Cô gái 28 tuổi khởi nghiệp với 16 triệu đồng, xây dựng startup "triệu đô"

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Hành trình khởi nghiệp của Octavianty bắt đầu vào năm 2015, lấy ý tưởng từ cảm giác thường xuyên thèm ăn hải sản khi cô đang học năm cuối đại học.

Cô gái 28 tuổi khởi nghiệp với 16 triệu đồng, xây dựng startup triệu đô - 1
Utari Octavianty là người đồng sáng lập Aruna - một công ty khởi nghiệp thương mại điện tử về hải sản của Indonesia (Ảnh: Utari Octavianty).

Khi còn nhỏ, Utari Octavianty thường có cảm giác bản thân kém cỏi vì xuất thân của mình. Quê hương của Octavianty là Kampung Bahru - một làng chài hẻo lánh ở miền Đông Kalimantan, Indonesia. Tại đây, nhiều người không được học hành. Thậm chí, có một câu nói phổ biến: "Nếu đến từ một làng chài thì bạn không thể chiến thắng".

Đó là lý do tại sao Octavianty tự cho mình là người "may mắn" khi được học tại một trường trung học cơ sở trong thành phố. Tuy nhiên, cô nhanh chóng phát hiện ra rằng có một "khoảng cách" giữa cô và các bạn cùng trường.

Cô nhớ lại: "Tôi bị bắt nạt vì tôi đến từ một ngôi làng ven biển. Tôi không giống như những người đã được học hành tử tế và có nền tảng kinh tế ổn".

Chính những trải nghiệm ấy đã giúp Octavianty nhen nhóm sự hy vọng và khơi dậy mục tiêu là đến một ngày nào đó ngôi làng của cô sẽ được biết đến không phải vì nghèo đói mà bởi tiềm năng của chính nó.

"Vào thời điểm ấy, tôi không biết mình sẽ làm thế nào để đạt được điều đó, tôi chỉ biết viết trong nhật ký của mình". Hiện tại, mục tiêu này đã không còn là những câu từ khô cứng trên giấy mà đã trở thành sự thật.

Bây giờ, ở tuổi 28, Octavianty là người đồng sáng lập Aruna - một công ty khởi nghiệp thương mại điện tử về hải sản của Indonesia. Aruna hoạt động như một công ty tổng hợp chuỗi cung ứng đầu cuối, cho phép ngư dân truy cập vào mạng lưới toàn cầu.

Cho đến nay, startup này đã huy động được 65 triệu USD (hơn 1.500 tỷ đồng) đầu tư từ vòng huy động vốn Series A. Theo đó, Aruna là công ty huy động được nhiều vốn nhất từ Series A trong số các công ty khởi nghiệp ở Indonesia.

Khởi đầu khiêm tốn

Hành trình kinh doanh của Octavianty bắt đầu vào năm 2015, lấy ý tưởng từ cảm giác thường xuyên thèm ăn hải sản mà cô từng có khi còn là sinh viên năm cuối đại học công nghệ ở thành phố Bandung.

"Không dễ để kiếm được hải sản ngon. Gia đình tôi phục vụ hải sản tại nhà hàng ngày, nhưng ngay lập tức thì rất khó để tìm. Tôi thầm nghĩ, sẽ tuyệt biết bao nếu chúng tôi có thể mua hải sản trực tiếp từ ngư dân ở các làng ven biển".

Cô đã chia sẻ ý tưởng của mình với Farid Naufal Aslam và Indraka Fadhlillah - hai bạn cùng lớp. Sau đó, họ đã cùng nhau tạo ra một trang web nhằm đáp ứng nhu cầu hải sản của người tiêu dùng và kết nối họ với ngư dân.

Cô gái 28 tuổi khởi nghiệp với 16 triệu đồng, xây dựng startup triệu đô - 2
Utari Octavianty và 2 đồng sáng lập Farid Naufal Aslam (phải), Indraka Fadhlillah (trái) (Ảnh: Utari Octavianty).

Khi đó, nữ sinh 21 tuổi quyết định tham gia một cuộc thi có tên "Hackathon Merdeka" để huy động vốn. Họ đã dành chiến thắng trước sự ngạc nhiên của chính mình. Nhưng điều đáng nói hơn là số tiền lãi mà Aruna thu về sau khi trang web ra mắt.

"Chúng tôi nhận được yêu cầu 1.000 tấn hải sản đến từ các nhà hàng và công ty nhập khẩu bên ngoài Indonesia. Họ có nhu cầu mua hải sản liên tục", Octavianty cho biết.

