Chuyện những băng đảng học đường

(Dân trí) - Vừa dắt xe ra khỏi cổng trường, Tuấn (THPT C - Nghệ An) bị mấy tên cùng trường chặn đánh tới tấp vào mặt. Đang ngơ ngác vì không hiểu lý do bị đánh thì một tên trong nhóm nói: “Hôm sau bỏ cái kiểu dám lướt xe qua mặt anh chị đi, thằng em”.

Thì ra, lúc sáng vì muộn học, Tuấn đã đạp xe nhanh để vào lớp mà không biết mình đã lướt qua mặt hai “đàn anh” trong băng đảng 4H đang ngồi uống trà đá trước cổng trường.

Những cuộc “giao chiến” nảy lửa

4H (vì bốn thành viên “uy” nhất trong nhóm đều có có tên bắt đầu bằng chữ H) là băng đảng số một trong trường THPT C. Người cầm đầu tên là Huyền, đang học lớp 11. Nghe đến tên hắn, học sinh trong trường đã thấy sợ.

Nhóm này có khoảng 10 học sinh ở các khối và cả những học sinh đã bị đuổi học. Huyền không phải là kẻ “tàn bạo” nhất nhóm nhưng Huyền có tiền để chu cấp cho các thành viên, nên được phong là “đại ca”.

Nhóm 4H thể hiện uy danh của mình bằng cách xin đểu học sinh trong trường. Khi các anh đã ngửa tay xin ít đồng uống cốc nước, hút điều thuốc mà các em lắc đầu thì sẽ bị ăn đòn. 4H còn tham gia vào việc “đánh thuê” cho một cá nhân hay một nhóm nào đó trong trường mà học sinh vẫn quen gọi bằng cái tên là “bảo kê”.

Người nào đã được 4H “bảo kê” thì gần như không bao giờ ai dám đụng đến. Người được bảo kê thường “thanh toán” với 4H bằng những bữa ăn sáng, những bữa nhậu hoặc đưa cho các anh một ít tiền. Chỉ cần từng ấy là mọi chuyện sẽ được các anh… giải quyết đến tận nơi.

Xích mích với cậu bạn học cạnh lớp, Hoàn - học sinh lớp 11 không hề biết rằng cậu bạn đó là “người quen” của 4H. Bị mấy anh kéo vào nhà vệ sinh, Hoàn không chỉ bị đánh mà còn bị bóp miệng bắt uống nước trong bồn vệ sinh.

Thường thì có khá nhiều nhóm kiểu băng đảng như thế này trong trường nên các nhóm thường diễn ra những cuộc ẩu đả để… khẳng định mình.

Cuộc “đọ sức” giữa hai nhóm trong trường THTP M đã trở thành một giai thoại của cả trường. Chỉ vì việc “bảo kê” cho một nhân vật của nhóm này bị nhóm kia phản đối, hai bên chính thức tuyên chiến. Tối thứ bảy, hẹn nhau ở sân bóng, hai nhóm đều tung hết vũ khí của mình nào là gậy, côn, những chiếc dao nhỏ và có cả kiếm để quyết thắng thua.

Chưa phân thắng bại thì bị ban quản lý sân bóng phát hiện, ngăn chặn. Vậy nhưng vẫn nhiều “anh hùng” của hai bên phải vào viện để băng bó vết thương. Đến giờ, vẫn chưa băng đảng nào chính thức là “bá chủ”, hai nhóm hằm hè nhau, chờ một ngày đẹp trời tái ngộ.

Ngay như nhóm 4H, để tạo được “vị thế” của mình cũng đã trải qua nhiều lần “trừng trị” các nhóm nhỏ khác trong trường.

“Anh hùng” đâu chỉ đấng mày râu

Thường thì các băng đảng này là thế giới của nam nhi nhưng không phải là không có sự tham gia của các bạn gái, những người vẫn được mệnh danh là chân yếu tay mềm.

Là bạn gái kẻ cầm đầu trong nhóm “bá chủ” của trường, H.Trâm, THPT Q.T (Hà Nội) nhanh chóng lập cho mình một nhóm với 7 thành viên. Nhóm của Trâm chỉ gây chiến với phái nữ, chủ yếu là những người dám “dây dưa” với bạn trai một người nào đó trong nhóm. Có việc gì nhóm không giải quyết được, Trâm lập tức nhờ đến bạn trai của mình. Bạn bè trong lớp không ai muốn “chạm” đến Trâm vì sợ bị “trả thù”.

Là “phái yếu” duy nhất trong băng đảng ở một trường trường THPT ở Thái Bình nhưng Thúy “liều” đã không ít lần làm nhiều học sinh trong trường khiếp hồn. Tính cách Thúy như con trai - hùng hổ và thích giải quyết mọi việc bằng “nắm đấm”. Nhiều cậu trong nhóm còn khiếp Thuý vì cô dám chơi tay đôi với bất kỳ đứa con trai nào.

Có lần cậu em trai của Thúy, học cấp hai bị một nhóm chặn đường đánh, cậu bạn đi cùng lập tức lên tiếng: “Các anh biết nó là ai không? Em chị Thuý “liều” đấy, động đến là không yên đâu”. Nhắc đến tên Thúy như có một phép lạ, cả nhóm kia lập tức “rút lui” và không quên gửi lời xin lỗi đến đứa em có bà chị nổi tiếng.

Hiện tượng thành lập các nhóm chuyên gây sự, bảo kê xuất hiện ở khá nhiều trường cấp hai, cấp ba và đang trở thành nỗi sợ với nhiều học sinh. “Em cãi nhau với một bạn khác lớp, mà không biết bạn thân của bạn ấy có quen với nhóm du côn trong trường. Biết chắc mình sẽ bị “ăn đòn” nên mấy hôm sau đó em không dám đến lớp. Chỉ khi gọi điện đến xin lỗi , bạn ấy hứa sẽ tha cho em, em mới dám đi học” - Quân, một học sinh cấp ba tâm sự.

Hoài Nam