Cô bạn thân cũng thích…người yêu của mình!

Em và anh ấy rất yêu nhau, hai đứa tụi em quen nhau trong bí mật vì sợ lời ra tiếng vào, nhưng hôm nọ, nhỏ bạn thân nhất của em lại tâm sự rằng nhỏ thích anh ấy, em phải làm sao đây, em nên chọn tình bạn hay tình yêu, giúp em với! (Pé heo, Q12)

Người yêu đâu phải món hàng, mình muốn nhường là nhường được đâu em gái. Em phải hỏi ý kiến người yêu của em, để anh ấy biết và liệu đường ứng xử với cô bạn ấy.

 

Như em nói, em và anh ấy đang rất yêu nhau. Trong khi cô bạn kia chỉ đang chớm thích đơn phương mà thôi.

 

Bạn trai em cần lựa đường từ chối khéo léo để bạn thân em khỏi phải thấp thỏm thương thầm nữa. Lúc đó thì em không còn phải đắn đo chuyện nhường người yêu lại cho ai nữa rồi.

 
Cô bạn thân cũng thích…người yêu mình!
 

Tại sao bạn trai em cứ muốn sờ vào vòng một của em là sao? Mặc dù em đã nói là không được nhưng mà mỗi lần hôn nhau, tay của anh ấy từ eo của em rồi từ từ di chuyển lên. Em bực mình lắm đã nhiều lần tát tay anh ấy nhưng dường như anh vẫn không bỏ được.  Em phải làm sao để anh ấy từ bỏ việc đó, em chỉ muốn tình yêu của tụi em trong sáng, chỉ là nhưng cái ôm, cái hôn nhẹ nhàng mà thôi. Mong giúp em. (Mai, Vĩnh Long)

 

Trong trường hợp “tay chân cày xới” thế này, em đã tát tay mà chàng vẫn không bỏ thì em nên sử dụng biện pháp mạnh hơn: chẳng hạn như “cấm vận” không cho gần gũi, thậm chí là không cho nắm tay; giận anh ấy vài ngày vì hành vi không được phép.

 

Đặc biệt, em biết tính anh ấy như vậy rồi thì đừng đến những nơi vắng vẻ gió mát trăng thanh.

 

Đặc biệt, khi hôn nhau là chàng lại táy máy thì tốt nhất kiềm chế, đừng thân mật quá kẻo ý đồ đen tối của anh ấy lại trỗi dậy.

 

Về lâu dài, nếu dùng biện pháp mạnh mà anh chàng vẫn “ngựa quen đường cũ” thì đã đến lúc em đặt cho anh ta câu hỏi: Anh yêu em vì cái gì?

 

Một người hay xuất hiện lúc em buồn, lo lắng cho em, quan tâm em. Khi em quen dần với yêu thương rồi lại bỏ quên em, lạnh nhạt với em, làm em rất buồn và thất vọng... rồi sau đó lại quan tâm em... rồi bỏ quên em... Cứ như vậy làm em không thể hiểu được tình cảm người ấy dành cho em là cái gì... Vậy tình cảm ấy là gì? Và bây giờ em phải làm sao? (Ngọc Uyên Nhi)

 

Một trong những điều trớ trêu trong tình cảm là ta hiếm khi nào chịu hỏi trực tiếp khi ta muốn biết tình cảm thật sự họ dành cho mình.

 

Vì sao em không hỏi anh ấy tình cảm của anh ấy dành cho em là gì? Tương lai anh ấy muốn hai đứa thế nào? Vì sao sự quan tâm của anh ấy lại nắng mưa đến thế? Trò chuyện trực tiếp để sáng rõ vấn đề em ạ. Tình yêu cần những lúc đối thoại như thế.

 

Song song đó, không chỉ hỏi han anh ta mà thôi, chính bản thân em cũng phải thể hiện chính kiến của mình, mong muốn của mình để anh ta biết. Nếu ngay chính bản thân em cũng không biết mình quen để làm gì, định hướng tình cảm tương lai ra sao thì sao trách được anh ấy cũng giống như mình?

