Cô gái 9X Sài Gòn xinh xắn, đam mê truyền thông
(Dân trí) - Phát hiện rằng giao tiếp, truyền thông là một trong các công cụ hữu hiệu nhất để tạo nên những thay đổi, ảnh hưởng tích cực trong xã hội, Nhã Đình quyết tâm theo đuổi ngành truyền thông chuyên nghiệp.
Thông tin cá nhân
Họ và tên: Cao Nhã Đình
Sinh năm: 1997
Cựu học sinh chuyên Văn trường Phổ Thông Năng Khiếu TPHCM
Sinh viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp, ĐH RMIT, Việt Nam
Thành tích và hoạt động nổi bật:
- Chủ tịch CLB truyền thông chuyên nghiệp “RMIT Professional Communications Society” tại ĐH RMIT (tháng 6/2016).
- Học bổng Hiệu trưởng (President’s Scholar) – học bổng toàn phần của ĐH RMIT, Việt Nam (tháng 8/2015).
- Thực tập sinh nhỏ tuổi nhất tại công ty truyền thông đa quốc gia T&A Ogilvy (tháng 8-10/2015).
- Thành viên Ban Truyền thông, Ban Điều hành VietAbroader từ năm 2016
- Đồng tác giả quyển sách “Nước Mỹ trong tầm tay”.
- Thành viên Ban Truyền thông và là BTC nhiều dự án của Project SUGAR – tổ chức thiện nguyện dành cho học sinh THPT tại TP.HCM và học sinh trường NUS Highschool tại Singapore.
- Á khoa Chuyên Văn kì thi tuyển sinh lớp 10 của trường Trung học Thực hành ĐH Sư phạm.
- Giải Nhì kì thi Học sinh giỏi Văn cấp Thành phố (lớp 9).
Vóc dáng nhỏ nhắn, Cao Nhã Đình toát lên vẻ hướng ngoại, hoạt bát. Cô gái Sài Gòn hiện đang theo học ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại TP.HCM. Lí do Nhã Đình hứng thú với lĩnh vực truyền thông (Báo chí, PR, quảng cáo…) bởi lẽ đó là ngành “học mà không giống học”.
Năng nổ tham gia công tác truyền thông cho các hoạt động ngoại khóa song song việc học nên Nhã Đình dễ dàng liên kết kiến thức với thực tế trải nghiệm, đồng thời áp dụng bài học ngay vào công việc.
Niềm yêu thích ngôn ngữ và môn văn học là nhịp cầu đưa Nhã Đình đến với báo chí, truyền thông. Em từng đạt Á khoa Chuyên Văn kì thi tuyển sinh lớp 10 của trường Trung học Thực hành ĐH Sư phạm, Giải nhì kì thi HSG Văn cấp thành phố (lớp 9). Cấp 3, Nhã Đình theo học lớp chuyên Văn trường Phổ Thông Năng Khiếu TP.HCM.
Cô gái Sài Gòn giành học bổng Hiệu trưởng (President’s Scholar) – học bổng toàn phần tại trường đại học để theo đuổi ngành truyền thông. Khi nhận được học bổng, ứng viên phải đáp ứng tiêu chuẩn giữa mức điểm GPA 3.0/4.0. Do tính chất ngành học, những bài học trên giảng đường thường không đòi hỏi học thuộc bài mà có tính thực tế cao nên Đình xem đó là cơ hội luyện tập kỹ năng và không hề bị áp lực dù phải duy trì GPA cao.
Nhã Đình dẫn chương trình trong buổi trò chuyện chuyên ngành Truyền thông của CLB truyền thông “Professional Communication Society”.
Xuyên suốt cấp 3, cô gái Sài Gòn đã tham gia rất nhiều tổ chức, câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa với mong muốn phát triển bản thân, rèn luyện các kĩ năng truyền thông và giúp ích cho cộng đồng. Trong số các dự án đó, nữ sinh này gắn bó nhất với tổ chức “truyền lửa du học” VietAbroader và tổ chức thiện nguyện Project Sugar.
