Chuyện những “ông đồ” sinh viên viết chữ xuyên Tết

(Dân trí) - Bắt đầu bày biện giấy và bút nghiên tại Văn Miếu cả chục ngày trước, những “ông đồ” còn đang là sinh viên như Đông Phong và Thanh Nghị chấp nhận không về quê ăn Tết vì một niềm đam mê viết chữ…

Cả chục ngày trước Tết, người đi đường bỗng bắt gặp trở lại hình ảnh những ông đồ viết chữ quanh khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

 

Tuy nhiên, bên cạnh hình ảnh về ông đồ già, râu tóc bạc phơ từng xuất hiện trong câu thơ của Vũ Đình Liên, khách qua đường còn thấy tại đây những ông đồ “tóc xanh” thậm chí không ít trong số họ vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường.

 
Chuyện những “ông đồ” sinh viên viết chữ xuyên Tết - 1
Những "ông đồ" trẻ chiếm tỷ lệ không nhỏ tại phố Văn Miếu.
 

Là những sinh viên chủ yếu liên quan đến ngành hội họa ở trường ĐH Mỹ thuật, Kiến trúc và đặc biệt là Sư phạm nghệ thuật TW, các “ông đồ trẻ” cho hay đây là dịp rất tốt để được giao lưu với các bậc “tiền bối” và thỏa mãn đam mê “múa bút” của chính mình, bên cạnh việc kiếm thêm thu nhập chính đáng.

 

Điều đáng nói, thay vì niềm vui đoàn tụ với gia đình, bạn bè trong ngày Tết, các bạn trẻ này đều sẵn lòng bám trụ với phố ông Đồ cho tới ngày cuối cùng (rằm tháng Giêng).

 

Trong chiếc áo the khăn xếp chỉnh chu, ra dáng ông đồ thực thụ, Đông Phong, chàng trai quê Hà Giang tâm sự: “Đã hai mùa mình không về quê ăn Tết với gia đình, tuy nhiên năm nay mình vẫn sẽ ở lại phố ông Đồ xuyên ngày Tết.

 

Mình đã là sinh viên năm cuối trường Sư phạm nghệ thuật TW và Tết năm sau, có lẽ mình sẽ công tác tại quê nhà và không có dịp được múa bút tại Văn Miếu nữa”.

 
Chuyện những “ông đồ” sinh viên viết chữ xuyên Tết - 2
 

Lý giải về chiếc áo the, khăn xếp bất chấp thời tiết có phần lạnh lẽo, Phong cho biết: “Mình muốn giới thiệu tới mọi người hình ảnh của những ông đồ thực thụ. Không chỉ ở phong thái, nét bút mà ngay cả trang phục truyền thống, đó là nét đẹp mà những bạn trẻ cần quý trọng và nâng niu”.

 

Giữa dòng người hối hả, tập nập sắm Tết và cả những vị khách du lịch nước ngoài tò mò nán lại xem, những “ông đồ” SV vẫn bình thản đưa bút để tạo nên những bức thư pháp đậm chất Việt.

 

Khác với Phong, đây là năm đầu tiên Thanh Nghị có mặt tại Văn Miếu. Và chàng trai này cũng khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý đón giao thừa tại Hà Nội và múa bút cho tới hết Tết.

 

“Cũng nhờ một số anh cùng trường từng ngồi ở Văn Miếu năm trước nên em có được một vị trí tại phố ông Đồ. Nói chung, hầu hết các bạn trẻ viết chữ gặp nhau ở đây vì niềm đam mê. Chính bởi vậy, Tết này, em cũng sớm xác định tinh thần đón Tết xa nhà để viết chữ tặng mọi người”.

 
Chuyện những “ông đồ” sinh viên viết chữ xuyên Tết - 3
 

Cũng theo Nghị chia sẻ, để viết được thư pháp Việt (chủ yếu bạn trẻ chọn lối thư pháp “Mai” – mềm mại, uyển chuyển), các bạn đều tự mày mò tìm hiểu dựa trên niềm say mê tinh hoa văn hóa dân tộc.

 

Bên cạnh những chữ quen thuộc, mỗi người đều đọc thêm nhiều sách vở để tự sáng tạo nên những vần thơ, vế đối thật hay và sâu sắc.

 

Ngoài ra, việc luyện tay nghề cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và thậm chí cả phản ứng mau lẹ để ngay cả khi gặp những sự cố bất thường như rây mực, nét đi chưa thẳng hàng đều có thể xử lý một cách nuột nà, bay bổng…
 
Chuyện những “ông đồ” sinh viên viết chữ xuyên Tết - 4
Bên cạnh hình ảnh ông đồ râu tóc bạc phơ quen thuộc...

Chuyện những “ông đồ” sinh viên viết chữ xuyên Tết - 5
còn có các "bà đồ"

Chuyện những “ông đồ” sinh viên viết chữ xuyên Tết - 6
Không chỉ giới thiệu thư pháp tới người Việt mà còn hướng tới người nước ngoài...

Chuyện những “ông đồ” sinh viên viết chữ xuyên Tết - 7

Những ông đồ trẻ chủ yếu xuất thân từ các trường ngành hội họa
 
Chuyện những “ông đồ” sinh viên viết chữ xuyên Tết - 8


Chuyện những “ông đồ” sinh viên viết chữ xuyên Tết - 9
Và chủ yếu theo thư pháp Việt...

Chuyện những “ông đồ” sinh viên viết chữ xuyên Tết - 10

nhưng họ cũng kịp sáng tạo trình bày thư pháp trên những vật liệu khác nhau.

 

Vũ Phong