Chuyện nhặt ở KTX sinh viên
Lên thành phố trọ học, Thu Hoài (SV ĐH Giao thông Vận tải TPHCM) chọn phương châm sống: “Kìm cái tôi của mình xuống để hoà nhập”. Thế nhưng trong cuộc sống KTX, vẫn có những khúc mắc lớn nhỏ không hay…
Từ cái bát, hạt gạo...
Ngọc Linh (ĐH Nông lâm TPHCM) kể chuyện về bát gạo: Linh vay của Hà gạo mà quên trả, Hà cứ ấm ức cho rằng Linh lợi dụng mình. Linh lại không hề hay biết, thấy khó hiểu khi Hà càng ngày càng xa cách, thậm chí còn buông những lời lẽ bóng gió.
“Thực ra, chẳng đáng là bao, nhưng nên hỏi thẳng chứ đâu cần phải hậm hực vì một chuyện cỏn con” - Linh bức xúc. Cô còn cho biết, chuyện bớt xén của người này chút xà bông, người kia chút dầu gội… thì chẳng còn lạ lẫm nữa.
Tới một phòng ở kí túc xá, mười người thì người nào cũng có những góc cất đồ dùng cá nhân riêng dù trông rất mất mĩ quan. Bởi, dùng chung thì sẽ với ý nghĩ… cha chung không ai khóc!
Hoài Anh (KTX ĐH Khoa học Tự nhiên) bị Hằng - cô bạn người Khánh Hoà cùng phòng ghét chỉ vì cái tội “pha tiếng”. Mọi xích mích bắt đầu từ lí do đó.
Hoài Anh lại không nghĩ mình mắc lỗi, không xin lỗi. Hằng chọn cách hành xử đối với người không biết điều: tưới nước mắm lên giường chiếu bạn. Mọi cãi vã ầm ĩ, dẫn tới kết cục là hai người cùng phòng nhưng chỉ hấm hứ và nhìn nhau với đôi mắt hình viên đạn.
Câu chuyện được làm “quà” mỗi khi Hoài Anh nói chuyện với người quen. Ngày Hằng ra trường, dọn ra khỏi KTX cũng là ngày Hoài Anh mất giấy tờ xe, giấy chứng minh nhân dân để trong tập tài liệu trên kệ sách, tiền để bên cạnh không bị mất. Không chứng cứ, Hoài Anh chỉ có thể kêu trời và dằn lòng bài học khá đắt giá khi ngay sau đó cô phải đưa xe về quê tận Nghệ An làm lại giấy tờ.
...Đến thói buôn dưa lê
Là “nạn nhân” trong cơ chế tin đồn, Thu Hoài (ĐH Giao thông vận tải) bức xúc: “Anh trai tôi học ĐH An ninh, khá xa nên ít đến thăm em. Hai anh em thân nhau lâu lâu mới gặp nên chào nhau, ôm chầm lấy nhau là chuyện thường. Thế mà có lần nghe đứa bạn ở phòng kế bên bảo: “Mày đừng ôm bồ thoải mái quá thế, bọn cùng phòng tao bảo mày có tiếng… lẳng lơ, bọn cùng phòng mày góp ý lại không nghe”.
Tai hại hơn, Thuỳ Linh (KTX Khoa học Tự nhiên) một lần đi xét nghiệm, tiêm phòng virus siêu vi gan B, về lại bị dính ngay tin đồn là “nó bị siêu vi gan B”. Trước đó cô bạn có nước da hơi xanh xao này có nghe bạn góp ý: “Nhìn mày giống bị gan quá! Đi khám xem sao”.
Điều đáng nói là tất cả bát đũa, cốc nước, quần áo, khăn mặt của Thuỳ Linh không ai dám để gần, không ai ăn chung với Linh. Nếu cô có vô ý để gần cũng bị đẩy ra xa. Mọi chuyện chỉ dừng lại, nhưng không hết nghi ngại khi Thùy Linh đưa giấy khám xét nghiệm ra minh chứng.