 

Yêu không chỉ là ở thì hiện tại, tình yêu muốn bền vững thì phải xác định những bước đi ở thì tương lai. Giống như lái xe em phải nhìn về phía trước chứ không chỉ nhìn xuống chỗ mình đang tại vị.

 

Hãy thảo luận với nhau để thống nhất những điều cần làm sắp tới, quy ước để ít nhiều có sự định hướng rõ ràng. Tình yêu cần những lúc thảo luận như thế.

 
Cô bạn thân cũng thích…người yêu mình!
 

Em phải làm gì đây khi không tìm được giá trị cuộc sống của mình? Phải làm gì khi chẳng còn ai bên cạnh chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn? Và phải làm gì để mình sớm trở lại là mình vui vẻ và yêu đời? (Vũ Thị Loan)

 

Em gái thân mến,

 

Muốn chữa một căn bệnh thì chúng ta sẽ phải chẩn đoán nguyên nhân của nó trước. Muốn hết buồn, hết sầu, hết thất vọng thì hãy nghiêm túc bỏ thời gian và sự tĩnh lặng để trả lời 3 câu hỏi sau đây: Vì sao em không còn ai bên cạnh? Điều gì đã lấy đi sự vui vẻ yêu đời của em, do người khác hay do chính em? Vì sao em cảm thấy cuộc sống của mình không giá trị?

 

Em đang chán chường lắm đúng không nào? Nhưng em vẫn còn chịu khó gửi câu hỏi này nghĩa là em vẫn còn mong muốn làm điều gì đó để thay đổi. Đừng buông xuôi cuộc sống mà hãy chịu khó ngẫm nghĩ cuộc đời mình còn thiếu thứ gì để chúng ta tìm kiếm.

 

Một căn nhà thiếu vững chắc thì phải tìm chỗ nào bị mối mọt, chỗ nào lỏng lẻo, chỗ nào mục thủng để mà sửa chữa. Không ai có thể trả lời thay em câu hỏi này, vì em chính là người hiểu em nhất, và chính em phải tự tìm lấy câu trả lời cho mình. Ấy mới là một người sống bản lĩnh.

 

Đôi khi cuộc đời em sẽ không như ý, đó là chuyện bình thường, bản nhạc cũng có nốt trầm nối bổng, ngày cũng chia ra sáng và tối, thời tiết cũng lúc nắng lúc mưa.

 

Thế nên đừng chán nản rồi buông xuôi để cuộc đời làm chủ mình em nhé. Mà ngược lại, em hãy tỉnh táo nhìn nhận ra những gì mình thiếu để chủ động tìm kiếm nó, để em có thể làm chủ cuộc đời mình.

 

Em có một đứa em gái. Từ nhỏ nó đã được bố mẹ em cưng chiều, nhưng mà nó rất hiền, không có gì bướng bỉnh cả. Hiện tại thì nó đang được 16 tuổi và đang theo học trường chuyên của tỉnh nhưng dạo này không biết nó gặp chuyện gì mà làm gì cũng bị bố mẹ mắng, mỗi lần như thế, nó đâm ra lầm lì, rồi bỗng dưng lúc thì ngồi khóc một mình, lúc thì ngồi thẫn thờ.

 

Bình thường thì rất sợ đau nhưng mà khi nó khóc, dường như nó ko còn cảm giác được gì nữa. Nó mua hẳn một con dao rọc giấy bén ngót để rạch tay. Nó không dám cắt động mạch chủ, chỉ cắt những phần da thịt có mao mạch thôi.

 

Nhìn những cái vết đó, nó cứ cười và khen đẹp. Khi bình thường, con bé không có dấu hiệu gì, cũng không có hành động gì giống vậy cảm, lại còn rất sợ dao kéo đâm vào người. Mọi việc diễn ra hết sức bình thường. Liệu em của em có bị bệnh gì không? Nhỡ đâu nó trầm cảm rồi có ngày cắt luôn động mạch chủ thì sao? Em sợ lắm. (Minh Vũ, Bình Định)

 

Minh Vũ thân mến,

 

Tự hoại (self-cut) là hiện tượng dùng nỗi đau của thể xác để làm dịu đi cái đau đớn của tinh thần. Mỗi lần buồn chán gia đình hay gặp thất bại, em gái em rạch lên tay, bởi khi thấy vết cắt in hằn lên da thịt hay thấy máu túa ra là như trút được gánh nặng, nỗi buồn cũng nguôi ngoai.

