kỳ, trở thành hội viên trẻ thành đạt và năng nổ nhất.
Thương Hoài còn có nhiều năng khiếu như: làm thơ, đàn ghita, hát nhạc trữ tình, cô lại còn viết bài gửi báo cộng tác cho các tờ báo dành cho người khiếm thị như tạp chí Đời Mới, Hương Đêm Xứ Nghệ...
Trên hành trình tìm ánh sáng, Thương Hoài là tấm gương nghị lực phi thường. Đối với cô, mong ước duy nhất là được làm người bình thường, và cô đã trở thành “một người bình thường” theo đúng nghĩa.
Hiện tại, Hoài đã có người yêu là một anh chàng cùng hoàn cảnh và đang tính chuyện xây dựng mái ấm. Còn bác Nguyễn Tam, Chủ tịch Hội người khiếm thị huyện Tân Kỳ thì hết lời khen ngợi Thương Hoài, và cho biết: “Sắp tới Thương Hoài sẽ thay bác làm Chủ tịch của Hội, khi tuổi đời mới chỉ 24”.
Theo Thái Bá Dũng
Tiền Phong