Khi tập thể: Chỉ mình “ta với ta”
Ở KTX Nông lâm, có hẳn một “vườn yêu” ngay từ cổng rẽ vào. Vườn có nhiều bụi cây cỏ, phù hợp cho sinh viên buổi tối hẹn hò ra đó thể hiện tình cảm, chỉ ngại cho những người qua đường lỡ nhìn qua hàng rào và những sinh viên đi học thêm về hay có việc cần đi ngang.
Mai Hoa (SV năm nhất bức xúc): Bạn bè em bảo ở một thời gian sẽ quen với những cảnh như thế. Nhưng như thế thì thật không tốt. Vả lại để người dân đi ngang đánh giá về sinh viên trong khu KTX này qua những cảnh ấy thì thật đáng trách.
Hoàng Hải Ngân (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn) kể, trong phòng cô, Thuỳ là người duy nhất có “bồ” nên rất được mọi người tạo điều kiện. Tuy vậy, những lúc hai người gặp nhau là một phen mọi người xốn mắt vì kèm theo những câu chuyện là cử chỉ âu yếm nhau như nũng nịu nhau, ôm ấp, đấm bóp cho nhau.
Một lần, mọi người đi cắm trại, cô còn đưa bạn trai vào phòng “sống thử”, cái “ok” bé bé còn sót lại trong sọt rác là minh chứng để mọi người quyết định… họp phòng. Khi mọi người cùng góp ý thì bất ngờ, Thuỳ cho là tất cả cùng… ghen với mình vì không ai có hạnh phúc như cô.
Lúc lương tâm “trục trặc”
Ấy là khi xuất hiện sở thích… cầm nhầm đồ của người khác. Sống tập thể là cơ hội để những ai có tính này “hành nghề”. Càng đông sẽ càng tốt bởi khó có thể xác định thủ phạm.
Giảng viên Quân sự Văn Thành (Trung tâm giáo dục Quốc phòng) cho biết: Trước những khoá học quân sự của SV, chúng tôi luôn chú ý nhắc nhở các bạn hãy luôn gìn giữ đồ dùng cá nhân và đồ quân sự được giao, nếu mất phải chịu trách nhiệm.
Ấy thế, dù đã cảnh giác, nhưng hiện tượng mất quần áo ngoài dây phơi vẫn diễn ra như thường.
Ở khu nhà trọ của Thanh Hằng nằm trong khu trọ Thị Nghè từng có một vụ ầm ĩ từ… một chiếc quần bò. Chủ nhân đang ngồi tiếc hùi hụi thì phát hiện ra nó đã “bay” qua một dây phơi khác. Dò ra người lấy để đòi lại thì sinh cãi vã, không ai chịu ai, lao vào nhau… so cơ. Con trai lắc đầu, con gái thì ngại ngùng thay cho phe mình.
Có khi lại mất tiền bạc ngay chính nhà mình ở. T. Hoa (ĐH Khoa học Tự nhiên), vừa vào KTX được vài hôm, bị cuỗm sạch toàn bộ tiền do để hớ hênh trên giường. Khóc tỉ ti cả ngày, phần vì tức, phần vì tiếc! “Bạn bè cả, truy tìm thì chỉ nặng nề thêm. Nhiều khi vì thế mà bực dọc, chán nản nhiều hơn tiếc giá trị món tiền, món đồ bị mất”, Hoa cho biết.
GS.TS tâm lý Vũ Gia Hiền: Khi các bạn trẻ sống trong môi trường tập thể thường có những xích mích vì nhiều lí do: Chưa hiểu nhau, chưa đủ "lớn" để thông cảm, chia sẻ, bỏ qua cho nhau; nên chỉ nghĩ từ cá nhân mình mà thiếu nghĩ tới người khác.
Chính vì thế, để tránh gặp những phiền toái hoặc tránh tạo nên những phiền toái, trước khi làm một điều gì bạn nên đặt mình ở hoàn cảnh người khác để hiểu rõ hơn vấn đề.
Dù có những va vấp, có những điều buồn phiền xung quanh cuộc sống tập thể thì các bạn trẻ nên nhìn nhận vô tư rằng đó là điều bình thường trong cuộc sống. Từ đó có thể rút ra những bài học kinh nghiệm để mình trưởng thành hơn. |
Theo Thu Hương
Vietnamnet