 

Nguyên nhân là do những áp lực từ cuộc sống hàng ngày, từ chuyện học hành cho đến không khí căng thẳng trong gia đình. Trong khi đó em gái em chưa được “vũ trang” kỹ năng ứng phó với cuộc sống và vượt qua khủng hoảng tinh thần. Thế nên khi cảm thấy mình bế tắc, em ấy chỉ còn cách tự hủy hoại cơ thể của mình để giải tỏa.

 

Tự hoại được xếp vào loại hành vi “tâm lý bất thường” mức độ nhẹ đấy! Nhiều nghiên cứu tương quan cho thấy: tự hủy hoại bản thân rất dễ dẫn đến việc tự tử sau này. Hơn nữa, về lâu dài, mỗi lần bế tắc thì em ấy lại nghĩ đến việc tự làm đau mình, dần dà làm thui chột khi khả năng đối đầu với cuộc sống. Em ấy sẽ dễ trở nên buông thả, trầm cảm về sau.

 

Để giúp được em gái mình, em cần nhớ 3 điều sau đây:

 

Một, giúp em ấy “tiệt trùng cho đôi mắt”, hãy tập cho em ấy tư duy tích cực. Bố mẹ la mắng là vì vẫn còn quan tâm mình, bị con 2 điểm thì vẫn còn những cơ hội khác, người yêu phản bội mình thì nên mừng vì mình đã kịp nhận ra sự thật…

 

Việc gì cũng có hai mặt, phím đàn cũng có phím trắng phím đen, thời tiết có mưa thì cũng có nắng, hãy lý giải để em ấy đừng chỉ chăm chăm vào mặt đen mà hãy tập nhìn thêm cả vào mặt trắng.

 

Hai, hãy cho em ấy biết trên đời này ít khi nào có bế tắc mà thường là người ta nghĩ mình bế tắc mà thôi. Chưa biết cách giải quyết không có nghĩa là mình cùng đường mà là ta phải tìm con đường khác.

 

Khuyên bảo em ấy hãy tập đối đầu với những vấn đề trong cuộc sống, từ nhỏ đến to. Dần dần ta sẽ trở thành một teen bản lĩnh, không thể nào cứ tránh né mãi được, thơ nhỏ mãi được, người ta phải lớn lên!

 

Ba, nếu có những thực tế không thể thay đổi được thì hãy khuyên em ấy thay đổi thái độ của mình.

 

Tự ti không giải quyết được gì, rạch tay nhổ tóc thì thực tế nó vẫn trơ ra đó. Chỉ khi nào em ấy thay đổi được thái độ của mình đối với nó thì em ấy mới có thể thanh thản hơn.

 

Quan trọng nhất, nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa nếu như em ấy có những bờ vai để tựa. Đó chính là cha mẹ, bạn bè hay người anh trai như em – là những người đáng tin cậy, sẽ là “chiếc thùng rác” đáng trân trọng để trút bầu tâm sự và làm cho em ấy thấy trên đời này đáng sống hơn. Hãy là một “chuyên viên tâm lý” cho em gái nhé.

 

Đặc biệt, nên cho bố mẹ biết và khuyên bố mẹ phải giữ bình tĩnh. Sự la mắng của bố mẹ chỉ càng làm tình hình thêm tồi tệ.

 

Cái em ấy cần là cần sự thông cảm, là cần tình thương chứ không phải sự căng thẳng. Em có thể nhờ thêm một số đồng minh như ông bà, cô chú…để thuyết phục ba mẹ ứng xử mềm mại hơn với cô em gái mới lớn của mình.

 

Thạc sĩ tâm lí Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TP.HCM) tư vấn

 

Theo Mực Tím