Cô gái Hà Nội mê hoạt động đoàn
(Dân trí) - Con một, nhà Hà Nội, cực kỳ sành điệu nhưng cũng rất thân thiện, hoạt động đoàn lại rất năng nổ và hiệu quả. Đó là Nguyễn Thuỳ Dung, người vừa giành giải nhất cuộc thi bí thư chi đoàn giỏi của trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.
Năng động và nhiệt tình nên Dung tham gia hoạt động đoàn từ nhỏ. Lên đại học, “như cá gặp nước”, Dung thả sức hoạt động và thể hiện mình. Là bí thư chi đoàn K38J1 Khoa Ngôn ngữ và văn hoá Phương đông, phó bí thư liên chi khoa Nhật, công việc không phải ít nhưng không bao giờ mọi người thấy Dung đứng chỉ tay năm ngón.
“Việc gì em cũng tham gia. Tuy không thể làm hết mọi việc nhưng không muốn mọi người nghĩ mình chỉ biết nói là không biết làm. Vừa làm vừa đôn đốc mọi người” - Dung cười.
Chẳng thế mà trong mỗi chương trình của khoa hay của trường, tìm Dung thật khó. Có lúc cô tham gia tập hát cùng đội văn nghệ (vì dù sao cũng là giọng ca vàng), lại làm đạo diễn kiêm diễn viên múa. Lúc khác lại thấy cô đang giúp mọi người cắt dán, trang trí sân khấu. Cả công việc in ấn tờ rơi và tổ chúc nội dung chương trình Dung cũng tham gia.
Đợt tình nguyện hè vừa rồi, Dung đăng kí cả hai “cua”: tiếp sức mùa thi và hành trình hướng về quê hương (đi tình nguyện ở tỉnh xa). Cả mùa tuyển sinh, Dung đứng phơi mặt ngoài đường, vừa giúp công an giao thông phân luồng vừa làm hướng dẫn viên chỉ đường cho thí sinh. Mới hết đợt thi, chưa nghỉ được mấy ngày, cô gái Hà thành này lại vác balô về những vùng quê nghèo ở Hưng Yên. Nhìn cô con gái cưng lúc nào cũng chỉ chực ra khỏi nhà, mẹ cũng chỉ biết hỏi: “Lại đi à con?”
Gần một tháng cùng ăn cùng ở, cùng làm việc với đội tình nguyên và người dân, Dung hiểu ra một điều: “Muốn hoạt động đoàn chỉ nhiệt tình thôi chưa đủ. Tất cả mọi người phải là một khối thống nhất, phải đoàn kết thì mới thắng lợi”.
Điều đó gần như trở thành tôn chỉ cho mọi cố gắng của Dung. Sau đợt tình nguỵện, hoạt động đoàn như thay da đổi thịt, ai cũng hăng hái và nhiệt tình hơn. Dung vẫn chạy như con thoi trong mọi hoạt động của khoa, của trường.
Nhớ lại hôm thi bí thư chi đoàn giỏi, Ban giám khảo vẫn ấn tượng về cô gái hát hay, múa dẻo, và đặc biệt với ý tưởng muốn nâng cao hiệu quả thực tế của công tác tập huấn đoàn, cô đã ẵm luôn cả giải nhất và giải “ý tưởng hay nhất”.
Thùy Dung chia sẻ niềm vui với mẹ. |
Dung tâm sự: “Mình cũng đã đi dự các buổi tập huấn. Nội dung tập huấn cho các cán bộ đoàn thì rất nhiều nhưng trên thực tế rất ít được áp dụng”. Theo cô, đoàn có thể tổ chức các cuộc thi cắm trại, nấu ăn, cắm hoa... Những hoạt động này vừa tập huấn kiến thức và kĩ năng cho cán bộ đoàn vừa thể hiện khả năng thu hút, vận động đoàn viên tham gia các hoạt động tập thể của cán bộ.
Khi được hỏi đang ấp ủ dự định gì, Dung khẳng định: “Ấp ủ thì nhiều. Nhưng việc đầu tiên là phải thành lập câu lạc bộ tiếng Nhật”. Với quyết tâm ấy, tối 29/3, câu lạc bộ tiếng Nhật đã ra mắt sinh viên ĐH Sư phạm Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội. Đối với mọi người có lẽ đây là một điều bình thường vì các câu lạc bộ ngoại ngữ đang phát triển mạnh ở nhiều khoa, nhiều trường. Nhưng đối với sinh viên khoa Nhật thì hoàn toàn không đơn giản.
Dung nói mà không giấu nổi chút tự hào nhưng cũng không khỏi lo lắng: “Khoa Nhật còn nhỏ bé lắm. Mỗi khoá chỉ vỏn vẹn 2 lớp trong khi khoa Anh có đến 18 lớp. Câu lạc bộ tiếng Nhật hôm nay cũng rất non trẻ so với các câu lạc bộ khác”. Ngay từ bây giờ, Dung và các bạn sẽ lại phải lo tổ chức các chương trình trò chơi, giao lưu, văn nghệ hay những cuộc thi tìm hiểu về đất nước Nhật Bản... cho câu lạc bộ để thu hút sinh viên.
Hoạt động quay như chong chóng nhưng đừng tưởng Dung không sắp xếp được thời gian học hành. Mỗi kì Dung vẫn đạt 8,0 đều đều. Cô lại còn “tham lam” nhận dạy thêm tuần 3 buổi cho một lớp tiếng Nhật trên đường Huỳnh Thúc Kháng. “Vừa dạy vừa luyện kiến thức cho mình thôi”.
Hỏi Dung: “Chạy suốt như thế không mệt à?”. Dung chỉ cười: “Đang thời kì sung sức mà. Còn cống hiến được bao nhiêu mình sẽ cố gắng. Sau này ra trường có muốn cống hiến cũng đâu phải dễ”.
Nguyên Hạnh