Chuyện tình cảm động của cựu SV Kinh tế quốc dân
Tai nạn thảm khốc ở Sa Pa đã khiến Phạm Công Trình (quê Ninh Bình) mãi mãi mất đi người vợ chưa cưới Đỗ Thị Lan (quê Bắc Ninh). Trước ngày đưa người yêu về bên kia thế giới, Trình đã xin phép gia đình mở nắp quan tài trao nhẫn cưới và nhận Lan làm vợ.
Hạnh phúc dở dang
Gần 4 tháng sau ngày chiếc xe khách bị lao xuống dốc khi đang từ Sa Pa về Hà Nội vào tối 1/9, cuộc sống của Phạm Công Trình (quê thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) đã có nhiều thay đổi lớn.
Trong những giấc mơ, Trình vẫn gặp Lan. Ngày chưa tu tập, có lần Lan về khóc bảo mỗi năm Lan chỉ được về cõi dương một thôi. “Lần nữa, em chỉ cười buồn. Mình vừa gọi “Lan ơi!” thì choàng tỉnh giấc”. Những ngày sau khi tu tập, Lan đã trở về trong những giấc mơ của Trình nhưng là với nụ cười vui vẻ. “Mình chỉ muốn nói với mọi người là mình vẫn ổn, vẫn sống tốt và Lan cũng vậy”.
Trò chuyện với Trình, kỷ niệm cùng Lan trong anh tưởng như chỉ mới hôm qua.
Hôm trước khi xảy ra tai nạn hai ngày, Lan điện cho Trình nói là lên Sa Pa chơi với hai người bạn rồi rủ Trình đi cùng.
Dự định 2/9 gia đình hai bên sẽ sang để nói chuyện cưới hỏi của hai đứa, nhưng Trình vẫn chiều theo người yêu, bắt xe lên Lào Cai và có chuyến đi vui vẻ. Cả hai dự định sau khi về sẽ thưa chuyện với gia đình để xin cưới vào tháng 9 âm lịch.
Nhưng hạnh phúc chẳng chiều lòng người. “Khoảng 6 giờ chiều 1/9, chúng tôi lên xe về Hà Nội. Chúng tôi nằm đọc báo cách nhau một lối đi. Khi xe khởi hành được khoảng 30 phút thì tôi nghe thấy tài xế hét xe mất phanh. Cả hai đứa hốt hoảng vội ôm nhau thì xe đã chảo đảo, rồi xoay tròn.
Chiếc xe lật xuống vực khiến tôi và Lan bị văng ra khỏi cửa kính. Lúc văng ra, tôi ngất lịm đi nhưng một lúc sau thì tỉnh dậy. Rất đau nhưng tôi cố bò lê người tìm kiếm Lan nhưng không được. Rồi tôi tiếp tục bất tỉnh và được mọi người đưa vào viện cấp cứu. Đến hôm sau, tôi biết tin Lan đã mất”, Trình nhớ lại.
Chàng trai cố đô vốn tính lý trí và mạnh mẽ nhưng khi nghe tin dữ đã như chết lặng, không nói thành lời vì đau đớn. “Tôi chỉ biết nói với người bạn đi cùng, mua cho tôi cặp nhẫn cưới. Dù sao, tôi và Lan cũng đã quyết định sẽ lấy nhau, nên còn cơ hội, tôi muốn trao chiếc nhẫn cưới cho Lan”.
Lan được người nhà đưa về quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh vào chiều 2/9. Thủ tục tổ chức tang lễ được tiến hành xong, Trình xin phép bố mẹ gia đình hai bên được trao nhẫn cưới cho Lan và nhận cô làm vợ. Bất ngờ nhưng cả họ hàng hai bên đều đồng ý.
Sau ngày ấy, đi đâu bên người Trình vẫn có bức ảnh mà cả hai chụp ngày Lan nhận bằng đại học để luôn thấy Lan ở bên cạnh.
Viết cho Lan sau ngày mất, Trình tâm sự: “Bố mẹ và cả nhà quý và thương anh lắm, em cũng không phải lo đâu nhé. Bà nội còn gọi riêng anh ra một góc, bảo rằng đáng lẽ cuối năm được ăn cưới hai đứa. Bà để dành được mấy chỉ, bao giờ cưới bà cho, giờ lại thành cháu rể bà trong cái cảnh này.
Bà đưa anh một chỉ, anh không lấy mà bà không nghe, cứ dúi vào tay. Một chỉ này anh không tơ hà một xíu nào đâu, bao giờ thằng Quang, thằng Phú cưới vợ, anh để lại cho chúng nó chứ anh không động đến đâu. Bố thì biết anh tu theo thầy, còn mua cho anh một cái tràng hạt bằng gỗ sưa. Mẹ thì nhà có chuyện gì cũng gọi báo cho anh. Các bác, các chú, các thím, các cậu, các mợ, lần nào anh về cũng sang chơi, không ai trách móc gì anh đâu em ạ”...
Trong chương trình Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tại Việt Nam với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại" vừa qua, người ta đã lấy hình ảnh của Trình và Lan để tái hiện trên sân khấu. Ca khúc “Ai trả lại em cho tôi” do nhạc sĩ Tuấn Nghĩa sáng tác dựa trên mối tình này cũng khiến nhiều người xúc động.
“Dù em không giữ, anh cũng chẳng rời bỏ em đâu”
Trở về Bắc Ninh làm lễ 100 ngày mất của Lan, Trình đã lang thang ở những nơi mà cả hai đã có nhiều kỷ niệm thời yêu nhau. Ấy là ký túc xá Trường Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nơi anh gặp Lan hay đi qua chiếc cầu trước Bệnh viện Bạch Mai, nơi cả hai đã không biết bao nhiêu lần nắm tay đi qua đó…
Nhớ lại chuyện tình của mình, Trình kể, cách đây 4 năm, lúc đó đang là sinh viên năm 3 của Đại học Kinh tế Quốc dân, cứ chiều đến, Trình lại ra sân ký túc xã đá cầu cùng với bạn bè.
Ở đó, Trình gặp Lan. “Cảm nhận ban đầu về em là cô gái hiền lành, rất dễ mến. Qua những lời hỏi han, chúng tôi dần quen nhau và tôi yêu Lan khi nào không hay. Sau này, khi Lan tặng bài hát "Vâng em yêu anh" thì tôi hạnh phúc đến mất ngủ”.
Nói về tương lai, Trình bảo chưa biết được điều gì. Còn về tình yêu dành cho Lan:
“Người ta nói với anh, người mất rồi tình làm gì còn, chỉ còn nghĩa thôi. Không phải thế đâu em, tình yêu anh dành cho em vẫn còn đây, nguyên vẹn và nồng nàn. Trước đây, khi trái tim anh lạc nhịp, anh vẫn bảo với em rằng, anh không bỏ em đâu. Anh không quên những lời hứa ấy. Dù em không giữ anh, anh cũng chẳng rời bỏ em đâu...
Anh tin vào kiếp sau, anh tin vào nhân duyên của chúng mình. Anh sẽ cố gắng tu tập, sẽ cố gắng nguyện cầu cho em sớm được siêu thoát, được đầu thai làm một kiếp người hạnh phúc. Khi ấy, anh sẽ tìm em cho bằng được, để lại được lo lắng cho em, lại được chăm sóc em, được thấy em hạnh phúc, thấy em vui vẻ, thấy em an bình... Vì em xứng đáng được như thế!...”– trích đoạn tâm sự Trình viết riêng cho Lan.
Trình nói mình đi tu “không phải vì chán đời, không phải để chạy trốn khổ đau, không phải để tìm sự bình lặng. Mục đích của mình, chỉ đơn giản rằng, đi tu là để học cách giúp đỡ cho Lan, để cho hương linh Lan được an lạc, bình yên. Sự thật vẫn cứ là sự thật. Nhưng ta nhìn nó với một cái nhìn khác, thấu hiểu nó hơn, và ta biết cần phải làm gì với nó”.
Theo Văn Chung
Vietnamnet