Cô gái chiến thắng bệnh hiểm nghèo để trở thành Thủ khoa ĐH

(Dân trí) - Mắc bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, ngày ngày cầm cự bằng thuốc, hàng tháng phải tới bệnh viện trị liệu, Nguyễn Bích Diệp vẫn đỗ đầu trường ĐH KHTN.

28 điểm khối B, 27 điểm khối A

Nhiều bạn học ngưỡng mộ Nguyễn Thị Bích Diệp vì đỗ Thủ khoa khối B trường ĐH KHTN – ĐH QGHN nhưng không phải ai cũng biết cô bạn này đang phải đấu tranh giành giật sự sống hàng ngày.

Sau khi đỗ đầu khối B với 28 điểm, Bích Diệp tiếp tục vượt qua kì thi kiểm tra của nhà trường để trở thành 1 trong 15 sinh viên lớp Tài năng Sinh học ĐH KHTN, Hà Nội.

Nguyễn Thị Bích Diệp và thầy giáo Bí thư trường

Nguyễn Thị Bích Diệp và thầy giáo Bí thư trường

Em cũng đồng thời đạt 27 điểm thi khối A, đỗ vào trường ĐH Ngoại thương, khoa Kinh tế đối ngoại. Tuy nhiên, Diệp đã chọn học ngành Sinh học vì niềm đam mê.

Là một học sinh giỏi môn Hoá của trường THPT Triệu Sơn 2, Thanh Hoá, Bích Diệp từng đoạt giải Nhì học sinh giỏi Hoá học của tỉnh. Tới khi thi đại học, cả hai lần thi khối A và B, em đều đạt điểm 10 môn Hoá.

Khi học cấp 3, Bích Diệp còn là một Bí thư chi đoàn gương mẫu, hai năm liền nhận giấy khen của Huyện đoàn Triệu Sơn về thành tích phát triển phong trào thanh niên.

Căn bệnh quái ác

Giữa học kì 1 năm lớp 12, trong giai đoạn ôn tập căng thẳng để chuẩn bị cho các kì thi, Nguyễn Thị Bích Diệp đột ngột đổ bệnh phải nhập viện.

Ròng rã suốt 47 ngày nằm viện, thuyên chuyển từ bệnh viện cấp huyện lên cấp tỉnh, cấp trung ương, em vừa đau đớn vừa canh cánh nỗi lo việc học dang dở.

Càng bàng hoàng hơn khi Diệp biết được mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo: Lupus ban đỏ hệ thống.

Vì mắc căn bệnh này, Diệp thường xuyên đau ốm. Việc học tập bị ảnh hưởng nhiều do hệ thống miễn dịch yếu, không cho phép hoạt động quá sức.

“Lúc đầu khi biết mình mắc bệnh em rất sợ và lo lắng. Nhưng nghĩ rằng mình phải cố gắng vì bản thân, cha mẹ và em rất muốn được đi học trở lại. Ở bệnh viện em chỉ nghĩ tới bài vở, thầy cô, bạn bè”, Diệp chia sẻ.

Từ sau khi mắc bệnh, cô bạn Thủ khoa phải thay đổi toàn bộ thói quen sinh hoạt, học tập. Em thường chỉ được học tới 10h tối, phải nghỉ ngơi sớm nếu không muốn nhập viện vì rối loạn miễn dịch.

Diệp hình thành thói quen đã cầm sách vở là tập trung hết mức, hoàn thành bài vở và ghi nhớ thật nhanh các công thức.

Bích Diệp và thầy giáo chủ nhiệm cấp 3

Bích Diệp và thầy giáo chủ nhiệm cấp 3

Diệp cảm thấy may mắn vì có gia đình, bạn bè và thầy cô luôn giúp đỡ. Nhất là những khi trời trở lạnh, em thường bị đau khớp không đi nổi, bạn bè thường ở bên giúp đỡ, đưa đón em đi học.

Gia đình nghèo lao đao vì con mang bệnh

Bích Diệp sinh ra trong một gia đình làm nghề nông. Cả nhà có 1 mẫu ruộng là nguồn thu nhập. Lao động chính trong nhà là mẹ em vì bố mắc bệnh gan, có thời điểm ông phải nằm viện cả năm.

Diệp còn có một người em trai cũng đang độ tuổi đi học. Trước khi mắc bệnh, Bích Diệp thường xuyên đỡ đần mẹ việc nhà cửa, đồng áng. Nhưng từ khi mang căn bệnh quái ác, em phải kiêng khem khổ sở, lại không thể giúp đỡ gia đình như trước.

Hàng ngày, Diệp phải dùng thuốc đặc trị và đều đặn tới bệnh viện tái khám, trị liệu. Do bệnh chưa có phương pháp điều trị triệt để nên cứ mỗi lần phát bệnh nặng, gia đình Diệp lại lao đao vì viện phí.

Thương mẹ cha, cô bạn Thủ khoa chỉ biết cố gắng học thật giỏi. Biết được hoàn cảnh khó khăn của em, Quỹ hỗ trợ và phát triển sinh viên – TW Hội sinh viên Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam đã quyết định trao học bổng Nâng bước thủ khoa để giúp đỡ Diệp. Cô bạn Thủ khoa sẽ trực tiếp nhận số tiền học bổng 10 triệu đồng vào ngày 15/10 tới đây.

Tân nữ sinh trường ĐH KHTN cho biết, em sẽ dùng số tiền học bổng nhận được để trang trải tiền học phí, sinh hoạt để đỡ đần cho cha mẹ trong thời điểm kinh tế gia đình khó khăn hiện nay.
 

Lupus ban đỏ hệ thống (tiếng Anh: Systemic lupus erythematosus, SLE hay lupus), là một bệnh tự miễn của mô liên kết, có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận cơ thể. Cũng như trong các bệnh tự miễn khác, hệ miễn dịch tấn công các tế bào và mô của cơ thể, gây viêm và hủy hoại mô.

Lupus ban đỏ hệ thống gây nguy hiểm nhiều nhất cho tim, các khớp, da, phổi, các mạch máu, gan, thận, và hệ thần kinh. Quá trình phát triển bệnh rất khó đoán trước, có những giai đoạn bị ốm xen kẽ với những giai đoạn phục hồi. Bệnh này phổ biến ở phụ nữ nhiều hơn gấp 9 lần ở đàn ông, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 15 đến 50, và phổ biến hơn ở những người không có nguồn gốc châu Âu.

Lupus ban đỏ hệ thống chưa có biện pháp chữa trị triệt để nào. Lupus ban đỏ hệ thống có thể nguy hiểm chết người, nhưng với những tiến bộ trong y học hiện nay, tử vong đang trở nên hiếm hơn (theo Wikipedia).

 

Mai Châm