Cô gái 19 tuổi tự lái máy bay, một mình vòng quanh thế giới

Nhật Chung

(Dân trí) - Zara Rutherford, 19 tuổi, mang hai dòng máu Anh và Bỉ, đã bắt đầu hành trình với mục tiêu trở thành người phụ nữ trẻ nhất bay một mình vòng quanh thế giới.

Cô gái 19 tuổi tự lái máy bay, một mình vòng quanh thế giới - 1

Cô gái 19 tuổi đã có ước mơ chinh phục bầu trời từ thuở nhỏ (Ảnh: Reuters).

2 tháng, 52 quốc gia và vùng lãnh thổ

Nữ phi công trẻ Zara Rutherford khởi hành từ Sân bay Kortrijk-Wevelgem ở miền Tây nước Bỉ vào giữa tháng 8 trên chiếc Shark Ultralight - một trong những mẫu máy bay nhỏ, nhẹ và nhanh nhất trên thị trường hiện nay. Máy bay này có hai chỗ ngồi, nhưng cô đã tháo bớt một ghế, để lắp thêm một thùng nhiên liệu dự phòng.

Cô dự kiến sẽ dừng chân ở 52 quốc gia, trong đó có Greenland, Trung Quốc hay Nicaragua… Tại mỗi điểm đến, cô sẽ thuê phòng khách sạn hoặc xin ở cùng các gia đình địa phương. Theo kế hoạch, chuyến bay 51.000 km sẽ kéo dài từ 2 đến 3 tháng, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và thời gian. Chi phí cho chuyến đi được Rutherford lấy từ tiền bán xe và một số nguồn tài trợ khác.

Cô gái 19 tuổi tự lái máy bay, một mình vòng quanh thế giới - 2

Rutherford và chiếc máy bay sẽ cùng cô thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới (Ảnh: Reuters).

Zara chia sẻ, sự mệt mỏi về tinh thần và cảm thấy cô đơn trên những chuyến bay đường dài là một thách thức lớn. "Tôi sẽ thường xuyên trò chuyện với bố mẹ và bạn bè. Đáng buồn là không thể xem phim, nhưng tôi có nhạc và podcast. Hy vọng điều đó sẽ giúp tôi bận rộn trong khi bay trên không trung 5-6 giờ một lần", cô nói.

Trong hành trình, cô gái trẻ lo lắng nhất là khi đi qua những vùng đất hoang vắng như miền bắc nước Nga hay Greenland. "Những nơi này không có nhiều người sinh sống nên nếu có sự cố, tôi có thể sẽ gặp nguy hiểm. Tôi có một chút lo lắng nhưng cũng rất phấn khích", cô cho biết.

Cô gái 19 tuổi tự lái máy bay, một mình vòng quanh thế giới - 3

Zara có bằng lái máy bay năm 18 tuổi (Ảnh: Belstaff),

Rutherford xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm phi công. Cô đã bay trên những chuyến máy bay nhỏ từ năm 6 tuổi và biết nhảy dù khi 11 tuổi. Lên 14 tuổi cô có chuyến bay một mình đầu tiên, đến nay đã bay được khoảng 130 giờ. Năm 18 tuổi, cô đã có bằng lái.

"Tôi đã ở trong buồng lái của một chiếc máy bay hạng nhẹ vài tháng sau khi chào đời và lúc 6 tuổi đã bay đến những nơi xa xôi nhất trên thế giới", cô nói.

"Đây là ước mơ của con bé. Zara đang làm những gì con bé muốn làm. Tôi rất tự hào về việc con muốn truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ và trẻ em đến với lĩnh vực hàng không", ông Sam, bố của Rutherford chia sẻ.

Xóa bỏ định kiến về giới

Nếu hoàn thành cuộc hành trình của mình, Zara Rutherford sẽ là người phụ nữ trẻ nhất bay một mình vòng quanh thế giới trên máy bay siêu nhẹ. Hiện tại, kỷ lục này thuộc về nữ phi công người Mỹ Shaesta Waiz, khi đó 30 tuổi. Trong khi đối với nam giới, kỷ lục mới nhất này thuộc về Travis Ludlow, 18 tuổi, vừa đạt được vào tháng 7/2021. Đây là một trong nhiều chỉ số chênh lệch giữa nam và nữ trong ngành hàng không.

Cô gái 19 tuổi tự lái máy bay, một mình vòng quanh thế giới - 4

Zara Rutherford từ nhỏ đã có ước mơ chinh phục bầu trời (Ảnh: New York Times).

Theo Hiệp hội Nữ phi công hàng không quốc tế (ISA), chỉ 5,1% phi công hàng không trên toàn cầu là phụ nữ. Do vậy, nâng cao nhận thức của phụ nữ trong ngành hàng không là một phần quan trọng trong sứ mệnh của Rutherford.

"Nói tới phi công, nhiều người nghĩ ngay đến nam giới, nhiều hơn nữ giới. Việc chứng kiến sự mất cân bằng giới tính trong nghề nghiệp đã thôi thúc tôi xin phép cha mẹ để thử thách bản thân, tự mình bay vòng quanh thế giới. Tôi hy vọng sẽ truyền cảm hứng để các bạn gái tham gia ngành này", Zara nói.

Để giúp nhiều phụ nữ và trẻ em gái sớm tham gia vào các lĩnh vực khoa học, Rutherford đang hỗ trợ hai tổ chức từ thiện trong chuyến đi của mình: Girls Who Code - tổ chức hỗ trợ phụ nữ trẻ bước vào ngành khoa học máy tính và Dreams Soar - một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi kỷ lục gia hiện tại Waiz, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái tham gia vào các lĩnh vực STEM . Cô hy vọng sẽ giảm bớt "khoảng cách ước mơ" và trở thành hình mẫu cho các cô gái trẻ, như cách cha mẹ đã truyền cảm hứng cho cô. 

Một ý nghĩa khác của chuyến đi là tác động đến nhận thức bảo vệ môi trường. Rutherford cho biết tổng lượng nhiên liệu cho chuyến đi của cô tương đương với lượng nhiên liệu được sử dụng trong 10 phút của một chiếc Boeing 747. Cô đã chi 710 USD cho các dự án trồng cây để bù đắp lượng khí thải carbon mà chiếc máy bay thải ra trong suốt hành trình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm