Cô gái 25 tuổi được mời học tiến sĩ tại Harvard, chủ công ty 5.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Quách Văn Cảnh (SN 1998, người Trung Quốc, thạc sĩ Khoa học máy tính tại Đại học Harvard) hiện là CEO của Pika Labs - công ty được Forbes định giá ít nhất 200 triệu USD chỉ sau 6 tháng thành lập.
Quách Văn Cảnh (25 tuổi, Trung Quốc) là CEO (giám đốc điều hành) của Pika Lab - công ty công nghệ phát triển phần mềm chỉnh sửa video bằng AI (trí tuệ nhân tạo).
Năm lớp 11, Quách Văn Cảnh được Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) mời tham gia cuộc thi Lập trình Bắc Mỹ. Vượt qua nhiều sinh viên của đại học Harvard, Stanford, Carnegie Mellon và các trường danh giá khác, cô giành được vị trí á quân.
Khi học cấp 3, nữ sinh từng gây ấn tượng với thành tích đáng nể như: Hai lần vô địch Olympic Toán quốc tế, giải nhất Olympic Tin học trẻ toàn quốc phân khu tỉnh Chiết Giang...
Năm 2015, Quách Văn Cảnh là sinh viên đầu tiên ở Chiết Giang được tuyển thẳng vào Đại học Harvard, Mỹ. Cô trở thành nhân viên chính thức trẻ nhất phòng nghiên cứu Meta Platforms khi đang là sinh viên năm hai và giành được nhiều giải thưởng phát triển phần mềm quốc tế.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Quách Văn Cảnh tiếp tục học lên thạc sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính tại Đại học Harvard. Lấy được bằng thạc sĩ, cô nhận được lời mời học tiến sĩ của 3 trường (Harvard, MIT và Stanford) và quyết định chọn chuyên ngành Khoa học máy tính tại Đại học Stanford, Mỹ.
Năm 2022, cô cùng bạn học tiến sĩ quyết định sử dụng AI để sản xuất một bộ phim tham gia Liên hoan phim AI đầu tiên do Runway tổ chức. Cô rất tự tin về sản phẩm của mình nhưng bộ phim không đạt được giải thưởng nào.
Chia sẻ với Forbes, Quách Văn Cảnh cho biết: "Chúng tôi gặp khó khăn trong quá trình sản xuất ra bộ phim, mặc dù cả nhóm có chuyên môn cao về công nghệ. Các công cụ AI dùng để sản xuất video rắc rối nhưng không đem lại kết quả tốt. Tôi nghĩ đến việc tạo ra công cụ sử dụng AI sản xuất video dễ sử dụng".
Tháng 4/2023, Quách Văn Cảnh cùng Mạnh Thần Lâm thành lập công ty Pika Labs. "Tôi mong muốn tạo ra giao diện mới nhằm cải tiến việc sản xuất video. Hơn ai hết, tôi hiểu để làm ra video chất lượng cao không dễ dàng", cô nói.
Sau 6 tháng thành lập, công ty của Quách Văn Cảnh được Forbes định giá khoảng 200-300 triệu USD (4.849-7.274 tỷ đồng). Phần mềm tạo video bằng AI của công ty cô đã có khoảng 500.000 người dùng và mỗi tuần có hàng triệu video được tạo ra.
Phần mềm tạo video bằng AI của Pika Lab có thể sử dụng thông qua nền tảng nhắn tin Discord. Cuối tháng 11/2023, để tiếp cận với nhiều người dùng hơn, Pika mở rộng trải nghiệm trên web và ra mắt tính năng mới, cho phép người dùng tùy chỉnh đối tượng trong video.
Nữ CEO 25 tuổi tiết lộ, đang trong quá trình thử nghiệm nên hàng ngày, công ty vẫn nỗ lực xử lý thuật toán để cải thiện mô hình AI và loại bỏ yếu tố vi phạm bản quyền.
"Chúng tôi không tạo ra ứng dụng chỉ sử dụng để sản xuất phim. Pika hướng đến mục tiêu tập trung phát triển sản phẩm dành cho cả những người không thành thạo công nghệ có thể dễ dàng tạo ra video theo mong muốn của mình", Quách Văn Cảnh chia sẻ.
Pika Lab đã hoàn thành 3 vòng gọi vốn với tổng số tiền lên đến 55 triệu USD (1.333 tỷ đồng). Sự phát triển nhanh chóng của Pika Lab thu hút các nhà đầu tư lớn như: CEO Adam D'Angelo của OpenAI, cựu giám đốc Tesla AI - Andrej Karpathy, cựu CEO Nat Friedman của Github, CEO Daniel Gross của CGreplin nhà đầu tư Elad Gil...
Cựu CEO của GitHub Nat Friedman - người đầu tiên rót vốn vào công ty Pika - cho biết, ông ấn tượng với phiên bản trải nghiệm công ty đưa ra và sự nhanh nhạy của đội ngũ quản lý và nhân viên.
"Tôi góp ý cho Quách Văn Cảnh thêm tính năng chèn chữ vào video. Hôm sau, tôi nhận được bản trải nghiệm đã tích hợp tính năng này. Tôi khá bất ngờ vì các nhà sáng lập của Pika làm việc chủ động và nhanh chóng. Đây là lý do tôi đẩy mạnh khoản đầu tư tiếp theo", ông Nat Friedman cho hay.