Chuyện những chàng Tây "say" Tết Việt

Say sưa khám phá Việt Nam, nhiều người nước ngoài tỏ ra vô cùng thích thú được chào đón Năm mới đúng chất Việt.

Năm mới khám phá Việt Nam

 

Lần đầu tiên đến Việt Nam, Morgan Shook (27 tuổi – khách du lịch người Mỹ) tỏ ra khá hào hứng trong gần sáu tuần khám phá Hà Nội. Morgan cho biết, anh đã dành khá nhiều công sức tìm hiểu để đến Việt Nam đón Giáng sinh và Năm mới.

 

“Thật khó tin là tôi đã ở đây tới sáu tuần. Thời gian trôi quá nhanh, tôi rất thích Hà Nội”, Morgan chia sẻ.

 

Mặc dù đã sáu tuần ở Hà Nội nhưng Morgan vẫn chưa cảm thấy “chán” thành phố nhỏ này. Anh dự định sẽ nán lại Hà Nội đón năm mới rồi mới tiếp tục hành trình đi Thái Lan và Campuchia của mình.

 

Morgan nói: “Ở Mỹ, tôi thường có thói quen đón năm mới cùng bạn bè. Tôi thường tới  một bữa tiệc lớn tại nhà một người bạn hoặc đi bar và nói chuyện cho tới nửa đêm, chờ đợi giây phút đầu tiên của năm mới. Chúng tôi sẽ cùng hét lên “Chúc mừng năm mới”. Cả ngày hôm sau, chúng tôi ăn những món ăn truyền thống, cầu mong sự may mắn cho cả năm”.

 
Chuyện những chàng Tây "say" Tết Việt  - 1
Morgan Shook - du khách người Mỹ
 

Còn năm nay, Morgan đã chuẩn bị tinh thần đón Tết Tây kiểu Việt: “Tôi dự định sẽ đến xem Lễ Hội Phố hoa – một lễ hội được bạn bè tôi giới thiệu là sự kiện thường niên được tổ chức ở khu trung tâm phố cổ . Sau đó, có thể là khám phá Hà Nội, dạo quanh Nhà hát lớn vào đêm giao thừa”.

 

Loïc Finas, một tình nguyện viên người Pháp đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ thì năm mới 2012 của anh sẽ khởi đầu bằng một kế hoạch tiệc tùng khá hoành tráng cùng bạn bè tại thủ đô Hà Nội.

 

“Ở Pháp, tôi thường đón giao thừa với các bạn bè thân thiết, và đôi khi, còn lấp đầy tuần lễ kế tiếp bằng những ngày đặc biệt. Còn năm nay, có lẽ tôi sẽ tham dự một bữa tiệc hoành tráng gần Nhà hát lớn, cùng với những người bạn ở Việt Nam”, Loïc chia sẻ.

 

Nhiều du khách nước ngoài “lên lịch” chào năm mới bằng hành trình khám phá Việt Nam từ Bắc vào Nam. Sara – du khách người Canada cho biết, cô sẽ đón giao thừa ở Hà Nội, rồi lên Sapa sau đó đi Vịnh Hạ Long và “Nam tiến” trong những tuần đầu năm mới.

 

“Tôi sẽ quay lại Hà Nội để đón Tết Âm lịch trước khi về nước, bởi rất nhiều người bạn đã khuyên tôi nên đến Hà Nội để tìm hiểu về Tết truyền thống của người Việt, rất khác biệt so với Tết của chúng tôi”, Sara tâm sự.

 

Tết Việt – Tết của tình thân

 

Năm mới là một trong những dịp đặc biệt, được chờ đợi nhất trong năm. Trong tâm trí của nhiều người, đây là cơ hội để mọi người gần gũi, chia sẻ yêu thương nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, Việt Nam có lẽ đã mang đến những cảm nhận sâu sắc về “Tết của tình thân” hơn nữa cho các du khách nước ngoài.

 

Chuyện những chàng Tây "say" Tết Việt  - 2
Khách nước ngoài thích thú với Tết Việt (Ảnh: VOV)

 

“Tết của người Việt có lẽ gần với Giáng sinh của người Pháp, một ngày lễ dành cho tình thân gia đình”, Loïc Finas nhận xét.

 

Nhiều du khách đã rất ngạc nhiên khi biết về những lễ hội gắn với dịp Tết của người Việt. Ngạc nhiên, say sưa và thú vị là cảm nhận chung của nhiều người. Morgan Shook (người Mỹ) tâm đắc nói: “Tôi chưa hiểu lắm về người Việt và văn hóa Việt nhưng có lẽ Tết của người Việt Nam là dịp dành cho gia đình và lễ hội nhiều hơn. Có rất nhiều nét văn hóa truyền thống gắn với Tết mà tôi chưa có cơ hội để khám phá hết”.

 

Tất nhiên, những khác biệt về văn hóa cũng có thể khiến một vài du khách thấy lúng túng. Ông John Berlow, GĐ quỹ Việt Nam xanh (Green Vietnam Foundation) – người đã gần 10 năm sống và làm việc ở Việt Nam chia sẻ:  “Tết Việt thật sự rất ấm áp, là kỉ nghỉ của gia đình, tuy nhiên với những người nước ngoài, đôi khi chúng tôi vẫn cảm thấy khó mà hòa nhập hoàn toàn được”.

 

Tết năm nay, John vẫn bận rộn với những dự án mà ông đang thực hiện tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, nên ông vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể đón mừng năm mới. Song “một sức khỏe tốt, sự thịnh vượng và thành công trong các dự án phát triển tại Việt Nam” là điều ước năm mới mà John ấp ủ.

 

Theo Minh Tâm

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm