Vượt lên số phận
Phạm Xuân Giang, SN 1986, sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo ở xóm Bắc Châu, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh. Giang là người con hiếu thảo biết vượt khó, vươn lên. Không có điều kiện Giang chỉ học hết cấp 2 ở nhà phụ việc, rồi đi học nghề lái xe ô tô. Đầu năm 2006 Giang gặp nạn trong lúc chạy xe máy trên đường. Giang chỉ bị thương nhẹ nhưng vì không chữa dứt điểm chấn thương ở chân nên cậu bị viêm xương. Căn bệnh đã khiến cậu phải quyết định cắt bỏ một phần chân phải.
Sinh ra lành lặn, giờ thành tàn phế, tương lai như khép cửa trước mặt Giang. Từ một chàng trai vui vẻ, đầy hoài bão, Giang rơi vào tuyệt vọng, bi quan. Giang không dám lê những bước chân tập tễnh với đôi nạng gỗ ra khỏi nhà. “Lúc đó em nghĩ đời em thế là hết” - Giang nhớ lại.
Giang nghĩ vậy. Nhưng ông bố Phạm Công Anh, một người từng là bộ đội kháng chiến chống Mỹ, lại là thương binh loại 2/4, lại nghĩ khác. Từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, ông đủ nghị lực và niềm tin để giúp con trai đứng dậy. Ông đã liên hệ cho Giang đi học ở Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Thành Sen. Cho đến giờ có thể khẳng định chính quyết định ấy của người cha đã khiến Giang tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời kém may mắn của mình.
Mùa thu năm 2007, Giang gia nhập lớp học cơ khí ở Trung tâm Thành Sen. Thấy trong trung tâm có nhiều hoàn cảnh cũng éo le, cám cảnh còn hơn mình mà vẫn vươn lên học tập, làm việc tốt, thế là tâm tính Gang cũng dần thay đổi. Cậu bớt bi quan, nỗ lực học nghề. Một tháng, hai tháng trôi qua, Giang dần bắt nhịp được với lớp học và trở thành một thợ hàn chủ lực của trung tâm. Niềm tin cuộc sống đã thật sự trở lại với Giang từ đó, để rồi ngoài công việc cậu đã có một câu chuyện tình đẹp như tiểu thuyết.
Chuyện tình cảm động
Những ngày Giang đang mải mê học nghề, mồ hôi ướt đẫm, bàn tay nám sậm vì lửa thì cũng là dịp cô gái dịu hiền Lê Thị Phương Thảo, SN 1988, quê xóm 7, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tập tễnh vào trung tâm Thành Sen để học nghề thủ công mỹ nghệ, hội họa.
Thảo bị khiếm thị từ bé, sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em. Thảo bị mù đôi mắt nhưng đổi lại cô là có khuôn mặt rất xinh, hiền dịu và một tấm lòng chân thật, một ý chí vươn lên đáng khâm phục. Chính những điều đó đã khiến trái tim chàng trai Phạm Xuân Giang lay động. Về phần mình, Thảo cũng quý Giang ở đức tính cần cù, chịu khó học hỏi, không đầu hàng số phận.
Khi đã hiểu nhau hơn, đôi bạn Giang - Thảo đã giúp đỡ nhau rất nhiều trong cuộc sống. Giang thường dậy sớm, lấy nước, khăn cho Thảo, dẫn bộ cô đi chơi trong khuôn viên trung tâm dạy nghề. Cậu cũng đọc sách về hội họa, mỹ thuật cho Thảo nghe mỗi khi có thời gian. Còn Thảo, cô thường vẽ tặng Giang những bức tranh bằng cả trái tim và tâm hồn của mình. Rồi tình yêu chín muồi, đôi bạn trẻ đã quyết định đến với nhau bằng một đám cưới nhỏ, đầm ấm.
Đôi bạn Giang và Thảo hạnh phúc trong ngày cưới của mình (Ảnh: Đất Vũ)
Ngày cưới, mẹ Giang rơi lệ vì hạnh phúc của con trai. “Khi cho cháu vào đây tôi không ngờ được lại có được này vui như bây giờ. Lúc ấy khi biết mình có bệnh hiểm nghèo cháu gần như tuyệt vọng với cuộc sống, tự ti và chán nản, có lúc còn nổi nóng phá phách. Giờ thì cháu đã có gia đình. Cuộc sống còn dài nhưng vợ chồng tôi tin là hai con sẽ vượt qua”.
Giang và Thảo chia sẻ với chúng tôi: “Đám cưới bọn em tuy nghèo nhưng rất hạnh phúc và nồng ấm tình cảm, không chỉ chúng em mà gia đình, trung tâm và các bạn học viên rất vui sướng”.
Căn phòng cưới nho nhỏ, đơn sơ, chỉ có một cái quạt điện, một cái rương nhỏ được trang trí giản dị ở xóm Bắc Châu, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh là của đôi vợ chồng trẻ Giang - Thảo. Giờ là lúc đôi bạn viết tiếp câu chuyện đẹp về cuộc đời tưởng như đã khép lại vì bệnh tật.
Đất Vũ - Văn Dũng