“Tại Project Sugar, em đã là thành viên BTC chuyến đi Mùa hè Yêu thương - Big Summer Trip các năm 2014 và 2015. Đây là chuyến thiện nguyện đến các mái ấm tại TP.HCM dành cho các bạn học sinh THPT tại TP.HCM và các bạn học sinh trường NUS High school ở Singapore, với các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hoá đi kèm”, Đình giới thiệu.
Đối với VietAbroader, cô gái này gắn bó đến nay đã được gần 4 năm: “Em đến với VietAbroader từ năm 2013 với CLB VietAbroader TP.HCM thông qua sự giới thiệu của bạn bè trên Facebook. Tại đây, em trở thành Trưởng Ban Quan hệ Công chúng của CLB và lần đầu được thực hiện các công tác quảng bá cho một sự kiện.
Từ đây, niềm đam mê của em đối với ngành truyền thông ngày một lớn dần. Năm 2015, em trở thành thành viên Ban Quan hệ Công chúng cho Hội thảo Du học VietAbroader 2015 khu vực miền Nam. Năm 2016, em đảm nhận vị trí Phó Ban Truyền thông, Ban Điều hành VietAbroader”.
Cùng các em ở mái ấm trong Big Summer Trip.
Ở vị trí Phó ban truyền thông, khó nhất đối với Nhã Đình là truyền đạt lại kinh nghiệm và phân chia công việc cho các thành viên. Những sai sót hoặc phát sinh không lường trong thực tế trước khiến Nhã Đình ngày càng trưởng thành hơn. Đặc biệt, nhờ vào những hiểu biết có được từ quá trình tham gia VietAbroader, em còn phụ trách mảng Du học của một tờ báo tuổi teen uy tín và là đồng tác giả cuốn sách “Nước Mỹ trong tầm tay”.
Trước khi vào đại học, Nhã Đình mạnh dạn nộp đơn vào làm thực tập viên tại T&A Ogilvy HCMC, một công ty quốc tế tầm cỡ và trở thành thực tập sinh nhỏ nhất (18 tuổi) của công ty truyền thông đa quốc gia này.
Bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, Đình nhận ra rằng, tuy bản thân còn nhỏ và chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng điều quan trọng nhất khi làm việc vẫn là thái độ nghiêm túc, cầu toàn, ham học hỏi và biết rút kinh nghiệm từ những thiếu sót của mình.
Từ ngày tham gia VietAbroader, Nhã Đình ý thức hơn việc một người trẻ phải vươn mình ra xa hơn để mở mang tầm nhìn, thu nạp kiến thức. Du học từ đó đối với em không đơn thuần là việc đi học nữa, mà còn là đi phát triển bản thân, trải nghiệm phương trời mới và tiếp nhận những góc nhìn, tư tưởng mới. Vì vậy, năm sau, cô gái Việt sẽ đi trao đổi sang Úc để tiếp tục chương trình học.
“Sau khi kết thúc chương trình học tại Úc, em sẽ quay về để làm việc và tiếp tục theo đuổi dự định đóng góp cho cả ngành truyền thông lẫn giáo dục của Việt Nam. Khi còn nhỏ, em có ước mơ cực to lớn là có thể… thay đổi thế giới.
Lớn lên, em không từ bỏ ước mơ ấy hoàn toàn dù biết rằng nó có phần hơi viễn vông, vì em phát hiện rằng giao tiếp, truyền thông là một trong các công cụ hữu hiệu nhất để tạo nên những thay đổi, ảnh hưởng tích cực trong xã hội”, Nhã Đình tâm sự.
Cùng với các bạn TNV Singapore trong hoạt động tình nguyện.
Nhã Đình (váy đó) tại Gala kỉ niệm 10 năm VietAbroader.
Lệ Thu