Ba bạn trẻ nhanh chóng bắt tay vào làm việc. Họ sử dụng hai chiếc máy tính giành được trong cuộc thi hackathon để tiếp tục xây dựng và thiết kế trang web. Nguồn vốn đáng kể đầu tiên của họ đến từ một cuộc thi khác với giải thưởng tiền mặt khoảng 700 USD (hơn 16 triệu đồng).

Mặc dù đó không phải là số tiền lớn, nhưng ba người đã sử dụng nó để thực hiện một chương trình thử nghiệm ở thành phố cảng biển Balikpapan. Họ ở lại với một cộng đồng ngư dân đánh bắt cá trong một tháng.

Đến cuối hành trình, họ đã có giao dịch đầu tiên với một nhà hàng địa phương ở Bandung. Đó là khoảnh khắc họ nhận ra ý tưởng của mình không còn chỉ tồn tại ở trên giấy. Octavianty hào hứng nói: "Chúng tôi thực sự có thể biến điều này thành hiện thực".

Tìm đúng nhà đầu tư

Trong những năm qua, Aruna đã mở rộng ra nhiều làng chài hơn ở Indonesia. Khi nhu cầu về hải sản của họ tăng lên, công ty cũng đã có sự phát triển nhất định. Nhưng một thách thức mà Octavianty phải đối mặt là tìm đúng nhà đầu tư.

Cô gái 28 tuổi khởi nghiệp với 16 triệu đồng, xây dựng startup triệu đô - 3
Công ty của Octavianty đã xuất khẩu 44 triệu kg hải sản vào 7 quốc gia trong năm 2021, hầu hết là sang Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: Aruna).

Cô nói: "Có rất nhiều nhà đầu tư ở Indonesia, nhưng để tìm được nhà đầu tư hiểu doanh nghiệp của chúng tôi không phải là điều dễ dàng. Một số nhà đầu tư sẽ quan tâm vì họ nhìn thấy tiềm năng mở rộng quy mô của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi đã chọn lọc với sự mong chờ các nhà đầu tư muốn rót vốn không phải vì tiềm năng của công ty mà còn vì những ảnh hưởng của nó".

Công ty của Octavianty đã xuất khẩu 44 triệu kg hải sản vào 7 quốc gia trong năm 2021, hầu hết là sang Mỹ và Trung Quốc. Cô cho biết thêm, thành tựu lớn nhất của mình là giúp ngư dân tiếp cận trực tiếp với thị trường, từ đó mang lại cho họ mức thu nhập công bằng và tốt hơn.

"Chúng tôi đã giúp ngư dân tăng thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trước khi họ tham gia Aruna".

Mặc dù Aruna rất khắt khe trong việc lựa chọn các nhà đầu tư, song chính cách tiếp cận này đã khiến công ty trở nên hấp dẫn hơn. "Chúng tôi cởi mở với các nhà đầu tư về những thách thức mà Aruna phải đối mặt, nhưng đổi lại, chúng tôi cũng mong đợi họ sẽ giúp kết nối hoặc giải quyết vấn đề".

Hướng đến tương lai bền vững

Hồi tháng 1, Aruna đã công bố khoản đầu tư tiếp theo của vòng Series A với giá trị 30 triệu USD do Vertex Ventures Đông Nam Á và Ấn Độ dẫn đầu. Với nguồn vốn mới, Octavianty đang tìm cách mở rộng sang nhiều làng chài hơn nữa ở Indonesia và đầu tư vào các hoạt động đánh bắt bền vững.

Cô gái 28 tuổi khởi nghiệp với 16 triệu đồng, xây dựng startup triệu đô - 4
Aruna cũng cung cấp hơn 5.000 việc làm ở nông thôn và tuyển dụng 1.000 phụ nữ ở ven biển để chế biến hải sản (Ảnh: Utari Octavianty).

Cho đến nay, hơn 26.000 ngư dân trên 150 cộng đồng ngư dân ở Indonesia đã tham gia Aruna. Octavianty cho biết: "Bây giờ chúng tôi đã mở cửa thị trường và có nhiều ngư dân hơn trên tàu, chúng tôi cần phải rất cẩn thận về nguồn cá vì Indonesia đã đánh bắt quá mức".

Đó là lý do tại sao Aruna yêu cầu tất cả các ngư dân của họ tập trung vào chất lượng, thay vì số lượng, sản lượng đánh bắt và hạn chế đánh bắt trong các khu bảo tồn biển. Aruna cũng khuyến cáo ngư dân không sử dụng các ngư cụ, chẳng hạn như lưới kéo và bom vì sẽ gây hại cho môi trường sống tự nhiên dưới đáy biển.

Octavianty khẳng định: "Đó cũng là một hành động truyền cảm hứng cho ngành này. Chúng tôi thấy rất nhiều công ty đánh bắt cá ở Indonesia đang không quan tâm đến tính bền vững".

Theo www.cnbc.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm